Giáo dục

Chuyện ở ngôi trường đặc biệt

Thầy cô giáo ở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật không chỉ nuôi mà còn dạy cho trẻ có những kỹ năng cơ bản để giao tiếp, học tập, vượt qua những khiếm khuyết cơ thể. Mái trường còn là chỗ dựa, dìu dắt trẻ vượt qua những mặc cảm bản thân, hòa nhập với cộng đồng bằng sự tự tin không đầu hàng số phận…

Mở rộng vòng tay với trẻ thiệt thòi

Đứng lặng lẽ nhìn ra sân trường, nơi các học trò đang chơi đùa, cô Trần Thị Bích Âm - Phó Hiệu trưởng Trường Nuôidạy trẻ khuyết tậttỉnh Sóc Trăng, bày tỏ: “Những đứa trẻ đang theo học tại đây bị khuyết tật như chậm phát triển trí tuệ, khiếm thị và khiếm thính… Nhiều em còn chịu nỗi đau không kém là hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có em mồ côi cha mẹ, có em có gia đình không trọn vẹn… Những đứa trẻ này chịu tổn thương tinh thần rất lớn, nhà trường tạo điều kiện tốt nhất mong sao bù đắp thiệt thòi cho các em”.

Sinh ra với cơ thể không hoàn hảo đó là nỗi đau, nhưng ấu thơ không được trọn vẹn trong vòng tay cha mẹ nỗi đau nhân lên bội phần.

Hình ảnh bạn bè đồng tuổi được cha mẹ thương yêu bao nhiêu thì càng đối nghịch với hoàn cảnh những em này. Em Triệu Dương Tường - học sinh khiếm thị đang theo học tại trường, chia sẻ:

“Cha mẹ em đã mất, bây giờ em sống với bà ngoại. Được vào đây học với các bạn em thấy mình đã tự tin hơn, vơi đi nỗi buồn về cha mẹ. Được học chữ rồi cuối tuần được bà ngoại đón về nhà em rất vui. Ước mơ lớn lên em được đánh đàn organ, bây giờ em tự học cũng đã đàn được”.

Dạy đứa trẻ bình thường đã vất vả, giáo viên nuôi dạy trẻ khuyết tật phải đối mặt với nhiều thử thách trong nghề cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ấy vậy mà những người thầy, người cô đang công tác tại những ngôi trường nuôi dạy trẻ khuyết tật rất tận tâm với nghề, yêu trẻ như con cái trong nhà. Mấy ai biết được gian nan trong nghề giáo tại ngôi trường đặc biệt lại rất đỗi cao quý!

Cô Nguyễn Thị Kim Ngân - GV dạy môn Mỹ thuật tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Sau nhiều năm công tác, được tiếp xúc với trẻ, dạy trẻ những môn năng khiếu, tôi phát hiện có nhiều em thể hiện năng khiếu hội họa rất tốt, các em có nhiều cố gắng.

Dạy trẻ khuyết tật phải thật sự kiên nhẫn để chỉ dẫn các em theo chương trình, hơn nữa phải thật sự thông cảm hoàn cảnh của các em để thầy và trò hiểu được nhau. Học sinh có nhiều sở thích, tự kiểm soát hành vi cá nhân của trẻ rất hạn chế. Vì thế giáo viên phải linh hoạt phương pháp giảng dạy phù hợp giúp đỡ trẻ nhiều hơn”.

Dạy chữ, dạy nhân cách

Không hề dễ dàng gì khi dạy những đứa trẻ khuyết tật, giáo viên mới công tác tại đây vừa giảng bài vừa rèn luyện những kỹ năng để giúp trẻ khiếm thị, khiếm thính và trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể hiểu bài.

Trách nhiệm của thầy cô càng nhiều hơn, trong vai trò người thầy đóng nhiều vai, phải làm sao hoàn thành bài học trẻ có tiếp thu. Tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer theo học tại Trường khuyết tật trong tỉnh Sóc Trăng chiếm trên 30%, vì vậy hạn chế về ngôn ngữ phổ thông của trẻ rất lớn, thầy cô phải đáp ứng năng lực bản ngữ tạo môi trường học tập thuận lợi tối đa.

Dù chỉ là đánh giá năng lực của các em qua các mức độ hoàn thành theo đánh giá của môi trường giáo dục đặc biệt. Nhưng các cô, các thầy vừa dạy chữ vừa dạy nhân cách cho trẻ. Nhiều em học sinh tuy cơ thể cao lớn về mặt sinh học nhưng não bộ như những đứa trẻ thơ, phải dạy từ những điều nhỏ nhất cơ bản nhất trong quá trình sống.

Không đơn thuần chỉ là dạy, mỗi thầy cô quan tâm việc nuôi dưỡng chăm sóc trẻ học bán trú cũng khá vất vả. Thể trạng mỗi em học sinh khác nhau nên thực đơn áp dụng cũng đa dạng, bổ sung dưỡng chất thiết yếu giúp trẻ vừa phát triển trí tuệ vừa đảm bảo thể chất khỏe mạnh.

Cô Trần Thị Bích Âm, cho biết: “Đối mặt với những trường hợp học trò có hành vi mất kiểm soát nếu thầy cô ứng xử mềm dẻo thì các em sẽ nghe lời. Trẻ đùa giỡn gặp sự cố thầy cô phải túc trực chăm sóc. Trẻ ở nội trú đều được nhân viên trực đêm theo dõi tình hình.

Lúc nào giáo viên cũng phải vừa dạy vừa học thêm và hoàn thiện những ký hiệu giao tiếp với trẻ. Giáo viên giao tiếp tốt với trẻ nên đa số học sinh được đến trường rất ham học, dễ hòa nhập với môi trường giáo dục, sống có nề nếp ý thức”.

Những đứa trẻ khuyết tật có tuổi thơ không êm đềm trong khi bạn bè đồng trang lứa có thể vui chơi, được lớn lên lành lặn thì các em lại tự ti với khiếm khuyết cơ thể. Cơ hội hòa nhập cuộc sống của các em ít dần, thời thơ ấu của em là những nỗi lo của gia đình. Ngôi trường khuyết tật đã đem đến cho các em nguồn sống mới, các em được vui chơi học tập trong sự đùm bọc của thầy cô.

Thầy Huỳnh Minh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng, nhận định: “Trẻ gặp khó khi mức độ tiếp thu hạn chế, khiếm khuyết ảnh hưởng sức khỏe và trí tuệ khiến thầy và trò gặp khó khăn trong học tập.

Vì thế, thầy cô phải tận tụy, yêu nghề, nhân từ, nhẫn nại với học sinh, cố gắng bù đắp những thiệt thòi khiếm khuyết mà các em không may mắn gặp phải; chia sẻ trách nhiệm với gia đình và xã hội, tạo điều kiện tốt vừa nuôi vừa dạy trẻ nếu không thành danh thì phải thành người tốt”.

Tác giả: Thùy Trang

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP