Mối tình trong khói lửa chiến trường

Ông là Trần Giang San, năm nay 64 tuổi, quê ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Còn bà là Trần Thị Thanh, kém ông 2 tuổi. Là con gái Đức Thọ, Hà Tĩnh, theo chàng lính lái xe về Vĩnh Phúc làm dâu gần 40 năm nay, nhưng bà vẫn vẹn nguyên cái chất “mô, tê, răng, rứa” của người con gái bên dòng sông La thuở nào. Trở về Hà Tĩnh lần này, hai ông bà mang tâm trạng bồi hồi xúc động khi được là khách mời đặc biệt của chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời ru đồng đội” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc nhân ngày giỗ lần thứ 43 của 10 cô gái Thanh niên xung phong ở địa danh linh thiêng này (24-7-1968/24-7-2011).

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VBC, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh; kênh phát thanh có hình VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam. Câu chuyện tình yêu của chàng lính lái xe và cô giao liên tải thương ở Ngã ba Đồng Lộc từ bốn thập kỷ trước đã làm đông đảo khán giả truyền hình xúc động. Tiếc là do thời lượng chương trình có hạn nên chỉ trong vài phút, khán giả chỉ mới biết được một phần rất nhỏ của câu chuyện tình ấy.

Sau khi chương trình kết thúc, các cán bộ của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã đề nghị phóng viên Sự kiện và Nhân chứng có bài viết phản ánh đầy đủ hơn về chuyện tình của cặp đôi ở chiến trường khốc liệt năm nào, góp thêm một nốt nhạc lãng mạn cho bản hùng ca về Ngã ba Đồng Lộc. Vào những năm bảy mươi thế kỷ hai mươi, Trần Giang San là chiến sĩ lái xe thuộc Tiểu đoàn 736, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần.

Ông San kể lại: “Nhiệm vụ của tôi ngày ấy là thường xuyên cùng đồng đội lái xe ra vào “tọa độ lửa” ở Ngã ba Đồng Lộc. Khi vào thì chở bộ đội bổ sung cho chiến trường, khi ra thì làm nhiệm vụ đưa các đồng chí thương, bệnh binh về tuyến sau cứu chữa. Ngày cũng như đêm, chúng tôi ngụy trang che mắt địch ra vào như con thoi giữa những trận mưa bom. Địch càng bắn phá dữ dội, tần suất xe vào ra Ngã ba Đồng Lộc của chúng tôi càng dày. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi lúc bấy giờ là trải qua hàng trăm chuyến xe, vận chuyển hàng vạn lượt bộ đội, TNXP, giao liên, thương binh…, bị máy bay địch phát hiện nhiều lần nhưng chưa lần nào xe tôi bị trúng bom”. Sát cánh cùng các chiến sĩ lái xe ngày ấy là những nữ giao liên làm nhiệm vụ tải thương. Trong số hàng trăm giao liên tham gia chiến trường thuộc Binh trạm giao liên 25, Tổng cục Hậu cần ngày ấy, có cô gái Trần Thị Thanh.

Thôn nữ quê xã Đức Lạc hằng ngày bám theo các chuyến xe của Tiểu đoàn 736 để bố trí cho bộ đội ăn, ở và tải thương, chăm sóc thương binh. “Thời con gái, tôi khá mũm mĩm nên hay bị anh chàng lái xe (tức ông San – PV) trêu là “Thanh Lạc” (vừa mang ý là quê hương Đức Lạc, vừa mũm mĩm như… củ lạc). Anh này hay hát lắm. Khói bom mù trời nhưng sau khi đưa xe vượt ra khỏi vùng nguy hiểm là anh lại hát khiến chúng tôi cũng vỗ tay hát theo. Sự hồn nhiên, yêu đời của anh làm cho không khí chiến trường thêm lạc quan, giúp cho các đồng chí thương binh dịu bớt cơn đau”, bà Thanh cho hay.

Sự khốc liệt của đạn bom và cái chất lãng mạn của người lính đã trở thành “ông tơ, bà nguyệt” se duyên hai người đến với nhau. “Chúng tôi yêu nhau bằng ánh mắt, lời nói chứ chẳng có một khoảnh khắc riêng tư nào dành cho nhau. Lúc ấy tất cả đều vì chiến trường. Có lần Thanh gặp nguy hiểm khi tải thương, tôi lao vào khói bom mù mịt để cứu cô ấy nhưng Thanh hét lên: “Vẫn còn thương binh phía trong ấy, anh vào nhanh lên”. Thế là tôi lại lao như tên bắn vào để khiêng thương binh ra xe.” – Ông San hồi tưởng lại những phút giây kỷ niệm.

Mùa xuân năm 1972, tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi giữa hai chiến dịch vận tải, Trần Giang San báo cáo chỉ huy đơn vị về tình yêu của mình. Cấp trên của Trần Thị Thanh cũng gặp gỡ cô: – Em có muốn tổ chức đám cưới với anh San không? Nữ giao liên Đức Lạc đáp thật thà: – Dạ! Nếu được cấp trên đồng ý, chúng em nguyện sẽ cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn! Thế là một đám cưới gọn nhẹ được tổ chức ngay ở chiến trường. Anh chị em bộ đội, TNXP, giao liên, mỗi người một tay lo giúp lễ cưới.

Bà Thanh kể: – Đồng đội của anh San có người mừng một bao thuốc lá Tam Đảo, có người mừng gói kẹo. Cũng có anh trong túi chỉ còn 3 điếu thuốc và một bánh lương khô, cũng đem ra làm quà cưới. Phía đồng đội nữ của tôi thì xúm lại nấu nước chè xanh, góp kẹo lạc làm cỗ cưới. Có mấy anh chị khéo tay đã cắt dán đôi chim bồ câu bằng giấy báo, hai bên là hai câu khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” và “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Ông San kể thêm: – Lễ cưới của chúng tôi diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ. Sau lời phát biểu chúc phúc của đại diện hai đơn vị, chúng tôi cùng phát biểu hứa hẹn quyết tâm xây dựng hạnh phúc, cùng giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, rồi thì liên hoan hát hò. Cô dâu, chú rể cùng hát rất hăng say. Chúng tôi toàn hát những bài về kháng chiến như: Cô gái mở đường; Chào em cô gái Lam Hồng và các bài hát ca ngợi quê hương Hà Tĩnh. Lúc ấy vợ chồng tôi vui sướng và cảm động lắm.hatinh24h

Đêm tân hôn lỗi hẹn

Lễ cưới kết thúc buổi trưa thì ngay chiều hôm đó, đơn vị Trần Giang San nhận nhiệm vụ khẩn. Anh cùng đồng đội lao lên ca-bin đưa xe cơ động phục vụ chiến dịch mới sớm hơn dự kiến. Cô dâu Trần Thị Thanh cũng tức tốc trở về Binh trạm theo lệnh cấp trên. Chiến dịch mới lại bắt đầu. Họ tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, lao vào nhiệm vụ. “Lúc ấy tôi thấy thương vợ vô cùng. Yêu nhau, đến lúc cưới nhau nhưng chúng tôi chưa một lần được tận hưởng cảm xúc của tình yêu” – ông San cười tươi nhắc lại ký ức.

Bà Thanh cũng nhớ lại: “Nhìn ánh mắt anh ấy lúc chia tay, tôi cảm nhận nó giống như đám ruộng hạn đang khát cơn mưa rào. Thương chồng khủng khiếp nhưng không dám khóc. Tôi động viên chồng, anh cứ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Em sẽ bù đắp cho anh khi chiến dịch kết thúc”. Ba tháng sau, chiến dịch vận tải phục vụ chiến trường kết thúc. Đơn vị được nghỉ ngơi ít ngày chuẩn bị xe cộ, phương tiện chuẩn bị cho chiến dịch mới. Anh lính lái xe trở về đơn vị và lao ngay đến Binh trạm giao liên đón vợ. Hai người được đơn vị quan tâm cho “nghỉ phép” 7 ngày để hưởng tuần trăng mật. Đồng đội mỗi người một tay, lo cho cặp uyên ương một căn phòng hạnh phúc giản đơn nhưng không kém phần lãng mạn.

Cũng giường, cũng gối, cũng chăn màn đầy đủ, mới tinh. Lại thêm mấy bó hoa rừng ngả màu vì nhuốm khói bom và bụi đường đặt trên cái chõng tre. – “Và cô chú đã có một tuần trăng mật ngọt ngào giữa chiến trường. Niềm hạnh phúc ấy nào phải ai cũng có được!” – Chúng tôi tò mò cắt ngang câu chuyện của hai ông bà. – “Không có đâu” – Bà Thanh bỏm bẻm nhai trầu rồi cười hồn nhiên như thuở còn con gái – “Đúng hôm anh ấy về thì tôi lại dính ngay ngày đầu tiên của “chu kỳ đặc biệt” của phụ nữ. Thật là tội nghiệp hết sức. Thương chồng rồi lại thương mình”. Thế là đêm tân hôn muộn màng sau 3 tháng kể từ ngày cưới của cặp uyên ương giữa chiến trường chỉ có những nụ hôn và vòng tay nồng nàn khao khát.

Trần Thị Thanh đếm ngày, đếm giờ, cầu cho “chu kỳ đặc biệt” này kết thúc sớm. Và rồi trời cũng thương. Đúng đến ngày thứ bảy thì vợ rỉ tai chồng: “Nó” hết rồi anh ạ! Và khoảnh khắc tuyệt vời của cái đêm hôm ấy đã đơm hoa kết trái. Một mầm sống mỗi ngày một lớn dần lên trong cơ thể Trần Thị Thanh. Mấy tháng sau cô được Binh trạm cho về gia đình chuẩn bị cho kỳ sinh nở. Trần Giang San thì nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực vượt đường Trường Sơn vào Nam. Cuối năm 1973, đoàn xe của đơn vị anh vào đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì bị máy bay địch ném bom. Nhiều đồng đội của Trần Giang San bị hy sinh. Riêng anh thì bị chấn thương nặng do sức ép của bom B52. Được đưa về tuyến sau điều trị, Trần Giang San bảo toàn được mạng sống nhưng không thể tiếp tục lái xe ra trận. Tháng 3/1974, ông được đơn vị cho về quê. Bà Thanh theo chồng về xứ Bắc làm dâu từ độ ấy.

Còn thấy mặt trời là có hạnh phúc

Ông bà Trần Giang San – Trần Thị Thanh lần lượt sinh được 5 người con, 3 gái, 2 trai. Do ảnh hưởng của chất độc da cam/đi-ô-xin từ cả bố lẫn mẹ nên các con của hai ông bà từ nhỏ khá yếu ớt, khó nuôi, trong đó có hai người con gái bị di chứng chất độc da cam nặng. Năm 2008, cô con gái út bị biến chứng. Ông bà đã dốc hết sức để chữa trị cho con nhưng không qua khỏi. Niềm an ủi tuổi già của hai ông bà là đến nay, bốn đứa con còn lại đều đã lập gia đình. Ông bà đã có cả cháu nội và cháu ngoại. Dù mất sức lao động từ lâu do hậu quả chiến tranh, song cả hai ông bà đều cố gắng theo nghề làm miến làm kế sinh nhai.

“Cùng với tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, chúng tôi chịu khó làm thêm nghề sản xuất miến, bún khô nên đời sống cũng tạm ổn. Với chúng tôi, được sống trở về sau chiến tranh là một niềm hạnh phúc tuyệt vời. Hàng trăm đồng đội cùng đơn vị đã hy sinh. Chúng tôi luôn tự nhủ, mình sống không chỉ cho mình mà còn sống thay cho đồng đội. Ngày nào còn cười nói được, còn nhìn thấy ánh mặt trời được là ngày đó còn hạnh phúc”, ông San chia sẻ!

BÙI THỊ THU HƯƠNG