Giáo dục - Đào tạo

Cô giáo con tôi: “Xin phụ huynh đừng cho con học thêm”

Khi nhận giấy mời họp phụ huynh đầu năm, vợ chồng tôi đã tính đến chuyện tiền bạc rồi. Nhưng sau khi chào và cảm ơn phụ huynh, cô giáo đi ngay vào chủ đề dạy và học, điều này ngoài dự đoán của không chỉ riêng tôi mà nhiều phụ huynh khác cũng vậy.

Lời khuyên này chỉ là một trong rất nhiều “chuyện lạ” của cô giáo con trai tôi, đang học lớp 5 một trường tiểu học tại Hà Nội.

Cô không khen chê những mặt tốt, chưa tốt của từng học sinh công khai mà cô phát cho mỗi phụ huynh một bản chi tiết nhận xét từng em, rất rõ ràng, tỉ mỉ, chu đáo chứ không phải chung chung. Nhiều tính cách của con mà cô nhận xét khiến tôi khá bất ngờ.

Cô bảo rằng năm nay cô sẽ không nhận xét công khai giống mọi năm nữa vì dễ khiến những khuyết điểm làm các em thấy tự ti. Thế nên sự tiến bộ của từng em sẽ được đánh giá dựa trên sự cố gắng chứ không so sánh với các bạn trong lớp.

Thật đáng ngạc nhiên khi cô giáo “nằm lòng” tính cách từng học sinh trong lớp. Cô khuyên phụ huynh chúng tôi đừng vì ham trường chuyên mà ép con học quá sức, phải chạy đua rồi làm khổ con.

May quá, cô giáo của con không vận động phụ huynh cho con đi học thêm mà ngược lại: “Nếu thương con thì xin phụ huynh đừng cho con đi học thêm”.

Buổi tối, thấy con trai học có vẻ nhàn, tôi hỏi thì con bảo cô không giao nhiều bài tập. Gọi điện hỏi thì cô giáo khẳng định đúng là có chuyện đó vì cô muốn để buổi tối các em được nghỉ ngơi, giải trí, chơi với bố mẹ nhiều hơn. Nghe cô nói vậy, tôi mừng như “bắt được vàng”.

Tôi thích thú khi nghe cô nói: “Tôi cũng có con ở độ tuổi này nên tôi hiểu những lo lắng của phụ huynh”.

Hôm khác tôi lại nhận được email của cô giáo về việc con tôi có viết thư tình cho bạn gái cùng lớp. Mới học lớp 5 mà con đã thích bạn khác giới khiến tôi rất căng thẳng, lo lắng. Cô dặn tôi tháo gỡ việc này bằng cách gần gũi con hơn, hỏi han nhẹ nhàng chứ đừng nổi giận, cấm đoán.

Ðọc lời hướng dẫn tận tình của cô giáo, các bước cô gợi ý, tôi mới nhận ra cô thật tâm lý. Những thư đi thư lại giữa cô giáo và phụ huynh giúp tôi hiểu và thông cảm cho sự vất vả của cô giáo hơn.

Bấy lâu nay tôi vẫn muốn định hướng sắp tới cho con thi vào một trường chuyên nổi tiếng ở Hà Nội dù biết rõ lực học của con không xuất sắc. Khi tôi hỏi rằng sang năm con trai tôi liệu có nên thi vào trường chuyên không, cô giáo khuyên tôi nên tùy sức học của con. Vào trường chuyên chưa hẳn đã tốt, nhất là với những em có lực học “thường thường bậc trung” như con tôi.

Cô còn nói rằng nếu cha mẹ cứ ép buộc con phải vào bằng được trường chuyên sẽ gây tâm lý hoang mang cho các em. Các em sẽ căng thẳng, chật vật “học lấy học để” cốt chạy theo “sở thích” của cha mẹ là chính, nhiều khi phải gồng mình lên để không bị thua kém bạn bè.

Nghe cô nói, tôi như tỉnh ngộ. Tôi không còn ý định chạy theo phong trào chuộng trường chuyên nữa mà để con được là chính mình. Thi thoảng đọc sổ liên lạc điện tử, cô giáo cất công đánh giá sự tiến bộ, cố gắng của con, tôi yên tâm lắm.

Đối thoại cô – trò

Hôm 20-10, tôi thật sự xúc động khi thấy đoạn “đối thoại” bằng chữ viết trong vở dặn dò của con gái tôi (học lớp 4/7 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM).

Cháu viết: “Cô ơi, hôm nay, con vừa vui vừa buồn. Con vui vì cô vẫn nhớ tới chúng con, vẫn tặng quà cho tụi con, con buồn vì cô vẫn ho, vẫn không khỏe và vui trong ngày trọng đại nhất của phụ nữ”.

Bên dưới là nét chữ bằng bút đỏ của cô giáo: “Cám ơn tấm lòng nhân hậu của cô bé Thụy Ðan. Cô uống thuốc sẽ mau khỏe thôi Ðan ơi!”.

Không biết ai nghĩ ra sáng kiến dưới phần ghi bài vở cần chuẩn bị cho buổi học sau học sinh có thể viết thêm những lời tâm tình với thầy cô, rồi sau đó được thầy cô hồi âm. Sáng kiến đó rất hay, làm cho mối quan hệ cô trò ngày càng gần hơn. Học sinh không ngần ngại bộc bạch suy nghĩ của mình, còn thầy cô có thêm cơ hội hiểu học trò.

Tôi không hiểu với một lớp học hơn 50 học sinh, nếu em nào cũng tâm sự như vậy thì cô lấy đâu ra thời gian để chia sẻ, nhưng rõ ràng con tôi rất vui khi đọc được lời nhắn gửi của cô. Cháu thật sự coi lớp 4/7 là ngôi nhà thân thiện của mình, không còn cảm giác stress như hồi đầu năm khi chuyển sang lớp mới (năm ngoái con tôi học lớp 3/5).

Tôi tin rằng mỗi khi nhìn nét chữ của cô giáo, con tôi sẽ hình dung ra nét mặt của cô, giọng nói của cô, tình cảm của cô. Ðiều đó sẽ làm giàu thêm tâm hồn, tình cảm và động lực phấn đấu của cháu. Và những dòng chữ như thế sẽ theo cháu suốt một hành trình dài trong đời.

Cảm ơn cô Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/7 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, TP.HCM.

NGUYỄN HUỲNH NHI
(phụ huynh học sinh Nguyễn Thụy Ðan, lớp 4/7 Trường Lê Ngọc Hân)

CAO VĂN LONG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP