Nhân ái

“Chị không muốn chết, con trai chị còn nhỏ dại lắm!”

35 tuổi, chị kết hôn với một người cùng cảnh ngộ, thế nhưng ngày chị có thai đứa con đầu lòng, người đàn ông đó dứt áo ra đi. Một mình nuôi con trong khốn khó, tai ương bỗng ập đến với người phụ nữ bất hạnh khi phát hiện mình bị ung thư. Sự sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, thương con còn nhỏ dại, người mẹ nghèo chỉ biết cầu mong một điều may mắn đến với mình.

“Chị không muốn chết, con trai chị còn nhỏ lắm ! Nhưng nếu chị đi chữa bệnh thì phải bán đi mảnh đất với căn nhà, sau này cháu lấy đâu chỗ mà ở, lấy đất đâu mà làm ăn”, chị Nguyễn Thị Phúc (SN 1969, trú thôn Mỹ Hòa, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil) mở đầu câu chuyện khi nói về những trăn trở cuối đời.

Trong căn nhà cấp bốn nằm ở cuối thôn Mỹ Hòa, chị Phúc nằm bất thần trên chiếc giường mới sập, người co rúm lại vì căn bệnh ung thư bạch cầu cấp dạng tủy hành hạ. Hai tháng trước, từ một người phụ nữ khỏe mạnh, chị suy sụp rồi gầy rộc người đi khi phát hiện ra căn bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Chị Phúc nức nở khi kể về cuộc đời mình

Ngồi lặng lẽ kể về cuộc đời mình, chị Phúc tâm sự, chị quê ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Do hoàn cảnh khó khăn nên chị phải vào Đắk Mil làm thuê kiếm sống. Năm 35 tuổi, chị dành dụm được tiền mua một mảnh đất nhỏ để dựng nhà. Cũng thời gian này, chị kết hôn với người đàn ông nghèo khó cùng cảnh ngộ, với hy vọng có một mái ấm gia đình. Nhưng đến khi chị mang thai và chuẩn bị sinh con thì người đàn ông ấy dứt áo ra đi, để lại chị bơ vơ với cuộc sống khó khăn.

Từ một người mạnh mẽ, trụ cột của gia đình, chị suy sụp và lo sợ vì căn bệnh ung thư

“Ngày chị đi sinh, trong nhà không có lấy một đồng, thậm chí một hạt gạo nấu cháo cho hai mẹ con cũng không có. Chị và cháu sống được đến từng giờ là nhờ sự đùm bọc của bà con xóm làng, mỗi người cho một ít. Được một tháng, chị phải gửi con cho một sản phụ khác trong xã trông hộ với giá 5000 đồng/ ngày rồi đi làm thuê. Cứ thế mà hai mẹ con rau cháo nuôi nhau 14 năm nay”.

Nói đoạn, chị Phúc bật khóc khi nhớ về quãng thời gian vừa qua. Chị nức nở: “Thằng Kỳ (con trai của chị Phúc) là động lực duy nhất giúp chị sống đến giờ. Chị cố gắng làm thuê làm mướn cho cháu được đi học, có quần áo mới, sách vở mới như con nhà người ta rồi cố gắng bù đắp tình cảm của một người cha”.

Hai tháng nay, chị không thể đi làm, chỉ sống nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm

Thế nhưng, hai tháng trước, khi đang cùng một người bạn nhận làm cỏ thuê, chị bỗng nhiên ngất lịm rồi được đưa vào bệnh viện. Phải chuyển đến 3 cấp, chị mới biết được căn bệnh của mình đã ở giai đoạn cuối.

“Từ đầu năm, chị đau ốm suốt, có đi làm được gì đâu. Hồi tháng 5, chị với một người khác nhận khoán cho người ta nên chị ráng đi làm để có tiền cho con mua sắm đầu năm học. Thế nhưng làm được 2 buổi, thì chị phát bệnh, bệnh viện huyện chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi chuyển xuống TP.HCM. Sau khi lấy tủy hóa học, các bác sĩ bảo chị bị ung thư, căn bệnh đã ở giai đoạn cuối, nếu không xạ trị thì chỉ sống được 6 tháng”.

Nhận được kết quả, chị Phúc như ngã quỵ vì thời gian sống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. 6 ngày nằm viện, 6 ngày tự lo liệu, chăm sóc bản thân và suy nghĩ về con đường phía trước là những ngày chị không thể quên.

Thế nhưng, chị nhất quyết giữ lại căn nhà với mong muốn con trai có nơi để ở


“Hôm bác sĩ gọi chị lên để thông báo kết quả xét nghiệm, bác sĩ yêu cầu phải có người thân đi cùng, nhưng con trai chị còn nhỏ quá, bác sĩ không đồng ý thông báo cho. Chị kể hết hoàn cảnh của mình cho họ, chị bảo chị sống được ngày nào hay ngày đó chứ nhất quyết chị không bán đất, bán nhà để chữa trị. Chị chết thì thằng Kỳ vẫn còn đất, còn nhà để ở chứ bán đi thì nó sống sao. Nghe xong, bác sĩ cũng khóc, khuyên chị về ăn uống điều độ rồi hàng tháng xuống truyền máu”, chị Phúc kể lại.

Dù sợ hãi vì cái chết cận kề, chị vẫn quyết định về nhà sống cùng con trong những tháng ngày còn lại. Ước muốn cuối cùng của người mẹ đáng thương ấy là để dành miếng đất- tài sản duy nhất mà chị có cho đứa con của mình.

Ước mơ lớn nhất của chị hiện tại là ai đó có thể cưu mang con trai mình


“Chị chỉ sợ, chị mất đi mà con chị còn dại dột, không ai dạy dỗ, kèm cặp thì lại khổ cả đời con. Giá như ông trời thương chị, cho chị sống thêm mấy năm nữa, để con chị biết suy nghĩ thì chị chết cũng được. Anh em họ hàng đều nghèo khó cả, không ai đủ điều kiện cưu mang cháu nên chị nhất định giữ lại miếng đất này, sau này con trưởng thành thì dựa vào đó mà làm ăn”, chị Phúc trăn trở những ngày cuối đời.

… và có một chiếc xe đạp mới để con không phải đi bộ đi học

14 tuổi, đang ở cái tuổi ăn tuổi học nhưng trải qua những biến cố trong cuộc đời đã khiến cho Nguyễn Văn Kỳ lớn hơn nhiều so với tuổi của mình. Cậu bé hàng ngày vừa chăm sóc mẹ đau ốm, vừa phải đi làm thuê để kiếm sống, cũng bởi thế Kỳ trầm tính hơn, ít thổ lộ tình cảm và sống khép mình với mọi người. Hơn ai hết em hiểu được giá trị của từng ngày trôi qua, đó là những ngày ngắn ngủi mẹ còn sống bên cạnh mình.

“Con muốn sống với mẹ !”, đó là nỗi lòng của cậu bé 14 tuổi đang sắp phải xa mẹ của mình. Kỳ đã viết điều mong ước ấy lên tường nhà, viết trong sách, trong vở…. viết lên bất cứ nơi đâu như một lời cầu nguyện phép nhiệm màu sẽ xuất hiện để giúp cho mẹ em vượt qua bệnh tật, để tiếp tục được sống với mẹ.

Những lời nhắn nhủ của Kỳ đến với mẹ

Sắp đến ngày tựu trường, nằm một chỗ nhìn con phải chạy vạy khắp nơi làm thuê, vay mượn mua sách vở mới, lòng chị đau như cắt. Kết thúc câu chuyện, người mẹ nghèo nói trong nước mắt: “Đến giờ chị chẳng mong ước gì nhiều, chị chỉ mong có đủ tiền mua cho cháu chiếc xe đạp mới để cháu khỏi phải đi bộ đến trường. Mai này chị mất, ai đó rộng lòng thương mà cưu mang lấy con trai chị, chị nhắm mắt cũng an lòng”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3041: Chị Nguyễn Thị Phúc (trú thôn Mỹ Hòa, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông)

Số ĐT chị Phúc: 0966.385.591

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP