Tin Hà Tĩnh

Chuyện về những người 'bầu bạn' với 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc

Chiều giữa tháng 7, chị Võ Thị Thủy (34 tuổi) - nhân viên tại Khu di tích đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) - miệt mài quét dọn, lau chùi phần mộ cho 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong. Gắn bó với công việc chăm sóc phần mộ của các chị suốt 12 năm nay, chị Thủy luôn cảm thấy vui và vinh dự khi được làm việc tại một nơi đầy linh thiêng này.

“Tôi thường kể cho con nghe chuyện Ngã ba Đồng Lộc”

Chị Thủy quê huyện Tân Kỳ (Nghệ An), vào làm việc tại Ngã ba Đồng Lộc từ năm 2006. Ban đầu, vùng đất mới khiến chị bỡ ngỡ, nhiều lúc nhớ nhà da diết. Được giao chăm lo hương khói, dọn dẹp phần mộ cho 10 cô gái đã đi vào sử sách, vài hôm đầu, chị còn bỡ ngỡ, song sau đó quen dần, cảm thấy nơi đây thân thiện như một gia đình, cảm giác rất gần gũi.

Chị chia sẻ, chăm sóc phần mộ 10 nữ liệt sĩ gồm rất nhiều thành viên trong Khu di tích, mỗi ca như vậy gồm 4 người thay phiên nhau, mỗi người một công việc, có người quét dọn, người phụ trách hương khói, đón khách... Một tuần mỗi người trực khoảng 3 ngày, từ 6h30 đến 18h, có khi muộn hơn tùy theo lượng khách viếng thăm.

Sau giờ làm việc, chị Thủy thường kể cho con nghe về những cô gái anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc - nơi mà chị đang ngày đêm "bầu bạn" chăm sóc phần mộ cho các chị. Ảnh: Phương Phương

Là một người trước đó chỉ biết câu chuyện hy sinh anh dũng của 10 cô gái ở Đồng Lộc qua sách báo, nay được làm việc trực tiếp tại đây, người phụ nữ 34 tuổi này cảm thấy biết ơn vì nơi đây đã cho mình tất cả. Chị Thủy lấy chồng và sinh sống ở Hà Tĩnh, hiện có 3 con nhỏ, cuộc sống rất hạnh phúc.

“Tôi thường kể cho các con nghe về câu chuyện ở Đồng Lộc. Trước các ngày lễ lớn hàng năm, tôi đưa bọn trẻ đến xem không khí chuẩn bị, để các cháu hiểu thêm được nhiều câu chuyện lịch sử, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng”, chị Thủy nói.

Nữ nhân viên Khu di tích Đồng Lộc kể, cứ gần đến ngày giỗ của 10 nữ liệt sĩ, lượng khách đổ về thắp hương tăng đột biến. Chị cảm thấy rất xúc động, luôn cố gắng làm việc hết sức, để làm nén hương lòng dâng lên các cô gái. Bất kể ngày nào, trời nắng hay mưa, những người chăm sóc mộ ở đây vẫn không nề hà, không bao giờ chểnh mảng công việc.

12 năm làm việc lo hương khói cho 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, chị Thủy được nhiều người nhận xét có những nét tương đồng, hao hao giống với Tiểu đội phó Tiểu đội 4 C552 Hồ Thị Cúc. Nhiều đoàn khách khi tới đăng thắp hương, gặp chị, họ rất xúc động, muốn chụp hình lưu niệm.

Chị kể, khoảng 8 năm trước, có một cựu chiến binh ở Hà Nội vào thắp hương ở Đồng Lộc, ông gặp chị, sau đó chụp lại một tấm hình. Một thời gian sau, chị bất ngờ nhận được một lưu bút gửi về cơ quan, kèm tấm hình của bản thân với nội dung: “Tôi không biết tên, nhờ gửi cho cô gái trong hình, tôi cảm nhận cô ấy giống cô gái ngày xưa”.

“Tôi rất xúc động trước tấm hình của du khách, cảm thấy có sự gắn kết tâm linh”, chị Thủy tâm sự.

Có lần, nhà thơ Bùi Ngọc Quang, tác giả bài "Đồng Lộc 10 bông hoa bất tử", vào dâng hương, ông gặp chị Thủy và chọn chị làm người gửi niềm tri ân. Sau này, sáng tác thêm một vài bài thơ khác về Đồng Lộc, nhà thơ đã lồng hình ảnh chị Thủy vào trong thơ.

“Nơi đây đã cho tôi nhiều mối quan hệ rất khó quên, có những người khách đi qua đây rất nhiều, song họ vẫn nhớ mặt, gọi tên tôi. Với nhà thơ Bùi Ngọc Quang, tôi xem như một người anh gần gũi, ông từng dặn mỗi lần thắp hương cho 10 cô gái, mỗi phần mộ hãy thắp 2 cây nhang, xem như thắp hộ cho ông, công việc này 10 năm qua tôi không hề quên”, chị Thủy bộc bạch.

Nghỉ hưu nhưng tình cảm không bao giờ ngơi nghỉ

Từng là quản lý của chị Thủy, song khi về hưu năm 2011, bà Đặng Thị Yến (nguyên Phó ban quản lý Khu di tích Đồng Lộc) đã xin cấp trên được ở lại để bán nhang trước khu mộ 10 nữ liệt sĩ, tiện chăm sóc phần mộ cho các cô.

Mỗi sáng, bà Yến dậy sớm, ra quét dọn, lau chùi từng phần mộ. Bà chia sẻ, làm việc tại đây, bà cảm nhận được tình người rất ấm áp. Dù lượng khách đổ về đây hàng năm rất lớn, song họ rất thân thiện, gắn bó với nhau. Có những đoàn khách đã về lại đây mấy chục lần, bà Yến cảm thấy rất xúc động với tấm lòng của họ đối với những người đồng đội, đồng chí đã ngã xuống.

Bà Yến tâm sự, trước kia làm quản lý chung, ít khi có dịp xuống lo việc hương khói, bởi công việc khá bận rộn. Nay được trực tiếp làm, cảm thấy vô cùng biết ơn cấp trên đã tạo điều kiện cho người đến tuổi hưu như mình được tiếp tục làm việc theo nguyện vọng.

Dù đã nghỉ hưu nhưng tình cảm, sự gắn bó mà bà Yến dành cho Ngã ba Đồng Lộc chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ảnh: Phương Phương

“Mỗi ngày làm ở đây, tôi cảm thấy tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé để mọi người dân trong nước và quốc tế biết nhiều hơn tới Đồng Lộc. Tôi chỉ mong trời luôn cho sức khỏe, để tiếp tục được gắn bó thêm nhiều năm tại mảnh đất từng là tọa độ chết này”, bà Yến nói.

Là một trong những nhân viên nam làm công việc lo hương khói, với anh Bùi Vĩnh Lưu (36 tuổi, trú xã Trung Lộc), đây là một “món quà tinh thần” không thể thiếu. Lớn lên trên mảnh đất từng chịu hàng nghìn tấn bom của địch rải xuống, anh Lưu biết đến chuyện hy sinh của 10 cô gái qua lời của bố mẹ, tới khi được nhận vào đây làm việc, anh xúc động, rơi nước mắt.

Ngày được phân công làm nhiệm vụ lo hương khói cho 10 nữ liệt sĩ, anh Lưu rất hồi hộp. Công việc quét dọn, lau chùi phần mộ thường hợp với chị em, song anh Lưu không hề cảm thấy nó vụn vặt. Anh làm tất cả, nếu hễ khi có ai mệt, hay ốm đau, anh làm luôn phần việc của người đó.

Anh Lưu với công việc thường ngày của mình. Với anh, đó vừa là sự may mắn, vừa là hạnh phuc

“Gần đến ngày giỗ của các cô, tôi muốn phần mộ luôn được sạch sẽ, khách đến sẽ cảm thấy được sự ấm áp”, anh Lưu nói.

Nhiều năm làm việc ở Đồng Lộc, anh Lưu cảm thấy nơi đây rất linh thiêng. Anh nhớ có lần, một đoàn khách miền Nam ra dâng hương tại phần mộ 10 cô gái, họ mua 9 bộ lễ, thiếu 1 bộ, song vẫn thắp hương. Đến khi ra về, xe ôtô không thể thể nào lùi được để ra, sau khi hỏi han mới biết, họ phải đi mua thêm 1 bộ lễ về thắp hương lại thì mới khởi hành được.

“Dù công việc tâm linh, lương phải tiết kiệm mới đủ sống, song tôi cảm thấy rất thỏa mãn khi làm việc lâu dài tại đây. Tôi cũng hay kể với 2 con nhỏ câu chuyện về những người anh hùng ở Đồng Lộc, về những lần tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao hay các đoàn cựu binh, người nhà 10 nữ liệt sĩ. Chúng rất thích thú, luôn đòi đến đây thắp hương”, anh Lưu kể.

Hà Tĩnh đang gấp rút tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, đối với những người lo hương khói cho các phần mộ tại khu di tích, ước vọng của họ là muốn vùng đất Đồng Lộc ngày một đổi mới, đời sống người dân được nâng cao.

Ngã ba Đồng Lộc - khúc tráng ca bất tử. Ảnh: Phương Phương

“Tôi mong ở Đồng Lộc, ngày nào cũng là ngày kỷ niệm chiến thắng, hàng ngày luôn có nhiều lượt người về đây dâng hương, chúng tôi sẽ luôn phục vụ hết sức mình, dù cho là nắng cháy bỏng rát hay mưa rét cắt da cắt thịt”, một nữ nhân viên Khu di tích Đồng Lộc nói.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích Đồng Lộc đánh giá những nhân viên chăm sóc mộ phần 10 cô gái là những người thầm lặng, luôn hết mình vì công việc.

“Ngã ba Đồng Lộc được như ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng của cả tập thể, phải kể đến những người luôn giữ hơi hương luôn ấm ở phần mộ 10 nữ liệt sĩ, giúp hào khí Đồng Lộc lan tỏa tới nhiều bạn bè trong nước và quốc tế”, đại diện Ban quản lý khu di tích Đồng Lộc chia sẻ.

Tác giả: Hà Khê - Phương Phương

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP