Tin

Chuyện hiến máu cứu người trong ngành y tế Hà Tĩnh

Thời gian qua, ở Hà Tĩnh xuất hiện ngày càng nhiều y sĩ, bác sĩ tình nguyện hiến máu cứu người bệnh. Nhiều bệnh viện trong tỉnh đã hình thành câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống”. Đây là hành động nhân đạo, thiết thực làm theo lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu.

Một ca phẫu thuật nội soi tại BVĐK huyện.

Ca mổ “lịch sử”

Khoảng 9 giờ ngày 4-5-2016, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện miền núi Hương Khê tiếp nhận người bệnh Lê Thị Dung (46 tuổi), trú xã Hương Vĩnh, trong tình trạng da tím tái, niêm mạc nhợt, bụng trướng, trụy mạch, huyết áp không đo được.

Vùng bụng của người bệnh bị đa chấn thương, mất máu nhiều do sừng trâu điên húc. Để cứu người bệnh, các y sĩ, bác sĩ phải trải qua một ca phẫu thuật phức tạp, vừa mổ vừa hiến máu, kéo dài nhiều giờ. Người bệnh thuộc nhóm máu hiếm A-B, trong khi bệnh viện không có nguồn máu dự trữ, hàng chục người nhà xếp hàng cho máu nhưng không trùng nhóm máu. Trong lúc cam go, bảy y sĩ, bác sĩ của bệnh viện có trùng nhóm máu được huy động đến “test” để hiến máu. Người đầu tiên hiến máu là điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thủy (52 tuổi); tiếp theo là bác sĩ, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Nguyễn Thăng Long. Ngay sau đó, bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Thanh Trà vừa mổ vừa tham gia cho máu. Thạc sĩ, Trưởng khoa Gây mê, hồi sức Nguyễn Văn Tuấn là người trực tiếp thực hiện gây mê, hồi sức và “kéo” huyết áp cho người bệnh, nhớ lại: “Sau khi ba y sĩ, bác sĩ vừa mổ vừa hiến máu, các tổn thương nghiêm trọng trong ổ bụng đã được khâu lại, nhưng do máu chảy quá nhiều, sức khỏe vẫn rất xấu. Tôi đã đề nghị để mình tiếp tục cho máu”. Bằng trách nhiệm, tình thương, lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp của các y sĩ, bác sĩ BVĐK Hương Khê, người bệnh Lê Thị Dung đã vượt qua cơn nguy kịch, đến nay sức khỏe đã dần phục hồi.

Khen thưởng kíp y sĩ, bác sĩ BVĐK Hương Khê đã mổ và hiến máu cứu một bệnh nhân bị trâu húc.

Phó Giám đốc BVĐK Hương Khê Lê Anh Hùng cho biết: Trong quá trình mổ cấp cứu, nhiều trường hợp người bệnh liên quan đến thai sản, đa chấn thương… phải truyền máu, trong khi bệnh viện xa trung tâm, thuộc tuyến miền núi, không có kho máu dự trữ. Để giải quyết vấn đề khó khăn này, bệnh viện đã thành lập câu lạc bộ (CLB) “Ngân hàng máu sống” do tập thể y sĩ, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên (CBCNV) thực hiện. Ngoài việc biết nhóm máu của mình, các y sĩ, bác sĩ còn phải định kỳ khám sức khỏe hay “test” đột xuất để sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân bất cứ lúc nào. Riêng từ năm 2014 đến nay, đội ngũ y sĩ, bác sĩ và CBCNV ở đây đã hiến máu cứu 30 người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, có nhiều người bệnh nghèo, ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Nguyễn Văn Lý nhận xét: Đội ngũ y , bác sĩ đã nâng cao được tinh thần y đức, thể hiện rõ trách nhiệm, ý thức trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

“Ngân hàng máu sống”

Trên địa bàn Hà Tĩnh, các BVĐK: Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh và các bệnh viện khác… đều thành lập CLB “Ngân hàng máu sống”. Tại BVĐK Đức Thọ, “Ngân hàng máu sống” được thành lập cách đây hơn tám năm và đã hiến máu cứu nhiều người bệnh. Theo Giám đốc BVĐK Đức Thọ Hoàng Thư, từ năm 2011 đến nay, có 62 lượt y sĩ, bác sĩ ở CLB “Ngân hàng máu sống” hiến máu cứu người bệnh. Trong đó, phải kể đến Chủ nhiệm CLB “Ngân hàng máu sống”, Trưởng phòng Điều dưỡng Trần Văn Khoát, trong chín lần hiến máu, có bảy lần hiến máu trực tiếp cho các bệnh nhân đang mổ cấp cứu. Hay các bác sĩ: Trần Văn Nhân, Nguyễn Minh Đức; hộ lý Kiều Hữu Song, Nguyễn Thị Thanh Hà… đã nhiều lần hiến máu cứu bệnh nhân. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 5-2016, người bệnh Nguyễn Trọng Tiếp (27 tuổi), ở xã Đức Thanh (Đức Thọ) vào viện trong tình trạng chấn thương bụng kín, vỡ lách do tai nạn giao thông cần phẫu thuật ngay. Quá trình mổ, người bệnh cần truyền máu khẩn cấp. Do người nhà không trùng nhóm máu, bệnh viện đã huy động “Ngân hàng máu sống” từ kỹ thuật viên Đoàn Quốc Huy (Khoa Cận lâm sàng). Thời điểm khẩn cấp, cần máu cứu người, không thể đợi người đến hiến máu hay đưa máu từ xa về, cho nên các y sĩ, bác sĩ đang mổ trực tiếp hiến máu là giải pháp tối ưu nhất” – Giám đốc BVĐK Đức Thọ Hoàng Thư nhấn mạnh.

Giám đốc BVĐK thị xã Hồng Lĩnh Trần Phan Tùng cho biết: Hằng năm, có từ bốn đến mười lít máu được CLB “Ngân hàng máu sống” do đội ngũ y sĩ, bác sĩ trẻ và các đoàn viên, thanh niên thị xã hiến tặng, cấp cứu bệnh nhân ngay trên bàn mổ. Trong đó, phải kể đến điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy, là người gầy yếu, nhưng trong bệnh viện chỉ duy nhất Thúy có nhóm máu hiếm A – B, nên Thúy đã tham gia CLB và hai lần dũng cảm hiến máu cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.

BVĐK Hà Tĩnh là trung tâm khám, chữa bệnh lớn nhất của tỉnh, có kho dự trữ máu để cấp cứu người bệnh, nhưng Ban Giám đốc Bệnh viện vẫn chỉ đạo thành lập CLB “Ngân hàng máu sống”, với sự tham gia của hơn 200 y sĩ, bác sĩ và CBCNV. Theo đó, mỗi năm, đội ngũ y sĩ, bác sĩ, CBCNV bệnh viện hiến khoảng 30 đơn vị máu sống cứu nhiều người bệnh. Điển hình, trường hợp cháu Trần Thị Hằng, ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vừa sinh ra đã bị vàng da, vàng mắt nặng. Sau hội chẩn, lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh quyết định thay máu cho bệnh nhi, nếu không sẽ gây tổn thương não không hồi phục. Theo quy định, để thay máu cho trẻ sơ sinh phải là máu tươi lưu trữ không quá ba ngày, trong khi đó, tất cả máu dự trữ tại bệnh viện đều đã lưu trữ hơn bốn ngày. Trước tình hình đó, dược sĩ, Phó Trưởng khoa Dược, Chủ nhiệm CLB “Ngân hàng máu sống” BVĐK Hà Tĩnh Bùi Hoàng Dương và điều dưỡng viên Hoàng Thị Ngọc Hà (Khoa Khám bệnh theo yêu cầu) đã hiến hai đơn vị máu cứu cháu bé.

Ngành y tế Hà Tĩnh đã tổ chức, chỉ đạo, triển khai việc hiến máu nhân đạo ở tất cả bệnh viện trong tỉnh. Sở Y tế đã khuyến khích đội ngũ y sĩ, bác sĩ, CBCNV tham gia hiến máu nhân đạo, nhất là tại các bệnh viện tuyến huyện không có máu dự trữ. Những năm gần đây đã xuất hiện nhiều tấm gương y sĩ, bác sĩ hiến máu cứu người bệnh trong trường hợp nguy kịch. Tính riêng hai năm trở lại đây, có gần 250 lượt y sĩ, bác sĩ, CBCNV tại các bệnh viện ở Hà Tĩnh tham gia hiến máu cứu người bệnh ngay trên bàn mổ… Tinh thần hiến máu cứu người bệnh đã, đang tác động sâu sắc đến toàn ngành y tế Hà Tĩnh; “đây là nghĩa cử cao đẹp, nói lên sự tận tụy, lương tâm, trách nhiệm của cán bộ ngành y, giúp họ thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu” – Thạc sĩ, bác sĩ, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu chia sẻ.

Theo: Báo nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP