Giáo dục

Cô giáo cấp 3 xin ra biên chế: Giám đốc sở lên tiếng

Nữ giáo viên cấp III ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Thanh Hóa xin nghỉ dạy vì cho rằng đồng lương không đủ sống và đơn xin chuyển về xuôi không được duyệt. Sự thật ra sao?

Ngày 10-10, cô giáo Nguyễn Thị Thành (SN 1987, giáo viên ngữ văn Trường THPT Mường Lát, Thanh Hóa) chính thức gửi đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục. Lý do cô đưa ra là vì đồng lương quá ít ỏi, không đủ chi tiêu cho cuộc sống trong khi cô phải sống xa chồng con và gia đình tới 250 km trong bảy năm qua. Hơn nữa, cô từng nhiều lần xin chuyển về quê miền xuôi nhưng không được các cấp đồng ý.

Cô giáo Nguyễn Thị Thành. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Phận nữ xa chồng không đủ sức cống hiến

Trong đơn xin nghỉ, cô Thành viết: “Bố mẹ tôi ở quê đều đã có tuổi, hai con còn thơ dại, cần người chăm sóc, dạy dỗ. Trong suốt bảy năm qua, tôi cố gắng bám nghề và tôi phải sống trong hoàn cảnh không được thoải mái. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn do đồng lương quá ít ỏi, không đủ lo cho cuộc sống của gia đình và các con. Cả hai vợ chồng tôi đều là giáo viên, chồng dạy ở quê Thiệu Hóa và đã có hai con gái, mỗi người nuôi một bé”.

Cô Thành cho biết khi mới vào nghề, cô luôn nỗ lực dạy giỏi để sớm được về quê ở gần chồng con nhưng nỗ lực ấy không được như ý muốn. Cô đã vài lần gửi đơn đến ban giám hiệu nhà trường xin chuyển công tác về quê nhưng không được đáp ứng nên có lúc cũng chán nản.

“Phận phụ nữ xa chồng con khiến mình không còn đủ sức để cống hiến với nghề dù đam mê. Dù là công việc gì đều có những cống hiến, đóng góp cho xã hội, vì thế em có lựa chọn riêng và quyết định viết đơn xin ra khỏi ngành để bắt đầu công việc khác” - cô Thành tâm sự.

Cô giáo Nguyễn Thị Thành bên các học sinh Trường THPT Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Không cho chuyển trường vì thiếu giáo viên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức lương của cô Thành hiện chỉ hơn 5 triệu đồng. Người dân ở đây cho biết với thu nhập này mà chi tiêu tại thị trấn Mường Lát là rất khó khăn, chưa nói cô Thành còn phải nuôi hai con nhỏ.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, xác nhận việc cô Nguyễn Thị Thành có đơn xin nghỉ là đúng sự thật. Trước đó cô Thành cũng đã xin nhà trường giải quyết cho cô nghỉ không lương một tháng. “Ban giám hiệu nhà trường rất thông cảm với hoàn cảnh của cô Thành và luôn động viên cô ấy cố gắng theo nghề. Bởi lẽ cô giáo Thành là một giáo viên dạy môn ngữ văn rất vững, được các thầy cô giáo, học sinh trong trường quý mến” - thầy Văn nói.

Theo thầy Văn, năm 2016 cô Thành có đơn xin chuyển công tác nhưng không được giải quyết vì trường thiếu giáo viên. Năm 2017, có 13 giáo viên có nguyện vọng xin chuyển công tác nhưng chỉ có bốn trường hợp được giải quyết (nhưng không có cô Thành).

“Mong thầy cô ráng bám trụ thêm thời gian nữa”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào chiều tối 10-10, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng nói về trường hợp số giáo viên Mường Lát, Sở đang xem xét sẽ cho chuyển dần dần về dưới xuôi. Tuy nhiên, do hiện nay tỉnh chưa cho tuyển dụng giáo viên những môn đang thiếu nhiều nên Sở chưa thể giải quyết các trường hợp xin chuyển về xuôi, trong đó có trường hợp cô Thành.

Bà Hằng lý giải ở Trường THPT Mường Lát môn văn hiện thiếu 5-6 giáo viên, nếu cho giáo viên môn này chuyển về xuôi nữa thì không còn ai để dạy. “Trường hợp của cô Thành là thế nên trường chưa giải quyết” - bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, sắp tới đây Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh về số giáo viên thiếu ở các địa phương để tỉnh cho thi tuyển dụng, đặc biệt là các trường ở huyện miền núi. Khi có giáo viên lên thay thế thì Sở sẽ điều chuyển hết số giáo viên công tác lâu năm ở miền núi có nhu cầu chuyển về miền xuôi.

“Việc này Sở GD&ĐT cũng đã làm việc với hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, rằng cố gắng động viên các thầy, các cô một thời gian ngắn nữa. Các thầy cô đã bám trụ được mấy năm rồi thì cố gắng thêm một thời gian ngắn nữa sẽ được chuyển về miền xuôi thôi” - bà Hằng nói.

Miền cao thiếu, miền xuôi thừa

PV hỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT, nữ giáo viên dạy ở huyện miền núi không quá ba năm sẽ được thuyên chuyển về xuôi, còn nam giáo viên thì không quá năm năm sẽ được chuyển. Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, trả lời quy định này trước đây có giá trị nhưng sau đó một thời gian thì không thể làm được. “Ví dụ như ở miền xuôi có trường thiếu, tiếp nhận giáo viên thì mới chuyển về được, còn các trường miền xuôi đang thừa thì không thể chuyển được. Quy định này của Bộ GD&ĐT hiện nay là không áp dụng nữa” - bà Hằng nói.

Bà Hằng cho biết thêm: “Có nhiều thầy cô giáo ở miền xuôi lên miền cao công tác rất khó khăn nhưng họ vẫn bám trụ với nghề. Khi các thầy cô bám trụ lâu năm thì nên bố trí cho về xuôi theo nguyện vọng chính đáng của các thầy cô. Như vừa qua ở Mường Lát có 64 thầy cô giáo tiểu học, THCS xin về, sau khi họp các ngành, chúng tôi đã giải quyết cho các thầy cô luân chuyển về xuôi như nguyện vọng”.

Những hẹn hò từ nay khép lại

Mấy hôm nay cuộc sống của tôi có nhiều xáo trộn, tôi suy nghĩ, trăn trở nhiều nhưng đành phải quyết định. Dù có yêu mến các em học sinh đến mấy, dù có tiếc nuối, có buồn phiền và cả đớn đau khi phải rời xa ngành mình gắn bó đam mê nhưng sau thời gian cống hiến hết mình tôi thấy đã đến lúc dành cho gia đình. Qua báo, mình xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô đã luôn đồng hành, giúp đỡ mình trong thời gian qua; đồng thời, mình cũng gửi lời chúc tới các em học sinh tiếp tục nỗ lực vươn lên đói nghèo của vùng cao huyện Mường Lát để trở thành những người có ích. Với mình thì những hẹn hò từ nay khép lại, những kỷ niệm với nghề, với học sinh và thầy cô sẽ theo mình đến cuối cuộc đời.

Nữ giáo viên NGUYỄN THỊ THÀNH

Tác giả: ĐẶNG TRUNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP