Tin Hà Tĩnh

Chủ quan tưởng sốt virus, căn bệnh lạ khiến 3 người tử vong đột ngột

Lầm tưởng là sốt virus, chủ quan không đến bệnh viện đã khiến 3 người trong cùng 1 địa bàn xã tử vong đột ngột.

Rối loạn hành vi, không tự chủ được vì bị nhiễm trùng huyết

Từ một tuần trước, BS Đặng Công Duẩn (SN 1976), Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bị sốt nhẹ, người ớn lạnh vào cuối ngày. Cho rằng mình bị nhiễm cúm virus nên BS Duẩn vẫn đi làm bình thường.

Một nhân viên trạm xá cho biết: “Bác sĩ Duẩn đến trạm làm việc nhìn ủ rũ nhưng là người mẫn cán nên không nghỉ việc, cũng không nhờ anh em tiêm truyền. Về nhà, có người em cùng họ là y sỹ nên BS Duẩn nhờ truyền dịch rồi tự mình kê đơn các loại thuốc cảm để uống.

Nhiều trường hợp chết oan vì lầm tưởng giữa sốt virus và nhiễm trùng máu

Cho đến sáng 6/5, khi đến trạm không thấy trạm trưởng nên anh em cử người đến nhà thăm. Lúc đến, BS Duẩn đã không làm chủ được tâm thần, vệ sinh vô thức nên chúng tôi gọi xe cấp cứu đưa thẳng vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.

Đến nơi, BS Duẩn được đưa thẳng lên Khoa Hồi sức tích cực, đến giữa giờ chiều thì BS Duẩn tử vong do suy đa tạng.

Theo kết luận sơ bộ, nguyên nhân tử vong chủ yếu là do nhiễm trùng huyết, còn nguyên nhân khởi phát ban đầu thì chưa rõ vì BS Duẩn không có bất kì một vết thương hở nào”.Trước đó, cũng tại địa bàn xã Quang Lộc có 2 người tử vong vì lý do tương tự BS Duẩn.

Tìm hiểu thêm được biết, ông Nguyễn Đăng A ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc cho biết, cách đây 3 tuần vợ ông là bà Nguyễn Thị X ban đầu cũng sốt, người ớn lạnh. Cả con trai và con dâu của ông bà đều làm nghề y và cho rằng mẹ bị nhiễm cúm virus nên điều trị theo hướng đó. Nhưng sau 5 ngày thì bà X rối loạn hành vi, nói và đi vệ sinh không tự chủ.

Khi đưa đến bệnh viện thì bà X đã nhiễm trùng huyết nặng, chuyển lên tuyến tỉnh rồi ra Hà Nội liên tục chạy thận để cứu nhưng không thành. Bà cũng bị suy đa tạng rồi mất.

Còn ông Đặng Đình T. ở thôn Trà Dương (xã Quang Lộc) thì nghẹn ngào kể về cậu con trai mất cách đây 6 tháng: “Con tôi đang khỏe mạnh, lái xe tải đường dài từ Hải Phòng qua Lào.

Lúc đầu cũng sốt, thấy tiêm, truyền có đỡ nên cháu vẫn lái xe sang Lào 5 ngày. Khi cháu về thấy tình hình bệnh nặng hơn, gia đình đưa ra Hà Nội chữa thì đã bị nhiễm trùng huyết, suy đa tạng rồi mất”.

Nhiễm trùng huyết là căn bệnh đáng sợ như nào?

Nhiễm khuẩn huyết (hay nhiễm trùng máu) xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể bị quá tải trong quá trình chống lại sự nhiễm trùng.

Lượng lớn các hóa chất được tiết và nhiễm vào máu có thể gây ra chứng viêm mãn tính. Điều này có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan nội tạng.

Cơ chế đông máu trong giai đoạn máu bị nhiễm trùng làm giảm lưu lượng máu di chuyển đí chân tay và các cơ quan nội tạng, dẫn đến việc cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy.

Trong một vài trường hợp rất nghiêm trọng, một hoặc vài cơ quan nội tạng có thể bị suy chức năng.

Thậm chí, ở một vài trường hợp xấu nhất, nhiễm khuẩn huyết có thể gây ra chứng hạ huyết áp. Các bác sĩ gọi hiện tượng này là "sốc nhiễm khuẩn", nó có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng ở một số bộ phận như phổi, thận và gan. Thậm chí, triệu chứng này có thể gây tử vong ở một số trường hợp.

Triệu chứng nhiễm khuẩn huyết

Do nhiễm khuẩn huyết có thể bắt đầu ở bất kỳ các bộ phận nào trên cơ thể nên bệnh cũng có nhiều triệu chứng khác nhau.

Những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm khuẩn huyết có thể là thở gấp hoặc rối loạn nhịp thở. Ngoài ra, nhiễm khuẩn huyết bao gồm một số dấu hiệu khác:

- Sốt và ớn lạnh

- Hạ nhiệt độ cơ thể sâu

- Đi tiểu ít hơn bình thường

- Mạch nhanh

- Thở nhanh

- Buồn nôn và ói mửa

- Bệnh tiêu chảy

Điều trị nhiễm khuẩn huyết

Nếu bạn bị nhiễm khuẩn huyết, bác sĩ có thể thực hiện khám và một loạt các phép kiểm tra để xác định những yếu tố sau:

- Vi khuẩn trong máu hoặc trong các chất dịch cơ thể khác

- Nguồn lây nhiễm (thông qua phương pháp chụp X-quang, CT scan hoặc siêu âm)

- Số lượng bạch cầu cao hay thấp

- Số lượng tiểu cầu thấp

- Huyết áp thấp

- Lượng axit trong máu cao

- Thay đổi chức năng thận hoặc gan

Các bác sĩ khuyến cáo khi có biểu hiện sốt, cảm cúm hay bất kì một triệu chứng bệnh nào thì kịp thời đến các cơ sở y tế để thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, kĩ thuật cận lâm sàng để xác định đúng bệnh nhằm điều trị hiệu quả. Tuyệt đối không được tự mua thuốc trôi nổi không theo đơn của bác sĩ để tự điều trị ở nhà”

Tác giả: Nguyễn Linh

Nguồn tin: Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP