Cộng đồng mạng

Chàng trai 26 tuổi đi ăn cưới, chuẩn bị sẵn túi nylon để lấy phần, mang đồ dư về có phải là tham lam?

Chuyện chàng trai 9X chuẩn bị sẵn túi nylon để lấy đồ ăn thừa khi dự tiệc cưới khiến dân mạng nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội. Nhiều bạn trẻ cho biết, trân quý đồ ăn là điều tốt nhưng nhiều khi, ở chỗ đông người mà xăm xoi lấy ít thức ăn lại thành ra vô duyên, không đáng mặt nam nhi.

Dân mạng “bút chiến” nảy lửa vì chuyện trai trẻ đi ăn cỗ cưới mà xăm xăm lấy phần mang về

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vì câu chuyện của một nam thanh niên 26 tuổi, khi dự tiệc cưới tranh thủ trút đồ ăn thừa vào túi nilon mang về. Việc lấy phần cũng được thực hiện khá kín kẽ khi cậu bạn ngồi đến cuối buổi tiệc, chờ người ta đứng dậy rồi mới lấy một món trút vào túi nilon.

“Thấy bàn bên cạnh thừa nguyên mâm cỗ, bèn lấy về bàn mình, rồi dùng túi nilon gói lại. Mấy người bên nấu tiệc ngồi ở bàn đấy thấy vậy cũng không nói gì, nhưng được 1 lúc thì họ qua xin lại cái túi nilon đựng thức ăn thừa. Anh kia cũng vui vẻ đưa lại, nhưng mình thấy kì quá”.

Chia sẻ của chàng trai 26 tuổi nhận được nhiều sự quan tâm.

“Anh kia” trong câu chuyện cũng chính là chủ nhân đoạn post. Theo cậu, vì bị xin lại bịch thức ăn nên thấy mình hơi quê và sợ mọi người cười chê mình. “Mình rất quý trọng những gì đang có và thấy đồ ăn thừa mứa nên không đành lòng. Tuy nhiên, vẫn thấy mình hơi vô duyên khi qua cái bàn dư nguyên bên kia lấy 1 món về“.

Đội ngũ nấu tiệc cưới cho biết, nếu bàn nào dư nguyên sẽ phải đưa lại cho nhà chủ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nam thanh niên vẫn cho rằng, cách làm như vậy là “tham quá” và lên mạng, nhờ cộng đồng phân xử giùm. Nam thanh niên thuật lại đầu đuôi cũng vì mong mọi người sẽ nhận định giúp mình, hành vi của cậu và đội nấu tiệc, ai đúng ai sai?

Ngay khi nhận được “lời cầu cứu”, dân mạng đã lập tức ra tay và chẳng mấy chốc, một cuộc “bút chiến” nảy lửa đã diễn ra. Một số người bênh vực cậu và phê phán cách làm của những người nấu cỗ. Tuy nhiên, hầu hết đều lên tiếng phản đối cách làm của chàng trai.

“Mâm dư nguyên, món chưa đụng đũa người ta muốn thu lại cho gia chủ tiết kiệm chi phí chứ có gì đâu. Bạn có lấy thì lấy ở chỗ ăn dở rồi chứ ai đi sang bàn thừa nguyên bê đồ ăn về“, nickname T.T nói.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, mâm cỗ còn nguyên có thể là mâm “sơ cua” dành cho người nhà hoặc phụ đám. Vì thế, nếu anh chàng lấy thức ăn ở đây thì quả là hành động vô duyên.

“Hình như không ai để ý là anh ấy bảo lấy thức ăn ở bàn bên, mà bàn còn nguyên đồ, chưa ai ngồi. Thế chứng tỏ anh ấy không lấy đồ thừa, mà là lấy đồ sơ cua của gia đình làm đám”, nickname T.P nói.

“Nghe bạn kể, cũng biết bạn là người tiết kiệm. Tiết kiệm là tốt cơ mà mình vẫn thấy con trai đi tiệc, xăm xăm lấy đồ dư mang về kỳ lắm. Với lại theo lời bạn kể thì đồ ăn thừa tiệc cưới họ cũng đâu có bỏ phí, chẳng qua chỉ là muốn tiết kiệm cho gia chủ khi mà người ta tổ chức tiệc tùng, phải chi phí rất nhiều thôi“, nickname T.K chia sẻ.

Cười ra nước mắt với 1.001 tình huống đi ăn cỗ lấy phần đem về của giới trẻ thành phố

Chuyện ăn cỗ lấy phần thực ra không mới lạ. Ở đây, chúng ta không bàn đến tục lệ ở một số miền quê bởi người viết hiểu rõ, ở một số vùng vẫn còn tục lệ ăn cỗ lấy phần và trong một chừng mực nào đó, với quan niệm của họ, điều đó hoàn toàn chấp nhận được.

Thế nhưng, từ câu chuyện chàng trai trẻ ở thành thị đi ăn còn lấy phần đem thậm chí còn lấy ở cả mâm cỗ người ta chưa dùng đến thì quả là có nhiều điều đáng nói. Nhân câu chuyện của chàng trai 26 tuổi ấy, chúng tôi cũng được nghe thêm rất nhiều tình huống bi hài về chuyện ăn cỗ lấy phần.

Nhiều người thấy mâm cỗ còn nguyên đã xăm xăm lấy phần. Ảnh minh họa.

Hầu hết mọi người đều cho rằng, ở các thành phố lớn, khi tổ chức đám cưới, số mâm cỗ được viết thành hợp đồng giao nhận rất chi tiết, chặt chẽ đi kèm các điều kiện như thừa cỗ thì nhà bếp phải trả lại đầy đủ cho gia chủ. Vì vậy, hành động gói thức ăn thừa mang về với lý do tiếc đồ ăn thừa của một số người hoàn toàn không phù hợp.

Chị Hà (kế toán) kể lại, cách đây không lâu, trong một lần đi ăn cưới đồng nghiệp được tổ chức ở nhà hàng nổi tiếng tại Hà Nội, chị đã được chứng kiến một tình huống khá bi hài. Chuyện là khi nhiều người vẫn còn đang ăn, một nhân viên nhỏ tuổi dự tiệc cùng đã vội vàng hỏi phục vụ cho xin cái túi bóng để đựng thức ăn thừa mang về”.

“Bọn chị ngạc nhiên lắm và hỏi lại mọi người còn đang ăn sao em lại lấy đồ mang về? Cô ấy trả lời vì nhìn thấy có người đã ăn tráng miệng nên nghĩ tiệc sắp tàn và nói mang thức ăn dư về để “tối về em ăn, đỡ phải nấu cơm”.

Ở công ty chị Hà, chẳng ai đồng tình với cách lý giải của cô nhân viên mới vào. Họ cho rằng, thức ăn dư thừa sẽ được đội nấu tiệc gom lại cho gia chủ, chẳng hề lãng phí. Có gia đình sau tiệc chính ở nhà hàng sẽ tổ chức thêm bữa ăn ở gia đình, mời anh em, bạn bè thân cận. Vì thế, thức ăn dư sẽ giúp họ tiết kiệm được nhiều chi phí.

“Đồng nghiệp bàn tán nhiều vì thấy cô ấy vô duyên quá. Chẳng hiểu có phải cô bé nghe được điều gì không mà ít ngày sau nghỉ việc. Kể ra cũng tội nghiệp, đúng là chuyện cười ra nước mắt vì một buổi đi ăn tiệc“, chị Hà nói thêm.

Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi tổ chức đám cưới, gia đình nào cũng cố gắng dự kiến số lượng khách có mặt nên việc thừa lại 2-3 mâm có thể là phần giành cho người nhà và tuyệt nhiên, không nên có chuyện lấy phần ở đó giống như chàng thanh niên nọ.

Anh Lâm (kinh doanh) kể lại, năm kia anh lấy vợ, đã tính toán làm thừa 4 mâm cho những người phụ đám và khách ở xa không chắc sẽ tham dự, nhưng ai ngờ vẫn thiếu. Không phải vì khách đến đông hơn dự tính, mà vì có những người đã ăn cỗ xong rồi, thấy mâm bên cạnh còn nguyên lại nghĩ anh bỏ thừa nên họ lấy túi bóng gói đồ về.

Anh Lâm cũng cho rằng chuyện ăn cỗ lấy phần có thể xuất phát từ tâm lý “tôi bỏ tiền ra nên tôi lấy thức ăn thừa về cũng chẳng sao, với cả tôi làm thế là tiết kiệm, không lãng phí đồ ăn”.

“Thế nhưng mọi người nên nghĩ mình chỉ là khách đến dự đám cưới thôi nên dù có thừa thì đấy cũng là việc của gia chủ, không nên lấy lý do tiết kiệm để mang về làm của mình. Tất cả các đám cưới bây giờ đều có hợp đồng giao nhận cỗ rõ ràng, cỗ thừa sẽ được trả lại cho gia chủ để họ đem về ăn hay cho ai là việc của họ”, anh Lâm nói.

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: saostar.vn

  Từ khóa: xôn xao , đi ăn cưới , phong tục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP