Phóng sự - Ký sự

Chuyện về người tâm thần ở Hà Tĩnh: Thừa nhận quyết định, nhưng vẫn… từ chối

Trung tâm CB-GD-XH Hà Tĩnh thừa nhận, quyết định của Sở LĐTB&XH là đúng và trách nhiệm phải thực thi. Tuy nhiên, TT cho rằng, do không đủ trang thiết bị, con người phục vụ nên đã không nhận bệnh nhân.

>> Chuyện về người tâm thần ở Hà Tĩnh: Chua xót cảnh khám bệnh qua… ảnh

Hình ảnh chị Thành bị chối bỏ, trở về trong vòng tay yêu thương của xóm làng.
Hình ảnh chị Thành bị chối bỏ, trở về trong vòng tay yêu thương của xóm làng.
Trước đó, báo Người đưa tin đã đăng tải bài viết: Chuyện về người tâm thần: Chua xót cảnh khám bệnh… qua ảnh phản ánh về việc Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã ký vào biên bản từ chối tiếp nhận người tâm thần vào nuôi dưỡng. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thành (SN 1972), trú tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Kể từ khi trung tâm từ chối tiếp nhận đến nay, chính quyền địa phương không còn cách nào khác là phải cắt cử tiểu ban mặt trận thôn, các tổ chức đoàn thể chăm nom chị Thành. Phía chính quyền thì đứng ra kêu gọi nhân dân, các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất để giúp đỡ chị Thành vượt qua khó khăn trước mắt.

Để khách quan sự việc, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc và các cán bộ của Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Xã hội tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi liên hệ, ông Sỹ cho biết mình đang bận đi họp. Sau đó, ông giám đốc này đã ủy quyền cho bà Trần Thị Thu Hà, cán bộ Phòng Tổ chức – Hành chính của trung tâm phát ngôn. Nói thêm, bà Hà cũng là một trong những người ký vào biên bản từ chối.

Chuyện về người tâm thần: Thừa nhận quyết định, nhưng vẫn... từ chối - Ảnh 1

Biên bản từ chối tiếp nhận người do ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Xã hội Hà Tĩnh ký.

Tin nhanh qua trao đổi, bà này thừa nhận quyết định của Sở LĐTB&XH là đúng và trách nhiệm là phải thực thi. Tuy nhiên, giải thích cho việc từ chối tiếp nhận chị Nguyễn Thị Thành, bà Hà đã đổ lỗi cho việc trung tâm không đủ các trang thiết bị, cũng như con người phục vụ nên đã không nhận. Trường hợp có sức khỏe yếu như chị Thành, ít nhất cũng cần 2 cán bộ chăm sóc. Như thế, trung tâm không đáp ứng được.

Chiều tối ngày 25/6, ông Nguyễn Văn Sỹ đã trả lời qua điện thoại với PV về sự việc trên. Lý giải cho việc không khám trực tiếp mà chuẩn đoán qua… hình ảnh là do: “Hôm đó, y sỹ, y tá của trung tâm là 2 nam giới, việc thăm khám cho nữ bệnh nhân không tiện”. Đồng thời, ông cho biết, do sức khỏe chị Thành quá yếu, một số cán bộ công nhân viên của trung tâm đã đề xuất với ông không nên nhận, vì đơn vị không đủ điều kiện chăm sóc.

Câu trả lời này có nhiều điểm không hợp lý. Theo Quyết định 90/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bị bệnh tâm thần tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Xã hội Hà Tĩnh thì không có điều khoản nào quy định đối tượng đưa vào trung tâm là phải khỏe mạnh cả. Điều 3 thuộc chương II của Quy chế nêu rõ: “Người mắc bệnh tâm thần từ 15 tuổi trở lên; không mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh truyền nhiễm hoặc đang trong thời gian điều trị các bệnh cấp tính” là đủ điều kiện được tiếp nhận. Như vậy, việc làm của ông Nguyễn Văn Sỹ, giám đốc trung tâm chẳng phải chống lại quy định của UBND tỉnh và quyết định của giám đốc Sở LĐTB&XH?

Chuyện về người tâm thần: Thừa nhận quyết định, nhưng vẫn... từ chối - Ảnh 2

“Trung tâm không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và con người nên không nhận bệnh nhân”.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Người đưa tin, ông Trần Huy An, Phó phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ – TB&XH Hà Tĩnh cho biết: “Chiều ngày 14/7, chúng tôi đã có buổi làm việc với các bên liên quan. Sau khi nghe các ý kiến, chúng tôi tiến hành lập biên bản đối với trung tâm vì không chấp hành mệnh lệnh về quyết định hành chính của Sở LĐ – TB&XH. Qua đây chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị lên Sở LĐ – TB&XH có ý kiến về trường hợp của chị Thành ”.

Chị Thành đã không còn nơi nương tựa, vậy mà trong biên bản, ông giám đốc vẫn ghi “trả về cho gia đình và địa phương chăm sóc”(?!). Người điên, dĩ nhiên họ không còn cảm xúc, không biết yêu và ghét, không biết ân oán… Nhưng họ vẫn còn biết đau, biết quằn quại. Họ có quyền được sống, được chăm sóc và chữa bệnh.

Thật đau xót, lại một đêm nữa chị Thành phải nằm bên di ảnh mẹ Tỉu mà không hề biết rằng, mình đã tâm thần rồi lại còn bị con người “xua đuổi”, không tiếp nhận vào trung tâm dành cho người… tâm thần. Chiều ngày 24/6, đoàn cán bộ đưa chị Thành về nhà, có người thắp nhang lên bàn thờ mẹ Tỉu, chỉ nói với mẹ duy nhất một lời: “Mẹ sống khôn, chết thiêng!”.

Nhóm PVMT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP