Formosa xả thải

Chuyển đổi nghề cho ngư dân Hà Tĩnh: “Chúng tôi chỉ muốn bám biển thôi”

Hiện nay chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân ven biển Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết hàng loạt là một trong những biện pháp được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho bà con trong thời điểm này. Tuy nhiên, người ngư dân vốn gắn liền với biển, việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ không hề dễ dàng, đặc biệt là với lao động lớn tuổi.

Cuộc sống khó khăn      

Chúng tôi có mặt tại bãi biển của thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào buổi sáng, hàng trăm chiếc thuyền của người dân nếu như trước đây giờ này đang ra khơi thì hiện tại chỉ biết “ngủ” trên bờ.

Hằng trăm chiếc thuyền của ngư dân thôn Hải Phong (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nằm bờ kể từ khi hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra.

Kể từ khi hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra, không chịu được cảnh thuyền nằm bờ nên một số ngư dân vẫn đi biển, nhưng thu nhập đưa về không còn được là bao.

Ông Chu Đại Đoàn (51 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi), người có 30 năm kinh nghiệm đi biển chia sẻ: “Hầu hết bà con ở đây trước làm cả nông và ngư, nhưng hiện nay chủ yếu là ngư nghiệp. Trước đây ra biển, chúng tôi đã có thể kiếm được ngày 2 triệu, 3 triệu, ngày ít thì cũng 5 trăm. Nhưng hiện giờ ngày chỉ còn một trăm hoặc ít chục. Trước đây, biển sạch thì bình thường các bà, các mẹ hàng ngày ra biển cào con hến, con hàu thì cũng đủ tiền cơm, tiền mắn qua ngày, nhưng bây giờ chỉ còn biết ngồi chơi”.

Thu nhập đi biển so với trước đây bị giảm sút rất nhiều nên lượng người ra khơi, theo như ngư dân ở đây cho biết chỉ còn khoảng 20% so với trước đây. Ông Chu Văn Đại (52 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi), người từ khi còn nhỏ đã đi và sống cùng với biển cho biết: “trước đây thu nhập mỗi ngày 5 trăm, 1 triệu là bình thường, nhưng từ khi cá chết đến nay rất khó bán, có khi bán không ai mua. Thậm chí, chính chúng tôi đánh bắt về có khi cũng không dám ăn, cũng không đủ để trả tiền chi phí xăng dầu nhưng nếu không đi thì cũng chưa biết phải làm gì”.

Ông Phan Quốc Chẩn (67 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) ngồi thẫn thờ bên mâm cơm vì đã nhiều ngày không thể đi biển, hàng quán vắng tanh không bóng khách

Những chiếc nhà hàng hải sản của người dân trước đây thường đông đúc khách hàng tới tắm biển và ăn hải sản, nhưng bây giờ vắng tanh. Các chủ quán chỉ còn biết nằm võng chơi, vì không có khách nên họ cũng không còn thu mua hải sản của dân như trước.

Khi chúng tôi có mặt ông Phan Quốc Chẩn (67 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) đang ngồi ăn cơm trên sàn nhà hàng của vợ chồng con gái. Ngồi bên mâm cơm mà từ lâu đã vắng con cá, con mực, ông cứ thẫn thờ nhìn ra biển, miếng cơm cũng trở nên khó nuốt vì lo lắng không biết đến bao giờ biển mới có thể “hồi sinh” trở lại. “Tất cả những quán hàng này bây giờ ngồi chơi không hết, ngư dân không đi đánh bắt nữa, khách thì không có ai, bãi biển cũng không còn ai đến tắm”, ông ngậm ngùi chia sẻ.

Cuộc sống của bà con ngư dân đang gặp nhiều khó khăn, miếng cơm manh áo, tiền lo cho con cái học hành đều trông chờ vào biển, nhưng nay họ chưa biết phải làm gì để kiếm thêm thu nhập trong thời gian này.

 Hải sản được ngư dân đánh bắt về rất khó bán vì không ai mua, thậm chí chính ngư dân cũng không dám ăn

Không dễ chuyển đổi nghề

Số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do cá chết hàng loạt của Thị xã Kỳ Anh là 4.885 hộ, và có trên 3.000 hộ bị ảnh hưởng gián tiếp. Từ khi xảy ra hiện tượng này đến nay, Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ban đầu cho bà con như gạo và nhiều quà hiện vật khác để người dân vượt qua khó khăn ban đầu do không thể ra khơi cũng như sản xuất các dịch vụ hầu cần nghề cá.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ gạo, tiền thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nhiều chính sách lâu dài giúp đỡ ngư dân cũng được đề xuất và thực hiện như giúp đào tạo và tìm kiếm việc làm, ưu tiên xuất khẩu lao động cho người dân các địa phương bị ảnh hưởng … giúp chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân.

Ông Lê Trọng Phu (67 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) lo lắng vì tuổi đã cao, chưa biết sẽ sống thế nào vì tuổi đã cao, khó chuyển đổi sang nghề khác

Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân thực sự không dễ dàng. Vì bao đời nay, người ngư dân quen sống với biển, nếu không đi biển họ có thể làm gì? Đặc biệt là với những lao động đã lớn tuổi, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như chuyển sang một nghề mới.

Ông Lê Trọng Phu (67 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) cho biết: “Nếu không tuyển công nhân, mở những xí nghiệp lớn thì thôi, chứ nói chuyển đồi nghề nghiệp cho dân thì biết chuyển đổi cái gì cho dân làm ở đây. Tuổi như các bác không gắn với biển thì chỉ có ngồi không nhịn đói thôi. Sức khỏe chúng tôi thì không đủ để đi làm công nhân nhà nước hay xuất khẩu lao động gì được nữa”.

Theo nhiều người dân, nếu không đi biển, họ cũng sẽ ở nhà nuôi con gà, con lợn, trồng rau, nhưng ở vùng biển, đất chật người đông, cũng sẽ rất khó khăn nếu làm nông nghiệp như vậy.

Một giải pháp được ngư dân Kỳ Lợi cho là ổn nhất hiện nay, đó là họ sẽ chuyển đổi từ đánh bắt ở vùng “lộng” (gần bờ) sang đánh bắt ở vùng “khơi” (xa bờ). Tuy nhiên, tàu cá của ngư dân hiện tại chủ yếu là tàu có công suất dưới 90 CV hoặc tàu không máy, không thể đánh bắt xa bờ. Nếu như muốn đánh bắt xa bờ như vậy, thì thuyền phải to hơn, tức là phải cơi nới, sửa sang lại tàu thuyền, tuy nhiên điều kiện của ngư dân rất khó khăn, không đủ chi phí nếu như không có sự hỗ trợ của nhà nước.

 “Ngư dân địa phương chủ yếu đánh bắt ở các ngư trường quen thuộc là tàu thuyền nhỏ lẻ, kinh phí ít, vì chỉ cần kinh phí ít thì cũng đã đánh bắt được gần bờ. Nhưng bây giờ nếu muốn chuyển đổi xa bờ thì phải có kinh phí nhiều, nên bây giờ người dân mong muốn chính phủ có hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ những mặt khác để người dân có điều kiện đánh bắt xa bờ hơn”, ông Chu Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Nam – Trưởng phòng quản lý đô thị và kinh tế Thị xã Kỳ Anh

 Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hoài Nam – Trưởng phòng quản lý đô thị và kinh tế Thị xã Kỳ Anh cho biết: “thời gian vừa qua thị xã cũng đã thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại, như làm việc với các hộ bị ảnh hưởng để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ xem thử là nhu cầu người dân muốn chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề khác, xuất khẩu lao động hay là muốn cải tạo lại đội tàu thuyền để tiếp tục ra khơi bám biển, chúng tôi đang khảo sát và đánh giá để có những biện pháp hỗ trợ ngư dân một cách hiệu quả nhất”.

Khi Chính phủ công bố Formosa là thủ phạm xả thải gây ô nhiễm biển, hầu hết người dân đều không bất ngờ vì họ đã đoán được từ trước. Dù các biện pháp như trên được đưa ra, nhưng điều người dân mong  muốn nhất hiện nay vẫn là biển sẽ nhanh chóng được làm sạch, để ngư dân có thể tiếp tục ra khơi bám biển, sống cuộc sống yên bình gắn liền với biển như từ bao đời nay.

Mai Nguyễn – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP