Tin Hà Tĩnh

Chuyển biến trong công tác cán bộ ở Hà Tĩnh

Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là tiền đề nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện gắn với luân chuyển, bố trí cán bộ hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà Phạm Tiến Nam (bên trái) trao đổi với người dân về phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới quy trình, tiêu chuẩn

Cuối năm 2015, khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển công tác, được sự đồng ý của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về việc giới thiệu, bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ, Huyện ủy Vũ Quang đã rà soát, thống nhất giới thiệu đồng chí Trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện vào vị trí Phó Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tuy nhiên, theo quy định mới của BTV Tỉnh ủy, ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, cán bộ quản lý được bổ nhiệm phải được đào tạo về lĩnh vực chuyên môn và có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực phụ trách. Vì vậy, BTV Huyện ủy Vũ Quang đã thực hiện lại quy trình giới thiệu và bổ nhiệm đồng chí khác đủ tiêu chuẩn, đúng quy định.

Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Văn Thạch, trước đây, Hà Tĩnh có không ít trường hợp khi được bổ nhiệm vẫn chưa được đào tạo chuyên môn hoặc chưa có quá trình trưởng thành trong lĩnh vực phụ trách, đã nảy sinh một số khó khăn trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ. Khắc phục tình trạng này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, đề cập rất rõ các nội dung về công tác cán bộ. Thí dụ, đối với công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ thuộc BTV Tỉnh ủy quản lý, ngoài các quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị và Ban Tổ chức T.Ư về công tác cán bộ, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh còn đưa ra một số tiêu chuẩn cụ thể như: Cán bộ được bổ nhiệm phải được đào tạo đúng lĩnh vực chuyên môn; đã có kinh nghiệm hoặc được rèn luyện, công tác trong cùng lĩnh vực; đối với những đồng chí sinh từ ngày 1-1-1975 trở về sau nếu đào tạo tại chức hoặc liên thông sẽ không được đưa vào quy hoạch hoặc giới thiệu bổ nhiệm vị trí cao hơn.

Với những tiêu chí mới, trong đợt soát xét, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ do BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, BTV Tỉnh ủy đã bỏ phiếu biểu quyết đưa 85 đồng chí nằm trong diện đã quy hoạch và đang đề nghị quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt ra khỏi quy hoạch do không đáp ứng các tiêu chuẩn. “Sau khi đưa các đồng chí giữ các vị trí chủ chốt ra khỏi quy hoạch cho giai đoạn mới sẽ không tránh khỏi những tâm tư, tuy nhiên quy định của Đảng đã nêu rõ, những trường hợp không nằm trong quy hoạch nhưng được đào tạo từ thực tiễn và có thành tích nổi bật trong quá trình công tác vẫn được bố trí, bổ nhiệm cho các chức danh chủ chốt khác. Nghĩa là, chúng ta vẫn tạo điều kiện, cơ hội cho các đồng chí đó phấn đấu”, đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Cũng theo chia sẻ của đồng chí Lê Đình Sơn, công tác tổ chức cán bộ ở Hà Tĩnh thời gian qua có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện định kỳ hằng năm, gắn kiểm điểm, phân loại đảng viên, phê bình và tự phê bình bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả. Khâu tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ cũng có nhiều đổi mới tích cực, được đánh giá cao về tính minh bạch, công bằng, hiệu quả. Riêng đợt thi khối Đảng, đoàn thể năm 2017, trong 600 thí sinh được sàng lọc từ 1.200 hồ sơ, Hội đồng thi chỉ tuyển chọn được 25 trong số 75 chỉ tiêu. Khác với những kỳ thi trước, ở đợt thi này, BTV Tỉnh ủy đã trực tiếp xây dựng quy chế thi tuyển, thành lập hội đồng tuyển sinh và ban giám sát kỳ thi. Bên cạnh các phần thi bắt buộc như: Kiến thức chung, tiếng Anh và tin học văn phòng, Hội đồng thi đã ứng dụng các phần mềm hỗ trợ để giám sát, lưu giữ kết quả đối với phần thi vấn đáp nhằm tạo sự công bằng đối với tất cả các thí sinh.

Luân chuyển để đào tạo

Nhằm tạo bước đột phá, các địa phương ở Hà Tĩnh đã thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, nhất là các phòng, ban cấp huyện về xã để lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương xây dựng nông thôn mới. Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân, BTV Huyện ủy đã quy định rõ đối tượng nằm trong diện điều động, các chế độ, chính sách về tài chính cũng như đề bạt, bổ nhiệm đối với cán bộ huyện về cơ sở. Cán bộ được tăng cường về địa bàn khó khăn, yếu kém, phong trào trì trệ, có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Theo đánh giá thực tế ở hầu hết các địa bàn cơ sở, vai trò của cán bộ luân chuyển từ huyện đã được khẳng định rõ nét, không chỉ đưa xã sớm thực hiện được các tiêu chí nông thôn mới mà còn góp phần quan trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị địa phương.

Là một cán bộ trẻ, được huyện Thạch Hà điều động về đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê, đồng chí Phạm Tiến Nam chia sẻ: “Khi về nhận công tác tại cơ sở, cùng với việc tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tôi mạnh dạn bàn bạc với BTV Đảng ủy xã chủ động xây dựng kế hoạch công tác của cấp ủy trên cơ sở cụ thể hóa nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ hằng tháng, hằng tuần. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác chỉ đạo cơ sở, gắn mức độ hoàn thành nhiệm vụ cho các đảng ủy viên phụ trách với kết quả phong trào của từng thôn”.

Với cách làm mới cũng như nỗ lực vươn lên của cán bộ, đảng viên và người dân, từ một đơn vị bộn bề khó khăn, xã Thạch Khê đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016. Theo đồng chí Phạm Tiến Nam, biết chia sẻ, động viên, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân, biết tranh thủ trí tuệ, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên cao tuổi, hưu trí… sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Hướng đến mục tiêu đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh; trong đó nêu rõ, các chức danh Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh phải được rèn luyện trong thực tiễn, phải kinh qua ít nhất một trong các vị trí lãnh đạo chủ chốt của cấp huyện, thành phố, thị xã. Cùng với đó, đơn vị, địa phương cũng tạo mọi điều kiện để cán bộ được rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng đảm nhận các cương vị mới khi được giao trọng trách. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2010 -2015, Hà Tĩnh đã luân chuyển 50 cán bộ cấp tỉnh về làm cán bộ chủ chốt cấp huyện; 34 cán bộ chủ chốt cấp huyện được điều động về làm trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; luân chuyển ngang cấp 30 đồng chí ở cấp huyện, 24 đồng chí ở các sở, ngành; luân chuyển từ cấp huyện về cấp xã 74 đồng chí.

Tác giả: NGÔ TUẤN

Nguồn tin: Báo Nhân dân

  Từ khóa: Hà Tĩnh , công tác cán bộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP