Tin láng giềng

Chết oan vì uống thuốc nam chữa bệnh dại

Tại Nghệ An và Thanh Hóa liên tiếp xảy ra các vụ chó dại cắn nhiều người nhưng phần đông nạn nhân lại tìm đến các thầy lang cắt thuốc nam phòng bệnh và ít nhất 3 người đã tử vong do phát bệnh dại.

Chị Nguyễn Thị Giang hối hận vì không đưa con trai đi tiêm phòng dại. Ảnh Phan Ngọc

Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Giang (ngụ tại xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai, H.Thanh Chương, Nghệ An) day dứt, ân hận về cái chết đớn đau của đứa con trai 5 tuổi Lê Việt Hoàng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Giang gạt nước mắt nhớ lại, ngày 17.1, cháu Hoàng sang nhà bà nội chơi, bị con chó lao ra cắn. Con chó này sau đó cắn thêm một số người khác trong xóm. “Gia đình định đưa cháu đi tiêm phòng dại nhưng nhiều người khuyên tiêm phòng sẽ ảnh hưởng đến trí não và mách có thầy lang ở TX.Cửa Lò (Nghệ An) chuyên chữa bệnh dại rất hiệu quả nên chúng tôi đưa cháu đến chữa trị”, chị Giang kể.

Theo chị Giang, cháu Hoàng được thầy lang bôi một loại thuốc bột, rồi dùng lá trầu không sát lên lưng. Thấy lưng cháu Hoàng xuất hiện nhiều vết đỏ, thầy lang “phán” cháu bị nhiễm vi rút dại và thu 50.000 đồng tiền khám. Sợ tiêm phòng sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ của con, nên chị Giang mua 300.000 đồng thuốc nam về cho Hoàng uống. Ngày 19.3, cháu Hoàng phát bệnh, được đưa vào viện nhưng đã quá muộn.

Tại Thanh Hóa, từ cuối tháng 2 đến nay đã có 2 ca tử vong vì bệnh dại. Nạn nhân là cháu Ly Văn Xuân (11 tuổi, ngụ tại xã Mường Chanh, H.Mường Lát) và chị chị Đinh Thị Thương (33 tuổi, ngụ tại xã Xuân Du, H.Như Thanh). Cả cháu Xuân và chị Thương sau khi bị chó cắn đã không đi tiêm phòng mà đến khám tại nhà thầy lang, rồi mua thuốc nam về uống.

Ngoài cháu Xuân và chị Thương, những con chó mang bệnh dại cũng đã cắn nhiều người khác ở địa phương. Tuy nhiên, những người bị chó cắn đều đi khám thầy lang, mãi khi có người tử vong vì bệnh dại mới đi tiêm phòng.

Tiêm phòng sau khi bị chó cắn

Ông Hà Quang Nam, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã có 53 người bị chó cắn nhưng chỉ có 17 người đi tiêm phòng, số còn lại chủ yếu mua thuốc nam về uống. Theo ông Nam, sau khi cháu Hoàng tử vong, chính quyền đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng H.Thanh Chương tuyên truyền, khuyến cáo bà con nên đi tiêm vắc xin phòng dại, đồng thời tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, tiêu diệt những con chó mắc bệnh dại.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 8.000 người nghi bị chó dại cắn phải tiêm phòng. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, các cơ sở y tế đã tiêm phòng cho hơn 1.700 người bị chó cắn, nhưng vẫn còn nhiều người bị chó cắn không đi tiêm phòng.

Theo ông Ngư, ở nhiều nơi, người dân vẫn tin dùng các bài thuốc nam, thậm chí một phụ nữ mang thai đang công tác Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) khi bị chó dại cắn cũng tìm đến thầy lang khám, điều trị. Chỉ khi bệnh phát, không thể cứu vãn được, những người bị chó dại cắn mới được đưa tới các cơ sở y tế điều trị.

“Chúng tôi đang chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân khi bị chó dại cắn phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, tiêm phòng và điều trị kịp thời”, ông Ngư nói.

Tác giả: Phan Ngọc – Minh Hải

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP