Cẩm Xuyên

Chế phẩm giúp biến chất thải thành phân hữu cơ

Nhà máy sản xuất phân bón từ chất thải ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là cơ sở đầu tiên sử dụng chế phẩm Sagi Bio của PGS-TS Tăng Thị Chính để xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp ủ đống có đảo trộn do vi sinh vật tự nhiên phân hủy.

Phó Giáo sư – tiến sỹ Tăng Thị Chính (thứ ba từ trái qua) cùng đoàn công tác Bộ Khoa học và Công nghệ thăm cánh đồng rau bón phân hữu cơ chế biến từ rác ở Hà Tĩnh.
Ảnh: Hoàng Anh

Trong chế phẩm này, TS Chính sử dụng các chủng vi khuẩn bacillus, xạ khuẩn streptomyces chịu nhiệt và ưa nhiệt sinh tổng hợp mạnh các enzym ngoại bào (xenlulaza, amylaza và proteinaza). Nó có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình phân huỷ chất thải hữu cơ như rác thải sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân gia súc, gia cầm, than bùn…

“Rác thải sinh hoạt được thu gom trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên, sau đó đưa các chế phẩm vi sinh vật vào quá trình xử lý. Các chất thải hữu cơ dễ phân hủy được tách lọc từ dây chuyền phân loại, đưa sang khu vực nhà ủ nóng bằng băng chuyền tự động” – TS Chính nói và cho biết, thực tế cho thấy chế phẩm sinh học đã giúp rút ngắn thời gian xử lý khoảng 20 ngày, lượng mùn hữu cơ thu được tăng 30-36%. Chất lượng mùn tốt hơn, tỷ lệ hữu cơ tăng khoảng 5%, hàm lượng nitơ dễ tiêu tăng 11,2%, phốtpho dễ tiêu tăng 17%, axít humic tăng 40%. Mùn hữu cơ thu được từ quá trình xử lý trên hoàn toàn có thể sử dụng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh.

Theo TS Chính, xu hướng xử lý, tái chế thành phần hữu cơ trong chất thải rắn sinh hoạt thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp đã và đang được nhiều địa phương đầu tư. Đây là một hướng xử lý rác thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa lượng chất thải phải đem chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Phượng Hằng/Theo Khoa học & phát triển

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP