Trong nước

Chủ tịch xã bắt gỗ lậu về... biếu cán bộ

Mặc dù kết luận vị chủ tịch UBND xã có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng xác định không có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác trong việc xử lý gỗ lậu nên cơ quan công an không khởi tố.

Ngày 26-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cho biết Hội đồng kỷ luật của huyện vừa họp xem xét kỷ luật ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm và ông Trần Văn Hiếu, Trưởng Công an xã Cư Đrăm về những sai phạm trong việc xử lý gỗ lậu. "Căn cứ vào kết luật điều tra của cơ quan công an và xem xét tình hình thực tế, hội đồng kỷ luật đã bỏ phiếu thống nhất kỷ luật 2 ông trên với hình thức khiển trách" – ông Long cho biết thêm.

Không thu được gỗ lậu giá trị lớn

Trước đó, tháng 2-2019, ông Trần Thế Tôn (nguyên cán bộ xã Cư Đrăm) đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Trung đã tổ chức lực lượng bắt số lượng gỗ lậu lớn rồi tẩu tán tang vật (Báo Người Lao Động đã phản ánh). Tháng 7-2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Bông đã ra quyết định không khởi tố vụ án và kết luận: "Hành vi của ông Nguyễn Văn Trung có dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng qua điều tra xác định không có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác". Không đồng ý với kết luận này, ông Tôn đã làm đơn khiếu nại.

Ông Trần Thế Tôn (phải) và ông Từ Đức Tám trao đổi với báo chí

Theo quyết định giải quyết khiếu nại của Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Bông, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018, các lực lượng thuộc UBND xã Cư Đrăm trực tiếp bắt 4 vụ việc liên quan đến hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Cụ thể, đầu năm 2016, Công an xã Cư Đrăm phát hiện 4 khúc gỗ ké tại 1 khu vực đất trống. Ông Hiếu chỉ đạo lập biên bản đưa gỗ về rồi báo cáo "bằng miệng" cho ông Trung. Ông Trung đã đưa vụ việc ra cuộc họp Ban thường vụ Đảng ủy xã Cư Đrăm xin chủ trương đưa 4 khúc gỗ đi tiện lục bình rồi đưa đến cơ sở tiện của ông Nhiên (không rõ họ, ở xã Yang Mao, cùng huyện) để tiện và lấy 2 chiếc lục bình về trưng bày tại trụ sở UBND xã (trị giá 1,255 triệu đồng). Riêng 2 khúc gỗ còn lại trả công tiện cho ông Nhiên và hiện không rõ lai lịch ông Nhiên nên không thu hồi được.

Đến tháng 12-2016, Công an xã Cư Đrăm bắt giữ xe máy cày chở 50 trụ gỗ của ông Dương Văn Hai (mua về làm trụ tiêu) rồi được ông Trung cho để gỗ lại, trả xe về. Sau đó, ông Y Na Êban (phó công an xã) xin mua lại thì được ban thường vụ họp thống nhất "bằng miệng", không thu tiền và không có hồ sơ thanh lý. Ông Y Na Êban đã giao nộp 41 trụ gỗ với giá trị 4,86 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 26-8-2018, ông Trung trực tiếp chỉ đạo ông Y Ha Êban (xã đội trưởng) đi bắt giữ ô tô của ông Từ Đức Tám chở 3 tấm gỗ. Ông Trung thả xe tang vật và đưa ra cuộc họp ban thường vụ thống nhất "bằng miệng" bán thanh lý cho ông Y Dunh Êban (Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch HĐND xã) với giá 15 triệu đồng. Sau đó, ông Y Dunh Êban nói gỗ bị mục nên ban thường vụ thống nhất "cho không", chỉ hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho lực lượng đi làm nhiệm vụ. Ông Y Dunh Êban sau đó bán lại cho 1 người không rõ tên, địa chỉ với giá 3 triệu đồng nên không xác định được khối lượng, chủng loại và giá trị. Gần nhất, ngày 12-11-2018, Công an xã Cư Đrăm tạm giữ xe tải chở 4 tấm gỗ ké của 1 người dân. Ông Trung ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép rồi trả xe, gỗ.

Ba tấm phản gỗ quý hiếm (cho rằng đã bị mục) được cho lãnh đạo xã. Ảnh ông Tôn cung cấp

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Từ Đức Tám cho rằng 3 tấm phản bị bắt là gỗ pơ-mu (nhóm 2A) ông mua 50 triệu đồng. Còn ông Dương Văn Hai cho rằng mình bị bắt 2 lần với tổng cộng hơn 130 trụ tiêu chứ không phải 50 trụ tiêu như kết luận. Kết luận của cơ quan công an cũng mâu thuẫn hoàn toàn với nội dung mà ông Trung trao đổi với báo chí sau khi ông Tôn có đơn tố cáo.

Không vụ lợi!

Cũng theo cơ quan công an, Ban thường vụ Đảng ủy xã đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, gây xư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Đối với ông Trung, chỉ đạo bắt giữ các vụ vi phạm về lâm sản nhưng không chỉ đạo lập hồ sơ xử lý mà tự ý quyết định giữ lại tang vật, trả phương tiện cho người vi phạm; không xử lý người vi phạm; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không tạm giữ tang vật. Ông Hiếu và ông Y Na Êban tham mưu xử lý sai quy định; nhận ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ vi phạm không đúng quy định nhưng không có ý kiến phản đối, không báo cáo cấp trên. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT cho rằng các vụ việc trên không có yếu tố vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.

Xã Cư Đrăm nơi xảy ra nhiều sai phạm trong xử lý gỗ lậu

Sau khi nhận được thông báo giải quyết khiếu nại của công an, ông Tôn tiếp tục làm đơn khiếu nại lên VKSND cùng cấp. Theo quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND huyện Krông Bông ngày 19-9: "Hành vi của ông Trung có dấu hiệu phạm tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội này và chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự". Do đó, giữ nguyên toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại của Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Bông.

Ngày 26-9, ông Trần Thế Tôn cho biết ông không đồng ý với kết quả điều tra, kết quả giải quyết khiếu nại của Cơ quan CSĐT và VKSND huyện Krông Bông. Lý do theo ông Tôn là các kết luận này có nhiều vấn đề không đúng bản chất sự việc, có dấu hiệu bao che. Do đó, ông Tôn đang làm đơn tố cáo những người liên quan lên Cơ quan điều tra VKSND Tối cao.

Tác giả: Cao Nguyên

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP