Thế giới

Chuyên gia lo ngại ông Trump yếu thế khi hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên

Một cuộc hội đàm đơn giản với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có vốn hiểu biết ít ỏi về Bình Nhưỡng và không có nhiều sự chuẩn bị có thể sẽ là quá rủi ro, một chuyên gia nhận định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Trong một động thái khá bất ngờ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng trước tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân hóa. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận lời mời hội đàm trực tiếp với ông Kim. Được dự đoán diễn ra vào cuối tháng 5, nhưng hiện tại hai bên vẫn chưa ấn định thời gian và địa điểm cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều này.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo về những rủi ro mà ông Trump có thể gặp phải khi hội đàm trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên.

Robert Kelly, Phó giáo sư tại trường Đại học Pusan, nhận định với CNBC rằng, một cuộc gặp mặt đơn giản là quá rủi ro bởi ông Trump dường như có vốn hiểu biết còn hạn chế về chính trị Triều Tiên.

“Ông Trump không hiểu biết nhiều về Triều Tiên. Chúng ta biết rằng ông ấy không đọc nhiều, ông dành thời gian xem truyền hình nhiều hơn trong khi đội ngũ cố vấn an ninh của ông ấy hiện tại đang khá hỗn loạn”, ông Kelly nói.

Chuyên gia này bình luận thêm: “Ngược lại, Triều Tiên đối mặt với vấn đề này từ lâu, do vậy họ sẽ tới đó và biết mọi chi tiết, họ sẵn sàng thương thuyết trực tiếp. Điều đầu tiên mà ông Kim Jong-un sẽ làm trong phòng hội đàm là có bài phát biểu kéo dài 40 phút để kể tội Mỹ trong chiến tranh liên Triều, vậy liệu Tổng thống Trump có sẵn sàng ngồi đó và lắng nghe không”.

Chung quan điểm này, ông Michael J. Green, giáo sư tại Đại học Georgetown và là Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định: “Triển vọng cuộc hội đàm Trump-Kim sẽ bớt đáng lo ngại hơn nếu Tổng thống Trump có nhiều kinh nghiệm hơn về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”.

Chuyên gia Green cho rằng, quá trình đàm phán với Bình Nhưỡng sẽ có rất nhiều “cạm bẫy”. Theo ông, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể thảo luận về việc phi hạt nhân hóa và đổi lại Mỹ phải chấm dứt hiện diện quân sự ở Hàn Quốc, ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.

“Chỉ còn 8 tuần nữa là tới hội nghị thượng đỉnh, điều đó có nghĩa là ông Trump phải trực tiếp làm rất nhiều việc trong phòng hội đàm mà dường như Tổng thống chưa làm vậy trước đó”, giáo sư Kelly nhận định.

Cho rằng một cuộc hội đàm với Triều Tiên không có nhiều sự chuẩn bị trước tiềm ẩn nhiều rủi ro, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đưa ra hai phương án mà ông Trump nên cân nhắc.

Thứ nhất, Tổng thống Trump chỉ nên coi cuộc hội đàm này đơn giản là cơ hội gặp gỡ và chụp hình lưu niệm, mọi thỏa thuận nên được cân nhắc sau ở các cuộc hội đàm trong tương lai. Thứ hai, Mỹ có thể hoãn hội nghị cho tới khi các nhà đàm phán xác định được các điều kiện có thể thương lượng để Triều Tiên chấp nhận giải trừ hạt nhân.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP