Kinh tế

Chàng trưởng phòng bỏ lương 20 triệu đồng/tháng về quê…nuôi dế

Tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, thăng trầm hơn hơn 5 năm ở mảnh đất Sài Gòn, anh Phạm Duy Phong (SN 1984, trú tại 206 Trần Phú, Đăk Đoa, Gia Lai) được làm trưởng phòng của một công ty nước ngoài với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Nhưng với mong ước được trở về và làm giàu trên chính quê hương mình, anh Phong đã không ngần ngại từ bỏ để trở về…nuôi dế.

Năm 1985, gia đình Phạm Duy Phong theo diện kinh tế mới vào Ayun Pa lập nghiệp. Miệt mài theo nghiệp bút nghiên với ước mơ làm giàu từ con chữ, Phong chọn cho mình ngành Quản trị Kinh doanh trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh. Ra trường từ năm 2005, anh lại theo đuổi công việc tại một công ty nước ngoài với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng.

Anh Phong bên trang trại dế đã cho thu hoạch

Thu nhập cao là mơ ước của nhiều người nhưng điều đó dường như không làm anh hài lòng khi mà mọi chi phí cho sinh hoạt tại thành phố lớn đều đắt đỏ, công việc bó buộc cuộc sống trong một guồng quay nhất định. Thêm vào đó, sau khi cưới vợ, công việc đòi hỏi anh phải xa cách gia đình càng khiến anh nung nấu ý định về quê khởi nghiệp.

Từ năm 2011, Phạm Duy Phong trở về quê hương Gia Lai và bắt đầu nghiên cứu cho mình con đường mới để khởi nghiệp. Anh đã mày mò tìm hiểu thông tin trên mạng truy cập mạng, trăn trở tìm kiếm con đường phù hợp với tình hình thực tế của bản thân. Sau một thời gian nghiên cứu anh nhận thấy mô hình nuôi dế Thái có vẻ thích hợp và đây là một con vật còn khá mới mẻ trên đất Gia Lai nên anh đã mạnh dạn đầu tư.

Bước đầu, khi chưa nắm bắt đặc điểm khí hậu vùng Gia Lai, kỹ thuật chăm sóc, Phong đã không ít lần gặp thất bại. Có lúc anh Phong đã bị thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng khiến gia đình nghi ngờ, không ủng hộ về hướng làm giàu của anh.

Không mất ý chí sau thất bại, anh đã tự cải thiện tình trạng bằng cách tiến hành học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ cộng đồng mạng và những người thành công đi trước. Dần dần, anh đã có được kết quả chăn nuôi như ý. Đến nay, trang trại dế của Phạm Duy Phong đã trở thành một trong những trang trại lớn của tỉnh Gia Lai với diện tích hơn 200m2 chuồng trại cùng hệ thống làm mát, ánh sáng phù hợp với điều kiện sinh trưởng của dế.

Anh vừa nuôi dế, vừa cung cấp giống cho bà con trên địa bàn

Theo tính toán sơ bộ, mỗi năm trại dế của anh Phong xuất bán khoảng 600 thùng dế thành phẩm, mỗi thùng dế có giá khoảng 1 triệu đồng, trừ chi phí cho mỗi thùng dế sau khi xuất khoảng 30%, như vậy bình quân mỗi năm trại dế đã mang về cho anh nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Theo anh Phong, ban đầu, chỉ cần khoảng vài triệu đồng tiền vốn đầu tư mua con giống và dụng cụ nuôi dế. Sau đó, người nuôi sẽ tự tạo giống bằng cách cho dế đẻ trứng và để trứng tự nở. Anh Phong không ngần ngại chia sẻ: “Dế Thái rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn có thể tận dụng được ngay trong vườn nhà hoặc mua thì cũng giá rất rẻ vì dế chỉ ăn cám gạo, cám bắp và các loại rau.

Tuy nhiên, để dế phát triển tốt, ngoài việc tạo ra môi trường nuôi gần giống với tự nhiên thì cần phải đa dạng hóa nguồn thức ăn (chủ yếu là rau, cỏ). Sau khi tách đàn, mật độ dế nuôi trong chuồng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình tăng trọng của từng loại.

Với sự kỳ công ấy, dế phát triển nhanh và ít bị nhiễm bệnh… thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ cần 2 tháng là có thể cho xuất chuồng, trừ những lúc thời tiết biến đổi đột ngột…”.

Phạm Duy Phong sau khi bỏ việc ở Sài Gòn về, anh đã xin làm nhân viên của một công ty xe máy (chi nhánh Đăk Đoa). Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của anh vẫn là từ việc mở trang trại nuôi dế. Hiện nay, trại dế Duy Phong của anh vẫn cung ứng con giống cho cả nước. Ngoài ra, anh còn bao tiêu sản phẩm, giúp người nuôi dế trên địa bàn tỉnh có đầu ra cũng như làm công tác hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con, nếu muốn.

Phong tâm sự: “Nói thật, từ khi bắt đầu bỏ việc về nhà, đồng lương không đủ chi tiêu cho gia đình, mọi khó khăn cứ theo đó ập đến. Song, bản thân mình có bàn tay và khối óc, không sợ khó khổ cũng không sợ thất bại, chỉ ngại một điều là không can đảm bước qua thất bại để làm lại.

Mình nhận định thế, cho nên, sau khi kinh qua thất bại, mình vẫn cứ vững vàng, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, xem thất bại làm bàn đạp, làm kinh nghiện để đi đến thành công. Và…mình đã làm được điều này. Khởi nghiệp từ chính quê hương, không gì là không thể?”

Tác giả: Phạm Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP