Du lịch

Cô gái từ Sài Gòn ra Mộc Châu ăn tết cùng người Mông

Được một gia đình người Mông mời ở lại ăn Tết, Huỳnh Kiên không ngờ trong mâm cơm lại có thịt chuột và tiết canh lợn.

Huỳnh Kiên sinh năm 1992, quê ở Quảng Ngãi, lớn lên ở Bến Tre, hiện sống tại Sài Gòn. Cô đã nghỉ việc để đi du lịch khắp Việt Nam và viết sách. Lần đầu đến Mộc Châu, lại đúng dịp người Mông ở đây đón Tết, cô đã nhận lời mời của người dân địa phương ở lại một tháng thay vì 5 ngày như dự định ban đầu.

Tết cổ truyền của người Mông ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La diễn ra sớm hơn so với Tết Nguyên đán một tháng, bắt đầu từ ngày 1/12 âm lịch. Theo chân anh A Dua, người Mông ngụ tại bản Tà Số, tôi lần đầu trải nghiệm Tết cùng đồng bào Mông.

Huỳnh Kiên (giữa) đi chơi cùng các bé gái người Mông ở Mộc Châu.

Trước Tết, gia đình anh A Dua đã làm một mâm cơm để mời khách phương xa cùng những người thân trong gia đình. Trong bữa cơm này, mọi người cùng uống rượu và chuyền nhau đôi chân gà. Người Mông quan niệm, nếu đôi chân gà quá hở thì gia đình sẽ làm ăn không tốt, còn nếu đôi chân gà úp vào dự báo tiền sẽ rất nhiều.

Dù tất bật dọn tết cùng gia đình, thanh niên trong bản Tà Số vẫn tranh thủ thời gian, tập trung tại một ngôi nhà để tập duyệt những bài múa diễn ra vào mùng 4 tại sân vận động bản. Ngày 30 tết, không khí đã sôi động khắp nơi. Nhà nhà mở nhạc Mông rộn ràng để chào đón mùa xuân đến.

Vào mùng 1 Tết, tôi theo chân anh A Dua đến từng gia đình họ hàng chúc Tết. Mỗi gia đình đều làm mâm cơm bao gồm thịt lợn, thịt gà, thịt chuột, bánh dày, rau sống, tiết canh lợn, món canh với rau không bỏ gia vị và đãi khách bằng rượu ngô men lá.

Các gia đình Mông tập trung đông đủ trong bữa cơm ngày Tết.

Món ăn tôi cảm thấy ấn tượng nhất vẫn là thịt chuột và tiết canh lợn. Chuột được bắt ở trên núi, sau khi mang về sẽ đem nướng và bỏ lên đĩa. Món thịt chuột khá thơm, ngon và dai. Tiết canh lợn vừa nhìn tôi đã sợ không dám ăn nhưng được chứng kiến quy trình thưởng thức rất đặc biệt.

Một chén tiết canh lợn được chuyền từ tay người này đến người khác. Đến phiên ai thì cầm muỗng của mình múc một miếng, ăn và sau đó phải uống kèm một chén rượu ngô men lá. Sau chén rượu này, người khách phải bắt tay với người mời tiết canh lợn.

Bánh dày là món ăn đặc sắc của đồng bào Mông, dùng để ăn trong ngày Tết và đãi khách. Bánh dày được nướng dưới than hồng nên khi ăn giòn và thơm. Sau khi khách đi về mỗi người được tặng thêm phần bánh dày mang về làm quà.

Ở Tà Số, vào ngày Tết, người Mông khoác lên mình những bộ đồ Mông truyền thống rực rỡ. Những cô gái, em bé gái Mông mặc váy đẹp, đeo trang sức bạc màu trắng và nắm tay nhau đi tung tăng trên đường làng, chơi ném pao, đánh cầu lông. Những thiếu nữ nếu không ra ngoài chơi sẽ ở nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, rồi lấy quần áo Mông ra khâu vá hoặc thêu.

Vì vào từng nhà trong bản để chúc Tết, đến 8h tối, chúng tôi vẫn đi sâu vào trong núi. Càng vào sâu, đường đi càng lầy lội, khó khăn. Ngôi nhà cuối cùng bên trong núi khiến tôi giật mình vì không có điện, buổi tối chỉ có ánh đèn lu mờ, trẻ em ở nhà này đã ngủ, người lớn thì đã uống say nên cũng ngủ trước.

Một đoạn đường đã được làm vào bản Tà Số.

Đến khi ra về gần 11h đêm, tôi thấy những phụ nữ Mông soi đèn từng góc đường để tìm chồng. Bởi những ngày Tết, đàn ông ở đây thường uống quá chén. Sương mù bắt đầu vây kín lối, lạnh đến thấu xương gan, tôi chợt nghĩ lại một ngày chúc Tết người Mông thật ấm áp.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân ở Tà Số rất thân thiện, thấy người xuôi lên chúc Tết họ mở rộng vòng tay đón chào. Những cái bắt tay nồng nhiệt cùng nụ cười trìu mến, vô tư của những đứa trẻ ở bản khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Thật là một cái Tết đầy nghĩa tình.

Tác giả: Huỳnh Kiên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP