Thể thao

Cầu thủ Việt muốn có Hiệp hội cầu thủ

Và mong muốn có Hiệp hội cầu thủ của các cầu thủ Việt càng lớn hơn sau chuyện tiền vệ Bùi Trần Vũ suýt bị CLB Sài Gòn thanh lý hợp đồng ngay trước thềm V-League 2018.

Bùi Trần Vũ trên sân tập cùng CLB Sài Gòn chiều 22-2. Ảnh: N.K

Đây thật ra là câu chuyện không mới về cách hành xử không giống ai của các ông chủ CLB ở VN. Trước đó, nhiều cầu thủ đã tỏ thái độ bất bình về việc thủ môn Nguyễn Minh Nhựt và hậu vệ Huỳnh Quang Thanh của CLB Long An bị kỷ luật cấm thi đấu hai năm sau sự cố trên sân Thống Nhất ở vòng 6 V-League 2017 với CLB TP.HCM.

Họ bất bình vì các đồng nghiệp của mình nhận án phạt quá nặng trong khi trách nhiệm của những quan chức cao cấp của VPF và VFF có mặt trên sân Thống Nhất hôm ấy lại không được đề cập. Những điều này càng thôi thúc các cầu thủ Việt mong muốn cần phải có một hiệp hội nghề nghiệp của các cầu thủ để lên tiếng và bảo vệ cho mình khi có sự cố xảy ra.

Khi án phạt của ban kỷ luật VFF đưa ra cho thủ môn Minh Nhựt và hậu vệ Quang Thanh, tiền vệ Lê Quốc Phương (FLC Thanh Hóa) đã có một cái nhìn thẳng thắn trên Facebook của mình: "Theo tôi, VN nên có một hiệp hội bảo vệ cầu thủ, để phân tích đúng sai như thế nào, sai đến đâu, phạt ra sao. Chứ bây giờ mỗi khi cầu thủ sai như thế nào thì phạt một trận cũng đúng, cả mùa cũng chuẩn, mà giải nghệ cũng phải chịu. Tại sao lại như vậy? Ở một nơi mà ai cũng biết là khu vực trũng của nền bóng đá thế giới thì đá bóng không chỉ là đam mê mà còn là cuộc sống, với nhiều người còn là sinh tồn. Đa số cầu thủ VN đều xuất thân từ gia đình vất vả, thì có phạt hay thế nào cũng nên có một tí gọi là tình người. Có tính răn đe nhưng cũng nên để người ta phục chứ không phải kiểu phạt nghiêm người này để người khác sợ”.

Status của Quốc Phương khi đó đã nhận được khá nhiều sự đồng cảm và đồng tình từ chính giới cầu thủ. Đặc biệt là những cầu thủ đã và đang khoác áo đội tuyển quốc gia như Hoàng Thịnh, Quốc Long, Hải Huy, Mai Tiến Thành, Việt Thắng, Lê Sỹ Mạnh... Cựu HLV trưởng đội tuyển VN Nguyễn Hữu Thắng trong dịp trò chuyện cùng các học trò trong quá trình chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2016 cũng từng đề cập chuyện VN nên thành lập Hiệp hội cầu thủ để khi cần có thể lên tiếng về những gì thuộc về quyền lợi của mình. Nhưng tất cả cũng chỉ là ý tưởng.

Năm 2007, chuyên gia Vũ Mạnh Hải đã soạn thảo xong điều lệ thành lập Hiệp hội cầu thủ bóng đá VN và nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới cầu thủ. Ông Hải chia sẻ: “Chuyện thành lập Hiệp hội cầu thủ VN lẽ ra VFF phải quan tâm từ khi bắt đầu làm bóng đá chuyên nghiệp vào năm 2000. Năm 2008, tôi đã thành lập được ban vận động thành lập Hiệp hội cầu thủ VN với sự tham gia của nhiều cựu cầu thủ. Nhưng rất tiếc là lãnh đạo VFF khi đó lại không ủng hộ. Họ lo ngại khi Hiệp hội cầu thủ VN ra đời, theo đúng thông lệ quốc tế là hoạt động độc lập với VFF thì sẽ xảy ra mâu thuẫn do bảo vệ quyền lợi chính đáng của cầu thủ”.

Sau khi thụ án phạt cấm thi đấu một năm, thủ môn Nguyễn Minh Nhựt và hậu vệ Huỳnh Quang Thanh hiện đang rất hi vọng VFF xóa án để kịp có thể thi đấu ở mùa giải 2018. Thủ môn Minh Nhựt bày tỏ: “Qua sự việc của tôi cũng như nhiều cầu thủ khác, chúng tôi thấy sự cần thiết phải ra đời của hiệp hội cầu thủ. Nếu có hiệp hội bảo vệ, chúng tôi đã không phải nhận án phạt nặng như thế”. Tương tự, hậu vệ Quang Thanh cũng chia sẻ: “Sự ra đời của Hiệp hội cầu thủ VN là cần thiết vì nó có lợi cho các cầu thủ. Chúng tôi không thể đứng ra tranh đấu cho mình khi có chuyện xảy ra. Trong khi đó, lãnh đạo ở trên cứ mạnh tay xử mà không đứng trên quyền lợi của cầu thủ để thấy án phạt mà mình đưa ra liệu có hợp lý”.

Tiền đạo Văn Quyết (Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng tình về việc bóng đá VN cần phải có Hiệp hội cầu thủ. Anh nói: "Ở nước ngoài, hiệp hội cầu thủ đều lên tiếng và bảo vệ cầu thủ rất tốt khi bị HLV hay CLB đối xử bất công, hoặc về một án phạt không hợp lý. Do đó, tôi cũng muốn bóng đá VN cần phải có Hiệp hội cầu thủ để khi cần có thể lên tiếng nói giúp các cầu thủ với ban tổ chức giải, với VFF để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cầu thủ".

Sức mạnh của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp

Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp có mặt ở bóng đá của nhiều quốc gia. Quản lý hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp các nước sẽ là Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro). Đây là những phản ứng của hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp các nước trong lên tiếng hậu thuẫn hay bảo vệ cho cầu thủ.

Indonesia là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có Hiệp hội cầu thủ nhà nghề (APPI, do cựu tuyển thủ Astaman làm chủ tịch) và được FIFPro công nhận. APPI từng hậu thuẫn cho cựu danh thủ Kurniawan Yulianto ra ứng cử ghế chủ tịch LĐBĐ Indonesia hồi tháng 10-2016.

Tháng 8-2016, FIFPro từng lên tiếng "dọa" HLV Jose Mourinho (M.U) có thể phải ngồi tù 3 năm do cố tình gây sức ép khiến tiền vệ Bastian Schweinsteiger phải chán nản khi đưa anh xuống tập ở đội U-23 của CLB. Luật sư và là thành viên ban lãnh đạo FIFPro - ông Dejan Stefanovic khi đó đã nói rằng Schweinsteiger nên nộp đơn khiếu nại lên FIFPro vì tội ngược đãi và ông sẽ tìm hình phạt cho Mourinho.

Tháng 4-2012, chủ tịch Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Ý (AIC) Damiano Tomassi tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp để thảo luận về việc kiểm tra sức khỏe cho các cầu thủ có vấn đề về bệnh tim sau khi cầu thủ 25 tuổi Piermario Morosini gục ngã và đã chết trong trận đấu giữa Pescara và Livorno ở Serie B.

Tác giả: NGUYÊN KHÔI

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP