Kinh tế

Chuyển đổi đất cao su sang dự án nuôi bò ở Hà Tĩnh: Hàng trăm công nhân bơ vơ

Nhiều diện tích cao su sắp đến thời kỳ khai thác đã bị chặt bỏ không thương tiếc, nhường chỗ cho một dự án chăn nuôi bò. Thực trạng này đang xảy ra trên địa bàn hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

hatin24hGỗ cao su vứt ngổn ngang.

Cạo trọc hàng ngàn hécta rừng

Dự án nuôi 150.000 con bò/năm do Doanh nghiệp tư nhân Bình Hà (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) làm chủ đầu tư được triển khai tại Hà Tĩnh. Để có đất phục vụ dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho doanh nghiệp thuê 6.119ha rừng và đất lâm nghiệp tại hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Tại Điều 1, Quyết định số 1300/QĐ– UBND ngày 15/4/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh do Chủ tịch UBND Võ Kim Cự lúc bấy giờ ký về việc bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh của Công ty CP Chăn nuôi bò Bình Hà ghi rõ: Đồng ý chủ trương cho bổ sung những khu đất đảm bảo các tiêu chí quy hoạch chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung; đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Địa điểm giới thiệu khảo sát, đầu tư dự án bao gồm các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quang, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh thuộc huyện Cẩm Xuyên và các xã Kỳ Lâm, Kỳ Tây, Kỳ Hợp thuộc huyện Kỳ Anh. Tổng diện tích dự kiến khảo sát là 6.119,8ha, trong đó Cẩm Xuyên 4.473,96ha, bao gồm các xã: Cẩm Quang  1.836,4ha, thuộc khoảnh 1, tiểu khu 306, 311 và 321; Cẩm Mỹ 1.179,21ha, thuộc tiểu khu 311, 314 và 315; Cẩm Thịnh 1.425,57ha, thuộc tiểu khu 325 và 336; Cẩm Hưng 32,78ha, thuộc tiểu khu 309. Tại huyện Kỳ Anh, tổng diện tích khảo sát là 1.645,32ha, bao gồm các xã: Kỳ Lâm 122,67ha, thuộc tiểu khu 375; Kỳ Hợp 802,74ha, thuộc tiểu khu 369 và 376; Kỳ Tây 719,91ha, thuộc tiểu khu 352.

Quyết định này cũng ghi rõ: Mục tiêu đầu tư phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người lao động, nhà đầu tư và người dân trên địa bàn; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nhiều người tiếc nuối vườn cao su sắp cho khai thác bị chặt bỏ.

Phá rừng cao su để nuôi bò

Quyết định số 1803/QĐ-UBND ngày 14/5/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về điều chỉnh quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên để trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò, ghi rõ: Đưa ra khỏi quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010 – 2020 theo Quyết định 723/QĐ-UBND ngày 17/3/2010 và Quyết định 1811/QĐ – UBND ngày 24/6/2013 của UBND tỉnh với tổng diện tích 4.258,8 ha thuộc địa bàn hai huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp chăn nuôi, trồng cỏ. Trong đó, Kỳ Anh 1.469,2ha, bao gồm Kỳ Tây 303ha, Kỳ Sơn 276,4ha, Kỳ Lạc 432ha, Kỳ Hợp 231,1ha, Kỳ Tân 173,7ha, Kỳ Lâm 53ha; Cẩm Xuyên 2.789,6ha, gồm các xã: Cẩm Thịnh 815,6ha, Cẩm Mỹ 1.063,2ha, Cẩm Quang 910,8ha.

Quyết định này nêu rõ: Đưa ra khỏi quy hoạch trồng cây cao su những diện tích đã trồng cây cao su theo các văn bản có liên quan của UBND tỉnh trên địa bàn hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (chưa có trong quy hoạch theo Quyết định số 723/QĐ-UBND ngày 17/3/2010 và Quyết định số 1811/QĐ- UBND ngày 24/6/2013 của UBND tỉnh).

Từ hai quyết định trên, sau một thời gian ngắn, toàn bộ rừng cao su đã bị hủy hoại. Trong đó, có tới 2/3 diện tích đang nằm trong thời kỳ khai thác và chuẩn bị quy hoạch khai thác. Tất cả đều bị chặt bỏ không thương tiếc, kể cả một số diện tích rừng tự nhiên, rừng bao cũng bị… cạo sạch.

Trụ sở nông trường “vườn không nhà trống”.

Chúng tôi đến Nông trường cao su Kỳ Sơn, thấy trụ sở nông trường “vườn không nhà trống”. Bảo vệ  nông trường cho biết, kể từ khi tỉnh có chủ trương lấy đất lâm nghiệp và toàn bộ diện tích cao su để giao cho trại nuôi bò Hoàng Anh Gia Lai, công nhân ai cũng tiếc nuối vườn cây  7 năm tuổi, có chăm sóc, bảo vệ cũng không ai trả lương.

Đội trưởng đội 3, Nông trường Kỳ Sơn Lê Ngọc Ánh nghẹn ngào chỉ tay về phía rừng cao su nói: “Rừng cao su hàng trăm hecta đã được 6-7 năm tuổi xanh mơn mởn thế mà đang đứng trước nguy cơ  bị chặt bỏ, kể cả 220ha rừng tự nhiên, rừng trồng mà công nhân chúng tôi chăm sóc, quản lý cũng chịu chung số phận. Có lẽ chẵng bao lâu nữa những cánh rừng đầu nguồn này sẽ bị cạo trọc để trồng cỏ nuôi bò”.

Cũng theo đội trưởng Ánh, làm việc trong điều kiện không lương, không tổ chức, các công nhân nông trường như đứng giữa ngã ba đường, không biết đi đâu về đâu vì rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho đơn vị khác thực hiện dự án nuôi bò, trồng cỏ.

Trăn trở nỗi niềm trên, ông Phạm Hữu Thanh, Phó giám đốc Nông trường Kỳ Anh I nói: “Nông trường chúng tôi có 7 đội sản xuất, đến nay, dự án nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai đã lấy 4 đội, bao gồm cả công nhân và rừng. Vừa rồi một số gia đình công nhân không chịu nổi cảnh làm việc bên đó nên đã bỏ về xin trở lại nông trường vì không biết tương lai sẽ ra sao…

Từng có một thời người ta ào ạt chặt phá rừng, chuyển đổi đất để trồng cao su khi loại cây này đang ở thời hoàng kim. Bây giờ, cao su lại bị hắt hủi, nhường chỗ cho những cây trồng, vật nuôi đang hái ra tiền tỷ. Đừng nói chỉ có nông dân mới “chạy theo phong trào”, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh phá bỏ nhiều diện tích cao su đang chuẩn bị cho khai thác để chuyển sang trồng cỏ nuôi bò cũng là một kiểu “phát triển nóng”. Và cái giá của việc làm này không thể đo đếm được trong một sớm một chiều.

Theo Kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP