Phóng sự - Ký sự

Chuyện khó tin ở Hà Tĩnh: (kỳ I) Ép vợ liệt sỹ đến đường cùng

Quan xã làm giả sơ đồ quy hoạch dân cư, biến đất vườn nhà vợ liệt sỹ gần 80 tuổi nghèo khó thành đường đi. Nước mắt tủi hờn của cụ già ấy đã chảy vì nhiều việc khác nữa.


Kéo điện cho quan xã, bỏ rơi vợ liệt sỹ

Hôm đó, xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chìm trong mưa. Bà Nguyễn Thị Phương gần 80 tuổi đứng trước hiên nhà đợi PV Tiền Phong. Hơn 30 tuổi, chồng hy sinh, bà vò võ một mình nuôi con.


Sống ở nơi khắc nghiệt đến cây cỏ cũng bị đốt cháy nhưng không quật ngã được người phụ nữ mảnh mai này. Bà nói: “Lúc đó chỉ có mồ hôi chứ không có nước mắt”. Còn bây giờ, nói chuyện với chúng tôi, bà đẫm nước mắt.


Bà khóc không hẳn vì hơn 40 năm qua kể từ ngày chồng và em trai chồng hy sinh vẫn chưa tìm thấy hài cốt hay phải từ bỏ căn nhà ngập nước bị sập đi ở nhờ…


Năm 1977, gần 10 năm sau ngày chồng hy sinh, bà Phương cùng con cái theo chủ trương di dân lập làng mới gần quốc lộ 1A. Đó là mảnh đất hoang sơ, chằng chịt hố bom. Mấy mẹ con bà khai khẩn đất hoang mưu sinh và phải đến năm 1993 mới dựng nổi một mái nhà. Một năm sau đó, bà được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Năm tháng qua đi, các nhà xung quanh và đường quốc lộ đã được tôn nền cao thì căn nhà của bà Phương thành một điểm trũng. Mùa mưa năm nào căn nhà này cũng ngập.


Các con lần lượt được dựng vợ, gả chồng, ra ở riêng, bà một mình cô quạnh. Nhiều khi nhớ ông đến thắt ruột, bà lại lấy tấm bằng Tổ quốc ghi công có ghi tên liệt sỹ Nguyễn Văn Đoang (chồng bà) ra lau cẩn thận rồi ngắm nghía, rồi lẩm bẩm chuyện trò. Bà xem đó như là ông, dù thân xác ông chưa về với quê hương.


Trong một lần nước ngập, nhà dột, tấm bằng Tổ quốc ghi công bị rách nát. Bà chống gậy lên UBND xã Kỳ Trinh xin đổi bằng mới. Chả biết xã làm gì mà hết một khoá chủ tịch vẫn chưa có bằng mới cho bà. Mãi sau, người ta cũng đưa về cho bà tấm bằng Tổ quốc ghi công mới, nhưng lại ghi sai chức vụ của ông. Bằng cũ ghi ông là Chủ nhiệm Thông tin Trung đoàn thì nay là công nhân quốc phòng. Bà lại chống gậy lên UBND xã đòi chức vụ cho chồng. Thế nhưng, người ta làm lơ cho đến nay.


Trong khi chờ xã đổi lại bằng mới thì căn nhà đã quá ọp ẹp. Các con bà tuy lớn nhưng kinh tế đều khó khăn. Cũng như nhiều người, bà mừng khi thấy người ta chôn cột điện kéo dây về. Chờ mãi nhưng chỉ thấy nhà hàng xóm là ông bí thư, ông chủ tịch xã sáng điện; còn nhà bà vẫn tối om.


Cây cột điện được chôn tới cổng nhà các quan xã thì hết kinh phí nên không thể tới nhà vợ liệt sỹ. Ngành điện hết kinh phí là lời của ông Phó Chủ tịch xã Kỳ Trinh Nguyễn Tiến Quảng nói với PV Tiền Phong.


Chuyện khó tin ở Hà Tĩnh

Bà Nguyễn Thị Phương trước hiên nhà em gái. Ảnh: Bảo KhánhDựng hồ sơ lấy đất dân làm đường?

Năm 2006, UBND xã Kỳ Trinh hứa sẽ trợ cấp cho bà Phương ba triệu đồng để xây nhà tình nghĩa. Nhà mới chưa kịp xây thì nhà cũ bị sập do mưa lụt. UBND huyện biết hoàn cảnh đã hỗ trợ bà năm triệu đồng dựng nhà.


Thấy huyện Kỳ Anh trợ cấp, UBND xã thay vì cấp tiền như đã hứa thì chỉ đưa một triệu đồng. Ông Quảng nói: “Năm triệu đồng đó cũng là do xã giới thiệu với huyện, bà Phương mới có. Chúng tôi bớt tiền lại (hai triệu đồng-PV) để giúp đỡ nhiều hộ chính sách khác”. Cụ già vợ liệt sỹ lại tiếp tục chống gậy lên xã hỏi cho ra nhẽ, nhưng câu trả lời vẫn để ngỏ.


Nhà sập, không đủ tiền xây lại. Hơn nữa, dù có tiền xây cũng không có điện thắp sáng, bà đành đến ở nhờ nhà em gái. Con cái bà cũng khó khăn nên không có nhiều điều kiện chăm lo cho mẹ. Cuối cùng, bà quyết định bán mảnh đất có nhà bị sập để vừa có tiền chăm lo tuổi già, vừa giúp đỡ con cháu.


Lập cập chống gậy lên xã, bà mới biết, theo sơ đồ vẽ thì có một con đường rộng bốn mét chạy qua vườn. UBND xã đã ép bà phải nhận có con đường này chạy qua vườn thì mới cho chuyển quyền sử dụng đất. Họ nói, con ngõ này thể hiện rõ trong bản vẽ (bằng tay) sơ đồ quy hoạch khu dân cư năm 1995.


Điều vô lý, người ký và đóng dấu là cựu Chủ tịch UBND xã Kỳ Trinh Trương Công Quý nhưng thực tế hai năm sau ngày ký (1997), ông này mới lên làm Chủ tịch.


Làm việc với PV Tiền Phong, ông Quảng và cán bộ địa chính xã Nguyễn Văn Thành đều xác nhận rõ bản sơ đồ này kỳ lạ vì thời điểm ông Quý ký, ông này chưa lên làm Chủ tịch UBND xã. Tại sao biết là sai, các anh vẫn sử dụng sơ đồ quy hoạch này để ép dân? “Chúng tôi chỉ biết căn cứ vào đó để làm thôi”- Cả hai lúng túng trả lời.


“Tôi sẵn sàng nhường đất cho Nhà nước làm đường, chứ không chấp nhận theo cách vô lý như mấy ông xã vẽ ra” – Bà Phương nói. Tiễn chúng tôi, đôi mắt đục mờ một đời cơ cực của bà Phương đau đáu nhìn ra trời mưa.


Vì sao UBND xã Kỳ Trinh cần con đường qua vườn bà Phương?


Từ trước đến nay, do các nhà dân gần quốc lộ 1A xây sát nhau nên không có đường dẫn vào các khu đất trống phía sau. Nay, bằng cách nào đó, nếu UBND xã Kỳ Trinh mở được đường thoát, các khu đất trống đó sẽ tăng giá trị lên nhiều lần. Trong khi đó, từ lâu, chính bà Phương tự mở một con đường nhỏ rộng hai mét chạy qua vườn để con cháu tiện đi lại.


(Còn nữa)

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP