Không cần người đến khám, chỉ cần ảnh + tiền Cứ vào đầu giờ làm việc sáng, khi người dân đến để làm thủ tục đổi bằng lái xe ôtô tại Sở GTVT số 13 đường Hạc Thành, TP.Thanh Hóa, cũng là lúc tại lối cổng ra vào xuất hiện một đội ngũ xe ôm “cò mồi” với hơn 10 người kẻ đứng người ngồi.

Để tìm hiểu sự việc về nạn “cò” sức khỏe, “cò” đổi bằng, tôi quyết định đóng vai một người dân đi đổi bằng lái xe. Vừa bước chân đến cổng, một gã xe ôm mon men lại gần gạ gẫm: “Thiếu giấy khám sức khỏe hả, đưa anh một trăm là OK”. Tôi nói ngay: “Em đi đổi bằng cho bạn, bạn em bận không đến liệu có được không anh?”. Gã “cò” nói: “Thế có ảnh bạn em không đưa anh đi làm cho!”, tôi nói “Em không có ảnh”.

Không phải chờ lâu, gã “cò” sức khỏe hỏi: “Thế có chứng minh hay giấy phép lái xe không, đưa anh đem đi rửa ảnh, đợi một lúc anh sẽ mang giấy khám sức khỏe về”. Tôi gật đầu nói: “Em chỉ có ảnh thẻ xe buýt thôi”. Gã “cò” cười híp mí: “Thế cũng được, chú cho thông tin về họ, tên, địa chỉ, cân nặng, chiều cao…, một lát sẽ có giấy khám sức khỏe thôi”. Sau khi đã điền đầy đủ thông tin “ảo”, tôi đưa cho gã “cò” sức khỏe một thẻ xe buýt đã hết hạn để gã đi rửa ảnh, cùng 100.000 đồng làm giấy khám sức khỏe.

Trong khi chờ gã “cò” sức khỏe, một gã “cò” đổi bằng xuất hiện, xoa xoa tay rồi hỏi : “Đi đổi bằng hả, chú đưa anh ba trăm anh lo từ a đến z”. Để tạo niềm tin tôi hỏi lại gã “cò”: “Ba trăm là OK hết hả anh”. Gã “cò” đổi bằng trả lời oang oang át cả tiếng còi xe bên đường: “Ba trăm là xong hết, một tuần là có bằng”.

Một “cò” khác lượn vòng quanh lối vào Sở GTVT để gạ gẫm khám sức khỏe, đổi bằng.

Một lúc sau, gã “cò” sức khỏe quay lại mang theo một giấy khám sức khỏe với tất cả các chỉ tiêu đều tốt. Gã đưa ra một bản hóa đơn buộc tôi phải thanh toán và nói: “Thằng em cho anh xin năm mươi ngàn tiền ảnh, một trăm tiền xăng công anh chạy xe và một trăm tiền hoa hồng cho anh”. Tôi suýt xoa: “Sao đắt thế, anh có bớt cho em được không”. Gã hất hàm nói cộc lốc: “Đây là giá chung em ạ, ai cũng thế thôi, chú đưa nhanh để anh còn đi”. Một gã “cò” tiến sát lại phía tôi, nói đá thêm: “Thôi đưa đi, có mấy đồng mà kỳ kèo”.

Theo tôi quan sát, lực lượng “cò” sức khỏe, “cò” đổi bằng hoạt động khá tấp nập mà không gặp bất cứ sự kiểm soát của các lực lượng chức năng nào. “Cò” đi dạo như những bóng ma vật vờ ngay lối vào Sở GTVT, hễ gặp người dân đi đổi bằng là lập tức tiếp cận để lừa gạt.

Gian nan cuộc chiến chống “cò”

Được biết, thông tư số 30/TT-BGTVT ngày 24.10.2013 quy định việc chuyển đổi toàn bộ giấy phép lái xe bằng giấy bìa sang giấy phép lái xe mới làm bằng vật liệu PET trước ngày 31.12.2014. Tiếp đó, ngày 28.5, Bộ GTVT ra văn bản số 6174 về việc tăng cường khám, kiểm tra sức khỏe lái xe ôtô kinh doanh vận tải.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Sở GTVT đã kết hợp với Phòng khám Đa khoa GTVT Thanh Hóa trong công tác khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Lợi dụng sự việc trên, nhiều đối tượng “cò mồi” tranh thủ hoạt động môi giới giấy khám sức khỏe, đổi giấy phép lái xe đã xuất hiện tại khu vực này, gây ra tình trạng mất trật tự xã hội. Ngày 7.3.2014, Bộ GTVT ra văn bản số 2390/BGTVT-TCCB nêu rõ: “Có các biện pháp nhằm ngăn ngừa các hiện tượng “cò mồi”, tiêu cực”. Ngày 15.9, Sở GTVT đã có văn bản số 2927 đề nghị Công an tỉnh phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa hoạt động có biểu hiện xấu của những đối tượng “xe ôm” trong khu vực đổi giấy phép lái xe.

Sau nhiều ngày tác nghiệp trong khu vực Sở GTVT Thanh Hóa, chúng tôi mới thấy hết sự lộng hành của lực lượng môi giới dịch vụ. “Cò” tìm cách gạ gẫm những người dân ở khu vực xa xôi hẻo lánh đến làm thủ tục đổi giấy phép lái xe bằng những việc làm có tính chất lừa đảo. Chúng ngang nhiên đi vào khu vực cơ quan, lôi kéo dụ dỗ người dân đi khám sức khỏe tại những cơ sở y tế trên địa bàn, rồi thu tiền một cách vô lý gây nên tâm lý bức xúc.

Nhiều lúc, cán bộ của Sở ra nhắc nhở, các đối tượng “cò” còn thách thức, lăng mạ, đe dọa. “Cò” rêu rao với người dân rằng, chỉ cần đưa tiền cho chúng, không cần đến các cơ sở y tế khám sức khỏe, vẫn có giấy chứng nhận. Có thể nói, chính việc người dân còn thiếu thông tin khám sức khỏe theo quy định đã tạo điều kiện cho “cò” có môi trường hoạt động.

Cò” tiếp cận người dân đi đổi giấy phép lái xe rồi gạ gẫm.  

Trao đổi về tình trạng này, ông Phạm Xuân Bài – Chánh Văn phòng Sở GTVT Thanh Hóa – chán nản nói: “Đã gửi hồ sơ sự việc lên công an tỉnh rồi, họ đến làm được một hai “bữa” rồi “chả” làm nữa”.

Chua xót không kém ông Bài, ông Phan Quốc Vinh -Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái Sở GTVT – lắc đầu ngao ngán: “Đã gửi văn bản lên Công an tỉnh, nhưng đến giờ hiệu quả chỉ bằng không. Phía Công an tỉnh có chỉ đạo cho cán bộ xuống làm việc được một vài hôm rồi thôi và đưa ra câu trả lời: “Không có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên chịu không thể làm””.

Giấy khám sức khỏe “đểu” hay quả bom hẹn giờ?

Qua điều tra sự việc, tôi được biết, việc khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho lái xe phải được tiến hành chặt chẽ nhằm đảm bảo đầy đủ những tiêu chuẩn về thị lực, sắc giác, thính lực và xét nghiệm kiểm tra ma túy trong máu. Trong đó, yêu cầu lái xe chấp hành nghiêm túc việc xét nghiệm ma túy trong nước tiểu, khi lấy mẫu nước tiểu phải tránh các trường hợp đánh tráo, xin nước tiểu người khác, mang nước tiểu từ nhà đến… Tất cả những lái xe từ chối việc xét nghiệm kiểm tra ma túy đều bị coi là người có kết quả dương tính với ma túy và không đủ điều kiện để cấp giấy phép lái xe.

Ông Phan Quốc Vinh – Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái Sở GTVT Thanh Hóa. 

Việc “cò” sức khỏe chỉ cần tiền và ảnh, người đi khám sức khỏe có thể vắng mặt hoặc nhờ người khác đi khám thay đã làm sai quy định của Bộ Y tế về thủ tục, quy trình khám sức khỏe cho lái xe. Điều đó rất có thể sẽ xảy ra tình trạng để “lọt lưới” những lái xe không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, thậm chí có sử dụng các chất ma túy.Trong những tháng gần đây, tình trạng “xe điên”, “ngáo đá” do sử dụng ma túy đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng và tạo ra sự phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận xã hội. Do vậy, việc kiểm tra sức khỏe cho lái xe một cách nghiêm túc là điều hết sức cần thiết, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc rất có thể sẽ sảy ra. Ngoài Thanh Hóa, tại nhiều tỉnh, thành khác cũng xuất hiện tình trạng “không cần người, chỉ cần ảnh và tiền” sẽ được cấp giấy chứng nhận sức khỏe.

Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6.5.2013 của Bộ Y tế quy định về thủ tục, quy trình khám sức khỏe cho lái xe. Quyết định số 4132/2001/QĐ-BYT ngày 4.10.2001 quy định về nội dung khám sức khỏe cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: “Cần đặc biệt kiểm tra chặt chẽ việc khám thị lực, sắc giác, thính lực, xét nghiệm kiểm tra ma túy trong nước tiểu”.

Clip: Tình trạng “cò” lộng hành tại Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa.