Kinh tế

Chìm trong nợ, đại gia Dương Ngọc Minh tiếp tục gặp khó khăn mới

Cổ phiếu của công ty đại Dương Ngọc Minh xuống vùng giá thấp nhất trong gần một thập niên qua, ở quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi thị trường chứng khoán đang có đà tăng trưởng rất mạnh, chỉ số Vn-Index gần đạt ngưỡng 1.160 điểm thì nhiều cổ phiếu doanh nghiệp vẫn đứng ngoài đà tăng trưởng, thậm chí đi ngược với thị trường.

Phiên giao dịch ngày 20/3 khép lại đánh dấu phiên giảm giá thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) - doanh nghiệp được mệnh danh là "vua cá tra". Trong đó, ở 2 phiên gần, HVG nhất giảm sàn.

Thị giá cổ phiếu HVG hiện chỉ được giao dịch ở mức 4.950 đồng/cổ phiếu, vùng giá thấp nhất trong gần một thập niên qua của cổ phiếu “ông lớn” ngành thủy sản này.

Sau khi phục hồi nhờ kết quả kinh doanh quý I/2018 thoát lỗ, HVG tiếp tục đi xuống do thông tin áp thuế. Nguồn: Vndirect.

So với phiên giao dịch đầu tuần trước, HVG đã giảm gần 19% về thị giá, còn so với giá hồi đầu năm, cổ phiếu “vua cá tra” đã "bốc hơi" gần 50% giá trị. Thậm chí, trong 2 phiên giao dịch gần nhất, HVG còn có đà giảm sàn trắng bên mua và dư bán hàng chục nghìn đơn vị.

Trước đó, HVG đã có dấu hiệu khởi sắc khi kết quả kinh doanh quý I báo lãi dương trở lại cùng với đà tăng chung của cổ phiếu ngành thủy sản. Tuy nhiên, HVG lại tiếp tục lao dốc.

Thông tin bị áp thuế nhập khẩu cá tra vào Mỹ một lần nữa khiến công ty đại gia Dương Ngọc Minh đối mặt với khó khăn. Ảnh minh họa: Ngọc Trinh.

Thời điểm giá cổ phiếu giảm trùng với khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cho biết cá tra có khả năng bị áp thuế chống bán phá giá cao kỷ lục. Đây là một trong những động thái hiện thực hóa chính sách bảo hộ của tổng thống Mỹ Donald Trump. Quyết định này được đánh giá là ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và khiến cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang Mỹ.

Cổ phiếu HVG đã liên tục giảm trong 3 năm qua, từ mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu xuống vùng 5.000 đồng như hiện nay do làm ăn thua lỗ và ngập trong nợ nần.

Năm 2017, Hùng Vương thậm chí đã phải bán nhiều doanh nghiệp "con cưng" như Thực Phẩm Sao Ta; Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng hay giải thể Công ty Địa ốc An Lạc để thanh lý bất động sản lấy tiền trả nợ và cơ cấu kinh doanh.

2017 là một năm buồn của “vua cá tra” khi kết quả kinh doanh tiếp tục bết bát và báo lỗ ròng 705 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn.

Cụ thể, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 cho biết Hùng Vương thu về 15.515 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận khoản lỗ ròng sau thuế lên tới 705 tỷ đồng, năm trước công ty lãi gần 10 tỷ đồng.

Ngoài kết quả doanh thu giảm sút khiến lợi nhuận gộp giảm 20% chỉ còn 1.080 tỷ đồng, nguyên nhân dẫn đến kết quả thua lỗ của Hùng Vương còn là hàng loạt chi phí tăng mạnh. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng gấp gần 3 lần do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 566 tỷ đồng trong năm.

Năm qua, Hùng Vương cũng đã chi tới 625 tỷ đồng vào chi phí hoạt động tài chính nhưng chỉ thu về gần 100 tỷ đồng doanh thu, mà chủ yếu là các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia.

Tác giả: Hoàng Thanh

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP