Tuỳ bút Quê hương

Chuyện về một thời hào hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt ngõ hầu con đường chiến lược đưa người và phương tiện chi viện chiến trường miền Nam. Chính trong những ngày tháng máu lửa bi hùng ấy, với tinh thần "Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm", đã xuất hiện bao tấm gương cán bộ, chiến sĩ CSGT mưu trí, dũng cảm, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để mạch máu giao thông không bao giờ ngừng chảy…


Tháng 3, các con đường ở TP Hà Tĩnh rực lên màu tím ngăn ngắt của bằng lăng, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Đình Đường ở đường Nguyễn Biểu, phường Hà Nam. Năm nào cũng vậy, đúng vào những ngày này, ông và đồng đội cũ lại tụ tập để thắp nén nhang cho những người đã khuất, ôn lại những năm tháng hào hùng, một thời hoa lửa. Trong tâm trạng xúc động của những người đã trải qua máu lửa của cuộc chiến tranh, câu chuyện của các ông đưa chúng tôi về miền ký ức cách đây hơn ba mươi năm; khi ấy các ông mới mười tám đôi mươi, là chiến sĩ Tiểu đội CSGT cảm tử của Phòng Cảnh sát bảo vệ giao thông, Ty Công an Hà Tĩnh thời kỳ chống Mỹ, cứu nước…


Hồi đó là đầu năm 1968, đế quốc Mỹ tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc, Hà Tĩnh là nơi tập kết lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam. Vùng đất này trở thành một túi đựng bom của giặc Mỹ. Từ năm 1965 đến 1972, Hà Tĩnh đã phải gánh chịu hơn 600 ngàn tấn bom đạn các loại… Trong những thời điểm ác liệt nhất đó, vừa tốt nghiệp lớp nghiệp vụ sơ cấp do Ty Công an Hà Tĩnh mở, các ông được điều về Trạm CSGT ngã ba Đồng Lộc. Trạm của ông khi đó có 12 người, do Thượng sĩ Trần Anh Đào là Trạm trưởng, Trung sĩ Nguyễn Tiến Tuẫn (sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND) làm Trạm phó.


Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội CSGT ngã ba Đồng Lộc hướng dẫn xe qua trọng điểm.


Dù trong hoàn cảnh nào cán bộ CSGT cũng luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, cả đơn vị kết thành ý chí sắt đá “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, với tinh thần “địch phá ta sửa ta đi” và cao hơn nữa là “địch phá ta cứ đi” để đảm bảo cho mạch máu giao thông thông suốt, an toàn; bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội; cứu người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Hồi đó, ông Võ Đình Đường cùng những đồng đội của mình đã thực hiện phương châm “4 bám” (bám sát mặt đường, bám sát cầu phà, bám sát phương tiện xe, thuyền và bám sát kho tàng, bến bãi), phát huy sức mạnh đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng và nhân dân trên địa bàn đảm bảo cho giao thông thông suốt.


Từ năm 1965 đến 1972, cán bộ CSGT đã trực tiếp chiến đấu hơn 2.000 trận, bảo vệ 60 kho hàng, bến bãi với hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược; cứu sống 450 người bị sập hầm, cấp cứu hơn 3.200 người bị thương; cứu được 200 tấn xăng dầu, hàng ngàn tấn hàng hoá, di chuyển 1.600 lượt phương tiện ra khỏi nơi địch bắn phá; hướng dẫn cho hàng triệu lượt phương tiện chở bộ đội, vũ khí, hàng hoá đến nơi an toàn… Đặc biệt, trong những năm chiến tranh, lực lượng CSGT đã đưa đón, bảo vệ an toàn hơn 100 Đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, 15 đoàn khách quốc tế, trong đó có đồng chí Fidel Castro ra và vào chiến trường qua đất Hà Tĩnh.


Đến hôm nay, các ông vẫn nhớ như in trận đánh bi hùng ngày 26/3/1965… Trận đánh kết thúc, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 chiếc máy bay, các chiến sĩ CSGT đã trực tiếp cứu được 110 người bị sập hầm, cấp cứu 85 người bị thương, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi…


Ngã ba Đồng Lộc là “yết hầu” của các tuyến đường từ Bắc vào đường mòn Hồ Chí Minh được coi là “chảo lửa túi bom”, máy bay Mỹ đã trút xuống đây hàng vạn tấn bom đạn các loại, cả khu vực là một bình địa, hố bom chất chồng hố bom, nhưng ở nơi khốc liệt nhất tưởng như không thể tồn tại sự sống này, 11 chiến sĩ CSGT vẫn kiên cường bám trụ. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng người ta chưa thể quên hình ảnh trong khói lửa tơi bời, những chiến sĩ CSGT ngã ba Đồng Lộc vẫn dũng cảm lấy thân mình làm cọc tiêu cho xe qua trọng điểm; càng không thể quên được hình ảnh họ đã hàng chục lần chấp nhận hy sinh, cảm tử chạy qua bãi bom từ trường để ngăn cản và hướng dẫn hàng ngàn lượt xe vào đường tránh an toàn.


Tháng 8/1972, khi Mỹ cho máy bay B52 ném bom rải thảm khu vực Bãi Vọt (kho hàng và nơi cất giấu hàng trăm phương tiện vận tải của ta), tổ CSGT do Thượng sĩ Võ Đình Đường phụ trách đã lao vào trong làn bom đạn, kịp thời cứu sống được 20 người sập hầm, cứu chữa hàng chục người khác bị thương. Đồng đội của ông Đường khi ấy đã dũng cảm nhảy lên một chiếc xe tải lái ra khỏi mục tiêu thu hút máy bay địch. Tận dụng khoảng thời gian đó, các chiến sĩ khác đã nhanh chóng hướng dẫn hơn 100 chiếc xe khác vượt qua trọng điểm vào nơi cất giấu an toàn. Nhưng, cũng trong trận chiến đấu bi hùng ấy, 2 chiến sĩ CSGT là Tăng Bá Bình và Trần Xuân Điểm đã anh dũng hy sinh, 2 người khác bị thương. Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 2 tập thể là Tiểu đội CSGT Đồng Lộc, Trạm CSGT Kỳ Anh và cá nhân đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn đã được trao ngay trên trận địa, sau những trận bom B52 rải thảm.


Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một niềm vui, niềm vinh dự lớn lại đến với Phòng CSGT nói riêng, lực lượng Công an và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nói chung, khi Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khói lửa cuộc chiến tranh đã tắt trên vùng đất thấm đẫm máu đào và mặn nồng giọt mồ hôi những thế hệ đi trước, nhưng chiến công của những cán bộ, chiến sĩ CSGT anh hùng hồi ấy vẫn hừng hực cháy qua ký ức một thời hoa lửa, là động lực giúp lực lượng Công an Hà Tĩnh đạp bằng mọi gian nan thử thách, trên bước đường công tác hôm nay…


Phan Hoạt – Mạnh Hà

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP