Khám phá

Chuyện vị “kiến trúc sư” thiết kế làng hầm địa đạo Vịnh Mốc

Để làm nên làng hầm Vịnh Mốc, che chở an toàn cho hàng vạn người dân trong những năm chiến tranh ác liệt là công sức của cả tập thể. Nhưng, người đã nảy ra sáng kiến đào địa đạo hết sức hiệu quả như thế lại là một người chưa học hết tiểu học…

Kiến tạo làng hầm xuyên lòng đất chỉ với chiếc la bàn
Những năm 1964 trở đi, Mỹ cùng chính quyền tay sai đã gia tăng các hoạt động đánh phá ra miền Bắc. Với vị trí tuyến đầu nên khu vực Vĩnh Linh phải hứng chịu một lượng lớn bom đạn do không quân Mỹ rải xuống, rất nhiều làng mạc, công trình đã bị tàn phá hết sức nặng nề. Theo chỉ thị của Khu ủy Vĩnh Linh thời kỳ đó, bằng mọi giá phải bám đất, bám làng, tiếp tục chiến đấu bảo vệ quê hương.

Công tác cứu thương cũng diễn ra trong lòng địa đạo
Công tác cứu thương cũng diễn ra trong lòng địa đạo

Và, để tiếp tục bám trụ trên vùng đất này, tạo được tâm thế chủ động theo tinh thần “mỗi làng, xã là một pháo đài chiến đấu” thì việc đầu tiên là phải tìm được phương án phòng tránh hợp lý, hạn chế các thương vong không cần thiết. Tiếp nhận chủ trương đó, người dân Vĩnh Linh đã nhiều lần đào hầm để trú ẩn và tránh bom đạn. Tuy nhiên, sau nhiều lần bỏ công sức để đào hầm chữ A, chữ U đều bất thành do sức công phá của bom đạn quá lớn. Đã không ít lần hầm vừa đào xong liền bị đánh sập, khiến hàng chục, hàng trăm người gồm bộ đội lẫn người dân phải nằm lại trong lòng đất.
Là Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang 140, đóng tại Cửa Tùng, quản lý một vùng đất đai rộng lớn và cùng sát cánh với người dân trong nhiều cuộc chiến chống lại kẻ thù xâm lược, ông Lê Xuân Vy (hiện đã 85 tuổi, trú tại phường 5, TP Đông Hà) hiểu rõ sự mất mát quá lớn đó. Ông Vy cảm thấy bị dằn vặt bởi không tìm ra cách nào để có thể bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân.
Bản thân ông hiểu rất rõ, nếu thiết kế những căn hầm đơn thuần như vậy thì không đủ sức chống chọi được với mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Khi hầm bị bom đánh sập, cửa bít lại thì những người trú ẩn trong đó cũng sẽ chết vì ngạt. Sau nhiều lần suy nghĩ, cuối cùng ý tưởng thiết kế làng hầm địa đạo xuyên vào lòng đất, dựa trên nguyên lý của hầm chữ A, chữ U…cũng đã hình thành trong suy nghĩ của ông.
Nghĩ là làm, tháng 2/1966, ông lệnh cho lực lượng trong đồn phối hợp với người dân bắt tay ngay vào việc đào hầm trú ẩn. Cùng với Vĩnh Giang, Vịnh Mốc, Sơn Hạ, rất nhiều địa phương khác của “vùng đất lửa” Vĩnh Linh cũng tích cực đào hầm địa đạo để tránh bom đạn. Trong quá trình đó, đích thân ông Vy là người hướng dẫn cho bộ đội và người dân đào hầm. Công trình này được hoàn thành vào năm 1967. Theo đó, hàng trăm hộ gia đình đã chuyển cuộc sống trên mặt đất vào địa đạo mới có thể bảo toàn được mạng sống giữa những “làn tên, mũi đạn” của kẻ thù xâm lược.

Sơ đồ cấu trúc của làng địa đạo Vịnh Mốc
Sơ đồ cấu trúc của làng địa đạo Vịnh Mốc

Thời điểm này, Vịnh Mốc là một địa đạo lớn nhất trong số 114 địa đạo trên mảnh đất Vĩnh Linh. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701m, với 13 cửa (gồm 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi). Đây là công trình huy động toàn bộ trí tuệ, sức lực của quân và dân Vịnh Mốc và lực lượng vũ trang Đồn 140. Thực tế cho thấy, trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất đã nói lên kỳ tích của người dân nơi đây. Hơn nữa, ngoài việc tránh được bom đạn, người dân còn có thể chiến đấu với địch ngay trên chính quê hương mình.
Quá trình đào địa đạo thiếu thốn rất nhiều thứ bởi công cụ lao động chỉ là những đồ vật thô sơ như cuốc xẻng, quang gánh, xe cút kít. Phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để ông Vy lấy căn cứ đào địa đạo chính là một chiếc la bàn cũ kỹ. Hơn nữa, ở dưới lòng đất, anh em vẫn đang đào địa đạo nhưng phía trên đầu vẫn hứng chịu bom đạn của kẻ thù. Trong lúc đào bới, hầu hết các đơn vị thắp đèn dầu, đuốc tre… Khi ấy, oxy trong lòng địa đạo thiếu trầm trọng, khói của chiếc đèn dầu khiến không ít người ngạt thở. Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết bám đất, giữ làng sản xuất và chiến đấu làm tròn nhiệm vụ tiếp tế bảo vệ đảo Cồn Cỏ và chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt, nhân dân xã Vĩnh Thạch đã làm nên kỳ tích dưới lòng đất.
Gần 300 ngày “xẻ lòng đất mẹ” để tìm sự sống
Đã gần 50 năm trôi qua nhưng ông Vy vẫn nhớ như in từng chi tiết về những ngày tháng gian khó. Kể lại việc đào địa đạo, ông Vy cho biết: “Lúc đưa ra sáng kiến đào địa đạo, nhiều người lo ngại, làm sao có thể đào địa đạo khi địa hình ở dưới lòng đất tối om và không lấy gì làm căn cứ định hình được. Tuy nhiên, những lo ngại trên đã có cách giải quyết, tối ta có thể dùng đèn, nến, còn việc định hình thì đã có la bàn làm căn cứ. Vấn đề là phải tính toán đào địa đạo như thế nào cho phù hợp. Muốn vậy phải tính toán đến độ dốc”.

Ông Vy vẫn còn nhớ khá chi tiết về quá trình đào địa đạo cũng như các ngõ ngách ở làng hầm Vịnh Mốc
Ông Vy vẫn còn nhớ khá chi tiết về quá trình đào địa đạo cũng như các ngõ ngách ở làng hầm Vịnh Mốc

Ông Vy nảy ra sáng kiến đo thành từng đoạn từ trên đỉnh đồi xuống. Mỗi đoạn khoảng 1m. Một sợi dây được căng ra theo phương ngang từ điểm cao nhất, rồi một sợi dây khác được kẹp chì gióng xuống để tính độ dốc của đoạn đó. Hết đoạn này lại đo tiếp đoạn khác. Sau đó ông cộng các thông số độ dốc của từng đoạn lại với nhau để thành kết quả cuối cùng. “Sau này khi hoàn thành, người của Cục Công binh mang máy móc vào đo lại thì kết quả y như tôi đo thủ công” – ông Vy kể.
Khi mọi tính toán đã thực hiện xong, ông Vy cho anh em đào thăm dò trước một đường nhỏ, ông cho đặt 3 cây đèn hay ba ngọn đuốc theo một đường thẳng. Anh em cứ căn vào đó để đào địa đạo là thẳng và có thể cho các đường móc nối với nhau đúng hướng. Hầm địa đạo được thiết kế từ Đông sang Tây để tránh bom đạn. Ông Vy lý giải: “Việc tôi chọn đào địa đạo theo hướng Đông – Tây vì nếu Mỹ ném bom từ biển vào có thể chỉ phá được một đoạn ngắn hầm phía Đông, còn phía Tây nằm sâu trong đất liền sẽ an toàn”.

Với công cụ thô sơ nhưng quân và dân ta đã làm nên một kỳ tích xuyên lòng đất (Ảnh Tư liệu)
Với công cụ thô sơ nhưng quân và dân ta đã làm nên một kỳ tích xuyên lòng đất (Ảnh Tư liệu)

Để tạo động lực cho các đội đào địa đạo, ông Vy tổ chức các đợt thi đua giữa các tổ, nhóm. “Tổ nào đào nhanh sẽ được phong là kiện tướng đào đất. Tổ nhanh hơn được phong là đại kiện tướng. Nhờ thế mà dù chỉ ăn khoai sắn, tốc độ đào địa đạo của quân dân Vĩnh Linh tăng đáng kể” – ông Vy kể.
Ngoài trục chính của địa đạo còn có hệ thống hầm gồm: nhiều căn hộ gia đình, hội trường, hầm vũ khí, nhà hộ sinh, khu vực cứu thương, giếng nước… Cùng với đó là các đường rẽ vào trục chính để cơ động di chuyển khi có sự cố.

Hơn 2.000 ngày đêm tồn tại, mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trong địa đạo 
Hơn 2.000 ngày đêm tồn tại, mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trong địa đạo (Ảnh Tư liệu)

Để không khí có thể lọt vào trong, ông Vy cho làm hệ thống lỗ thông hơi lên mặt đất. Lỗ thông hơi cách trục chính đúng 5m, cách hầm chữ A khoảng 10m và được đào sâu hơn so với đáy địa đạo 0,5m, phòng khi Mỹ ném bom bi cũng không vào được địa đạo mà chỉ lọt xuống đáy lỗ thông hơi. Đây là một sáng kiến hết sức độc đáo của ông Vy.
Sau gần 300 ngày, lực lượng vũ trang và người dân đã hoàn thành xong việc đào địa đạo, nhưng ông Vy lại tính toán cẩn thận hơn. Nếu khi địch nắm bắt được và ném bom thì những người sống và chiến đấu trong lòng địa đạo sẽ rút đi đâu? Nghĩ vậy ông cho đào tiếp một đường rút lui theo hướng ngược lên mặt đất với chiều dài gần 60m. Có 2 tổ xung kích gồm sáu người đứng từ độ sâu 25m (đáy tầng ba) đào ngược lên mặt đất. Suốt một tháng ròng, đường thoát hiểm lên mặt đất được hoàn chỉnh. Đây là lối đi bí mật mang tính sống còn, chỉ có lực lượng vũ trang mới biết được để tránh bị bại lộ.
Dù là người có công rất lớn trong việc thiết kế và trực tiếp hướng dẫn việc đào địa đạo, công trình huyền thoại xuyên lòng đất nhưng ông Vy luôn xem đó là việc làm bình thường. Nói về ý nghĩa của việc đào địa đạo, ông Vy chia sẻ: “Với tình thế lúc đó, việc thiết kế và đào được hầm địa đạo an toàn, hiệu quả, có thể tránh được thương vong cho hàng ngàn người dân trước bom đạn xối xả là hạnh phúc lắm rồi. Với một lượng bom đạn lớn như thế dội xuống Vĩnh Linh, chúng ta có bảo toàn được tính mạng mới nói đến chuyện chiến đấu chống lại kẻ thù. Hơn nữa, đây cũng là nơi trung chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho đảo Cồn Cỏ để chuyển vào chiến trường miền Nam”.
Từ sáng kiến của ông Vy, nhiều địa phương khác của huyện Vinh Linh đã triển khai đào địa đạo, tạo thành một hệ thống phòng tránh bom đạn vững chắc, an toàn.

Ông Lê Xuân Vy (đeo kính, bên phải hàng thứ nhất) trong lần gặp mặt các đồng đội
Ông Lê Xuân Vy (đeo kính, bên phải hàng thứ nhất) trong lần gặp mặt các đồng đội

Khi đến tuổi nghỉ hưu, ông trở về sinh sống bên gia đình ở TP Đông Hà. Sau đó, ông tham gia công tác nhiều năm ở Hội người mù tỉnh Quảng Trị. Hiện đôi mắt của ông Vy đã mù hẳn, việc đi lại cũng trở nên khó khăn hơn do sức khỏe yếu dần. Dù chưa được vinh danh nhưng khi nhắc đến làng hầm địa đạo Vịnh Mốc – công trình thế kỷ thể hiện sự sáng tạo độc đáo của quân và dân ta trong những năm tháng ác liệt, mọi người trong xã hội vẫn nhớ đến ông Vy với tư cách là “kiến trúc sư” của công trình huyền thoại.

Đăng Đức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP