Danh sách nhà Hảo tâm

‘Chúng tôi cãi nhau khi chấm thi môn Địa lí’

Đó là ý kiến của thầy Lê Quốc Châu (Giáo viên Trường THPT Cù Huy Cận – Hà Tĩnh) khi chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về những bất cập trong quá trình chấm thi môn Địa lí theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trình bày như Đáp án chỉ được 1/2 điểm?

Như báo Người Đưa Tin đã đăng tải ý kiến của thầy Lê Quốc Châu (giáo viên Trường THPT Cù Huy Cận – Hà Tĩnh) cho rằng: Đề thi Địa lí kì thi THPT quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo “có vấn đề”.

Cụ thể, thầy Châu cho biết: “câu 1, câu 2 trong câu II sử dụng Át lát Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học để làm bài thì quá dễ so với học sinh lớp 9, chứ chưa nói lớp 12.

Câu IV, giữa câu 1 và câu 2 lại trùng một đơn vị nội dung kiến thức về dầu mỏ. Cụ thể, ở câu 1: “Phân tích thế mạnh về tự nhiên để phát triển công nghiệp khai thác than và dầu mỏ ở nước ta” với câu 2: “Chứng minh rằng nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển”.

Thầy Châu cho hay: “Chính vì ra đề trùng lặp kiến thức như thế nên đáp án của Bộ GD&ĐT hết sức sơ sài ở câu này.

'Chúng tôi cãi nhau khi chấm thi môn Địa lí' - Ảnh 1

Hướng dẫn chấm thi môn Địa lí kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Cụ thể, ở câu 1 (thuộc câu IV), đáp án phần tài nguyên dầu khí của Bộ chỉ có thế này: “Thế mạnh phát triển công nghiệp dầu khí: + dầu khí tập trung ở thềm lục địa, trữ lượng lớn; + hai bể trầm tích có trữ lượng lớn nhất về trữ lượng và khả năng khai thác: Cửu Long, Nam Côn Sơn”.

Câu 2 ( thuộc câu IV) thì sơ sài đến mức không thể sơ sài hơn: “Các mỏ dầu, khí ở thềm lục địa”.

“Chính vì, Đáp án của Bộ quá sơ sài nên Bộ mới vội vàng làm thêm Hướng dẫn chấm thi. Thế nhưng, Hướng dẫn chấm thi lại gây khó dễ cho giáo viên. Chúng tôi phải mất một buổi thảo luận, cãi nhau, 9 người 10 ý, mới đi đến thống nhất cách chấm”, thầy Lê Quốc Châu nói.

Ở ngay câu IV, Bộ yêu cầu “Khi phân tích thế mạnh về tự nhiên (Câu IV.1) và chứng minh nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi (Câu IV.2), thí sinh phải chi tiết hóa của mỗi ý đã nêu trong Đáp án thì mới được điểm tối đa, còn chỉ trình bày tóm tắt như Đáp án thì chỉ được 1/2 số điểm của ý đó”.

Nhiều bất cập?

Thầy Châu thắc mắc: + Tại sao Bộ làm đề và đáp án lâu rồi mà không chi tiết hóa, lại bắt giáo viên chi tiết hóa những điều ngoài đáp án?

+ Chi tiết hóa đến mức độ nào thì được điểm tối đa? Ví dụ, tài nguyên dầu mỏ, chi tiết đến trữ lượng, phân bố, tình hình phát triển hay chi tiết đến cả ý nghĩa của tài nguyên này mới được điểm tối đa? Thành ra, buổi đầu chấm thi, cứ đến câu IV, các giám thị chấm lệch nhau, mãi về sau mới thống nhất được.

“Nhiều giáo viên cho rằng, Đề thi Địa lí của Bộ dở một thì Hướng dẫn chấm của Bộ dở mười. Cho nên, các giáo viên về trường an ủi học sinh của mình, cùng một năng lực làm bài như nhau, bài của bạn lệch bài của các em 0,75 điểm đến 1,0 điểm thì đừng có buồn. Thường thôi!”, thầy Lê Quốc Châu chia sẻ.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin nhanh về việc chấm thi và điểm thi đại học 2015.

Trên đây là quan điểm của cá nhân thầy Lê Quốc Châu (giáo viên Trường THPT Cù Huy Cận – Hà Tĩnh), một người có nhiều trăn trở với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Thầy Châu mong muốn những đóng góp trên đây sẽ giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện hơn trong công tác ra đề, đưa ra đáp án trong các kỳ thi quan trọng tiếp theo.

PV

  Từ khóa: môn Địa lí , chấm thi , Cãi nhau

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP