Danh Nhân

Chúng tôi làm phim về Người truyền lửa: Lý Tự Trọng (tập 4)

Biết chúng tôi làm phim về anh hùng Lý Tự Trọng, Nhà sử học Văn Tùng cứ nhắc đi nhắc lại là “Các bạn quá dũng cảm!”. Ông nói thế bởi trong vài chục năm tích cóp và đi tìm tư liệu để viết cuốn sách “Lý Tự Trọng – Sống mãi tên anh” ông hiểu rằng để làm phim tài liệu về anh hùng Lý Tự Trọng khó khăn như thế nào.

hatinh24h

Tập 4 : Người truyền lửa

Khí phách anh hùng

Xem video Khí phách anh hùng

Cũng vì “cảm kích” sự liều lĩnh của nhóm làm phim mà ông đã dành mọi ưu tiên cho chúng tôi mỗi khi chúng tôi cần. Dù vậy, thì tất cả những gì ông có là những đầu mối, những chi tiết mà nhân chứng của ông ngày xưa lúc còn sống đã kể cho ông nghe. Với chúng tôi bây giờ, nhân chứng đã mất, chứng cứ không thể là bản photo bởi làm phim chứ không phải viết sách. Và thế là từ một thông tin anh Lý Tự Trọng về nước, đặt chân đến đất Việt ở vị trí đầu tiên là cảnh Ô Cấp chúng tôi phải đi tìm cho ra Ô Cấp là ở đâu? Vị trí con tàu cập bờ là chỗ nào?

Ô Cấp đầu tiên còn phân vân giữa cảng Cát Lái, Cần Giờ hay Vũng Tàu. Sau khi tìm hiểu và đối chiếu qua nhiều nguồn sử liệu thì Ô Cấp được xác định là thành phố Vũng Tàu bây giờ. Thế nhưng, cả một thành phố biển với bao nhiêu là nơi để tàu bè cập bến như vậy thì biết anh Lý Tự Trọng bước xuống ở cảng nào?

Cùng với quá trình đi lục tung các trang sử của Vũng Tàu chúng tôi được sự giúp sức của các bạn trong ban tuyên giáo của tỉnh đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu đi tìm cho ra nhân chứng, nhà nghiên cứu về các cảng biển ở Vũng Tàu. Và có lẽ, như dự cảm của chúng tôi.

Câu chuyện ban đầu chỉ là cái tên anh Lý Tự Trọng với vài chi tiết thì  câu chuyện cứ lần giở và dẫn dắt chúng tôi đến với nhiều hiện vật, nhân chứng làm sống động hơn câu chuyện về cuộc đời vị anh hùng trẻ tuổi. 22 giờ đêm mùa đông Hà Nội, khi đang quay những cảnh cuối cùng ở nhà chú Tùng thì chúng tôi được biết đến một bài báo đã gây dư luận xôn xao thời ấy.

Từ bản photo bài báo viết về sự kiện anh Lý Tự Trọng bắn tên mật thám trên tờ L’impartial số ra ngày 20/11/1931 khiến chúng tôi tức tốc tìm vào thư viện quốc gia để mong tìm được nguyên bản của bài báo này vào sáng sớm hôm sau.

Phải rất khó khăn chúng tôi mới tìm được tờ báo ấy bởi nó nằm trong một chồng báo được lưu giữ 80 năm qua. Tôi rón rén lật giở từng tờ bởi nếu không khéo những tấm giấy đã ố vàng vì thời gian dễ dàng gãy vụn. Khi chạm phải trang báo ngày xưa chúng tôi mừng như tìm được báu vật.

Cứ như thế, thông tin từ khi anh Lý Tự Trọng về nước cho đến khi anh ấy hy sinh được chúng tôi lần giở và lục tung từ các bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ…ở mỗi nơi đến chúng tôi đều gặp may. Tôi nghĩ là như vậy. Ví dụ như cho đến khi chuẩn bị dựng tập 3 rồi mà chúng tôi vẫn chưa được vào bót Catina.

Ảnh: Sở mật thám Nam Kỳ (bot Catina) – Nơi giam giữ Lý Tự Trọng khi anh vừa bị bắt

Phương án hai là phải kể câu chuyện ở bot Catina bằng …tranh vẽ thì đột nhiên chúng tôi được lãnh đạo sở Văn hóa thể thao và du lịch TPHCM tạo điều kiện cho vào quay những dấu tích xưa. Và không chỉ là kiến trúc cũ thời Pháp còn lại ở nửa phần trong của dãy nhà mà chúng tôi còn được đưa đến gian phòng đã từng là nơi giam giữ anh Lý Tự Trọng ngay đêm đầu tiên anh bị bắt.

Hay khi chúng tôi tìm đến khám lớn nơi đã giam giữ anh Lý Tự Trọng sau khi chuyển từ bot Catina sang thì toàn bộ khám lớn đã biến mất thay vào đó là kiến trúc của thư viện khoa học tổng hợp bây giờ. Không thể có bất cứ dấu tích gì. Thế nhưng trong câu chuyện ngồi với bà Phó giám đốc thư viện thì chúng tôi được biết bạn bí thư chi đoàn ở đó vừa làm một cuộc tìm kiếm về cuộc đời anh Lý Tự Trọng và lịch sử Khám lớn.

Bám theo thông tin này chúng tôi tìm được tài liệu của chính quyền Đông dương liên quan đến sự kiện Lý Tự Trọng bị bắt, và xử tử anh như thế nào? Đến cả cuốn sách “Đông dương cấp cứu” (L’Jndochine S.O.S) của nhà báo Ăngđrê Violit viết về sự kiên cường của anh Lý Tự Trọng trước khi bị đem đi chém cũng được tìm thấy dù trang giấy đã bị gãy cạnh khá nhiều.

Cuốn sách đã mủn từng trang giấy nhưng vẫn được bảo quản bằng một tấm bìa dày. Để có được những thước phim đó chúng tôi phải nhờ bạn bè bên Pháp và cả người thân ở Việt Nam lục tìm hình ảnh ở khắp mọi nơi.

Ảnh: Bìa cuốn sách “Đông Dương cấp cứu”

Dường như có một người dẫn đường vô hình nào đó dẫn chúng tôi đi và đưa cho chúng tôi rất nhiều tư liệu khiến tôi có thể nhẹ nhàng mà nói rằng, không phải chỉ là 5 tập phim mà với tư liệu ấy, chúng tôi có thể làm 7 tập vẫn không thiếu hình.

MINH THÙY

Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP