Nhân ái

Cậu bé đánh giày kiếm tiền chạy thận chỉ thèm đón Tết cùng bố mẹ

Mang trong mình bệnh suy thận giai đoạn cuối, em Nguyễn Như Tuấn Đức tự biết rằng, bất cứ lúc nào mình cũng có thể ra đi. Thương bố mẹ nghèo khó, em đã trở thành “cậu bé đánh giày”.

Nguyễn Như Tuấn Đức cùng mẹ trong căn phòng trọ ở ngõ 121, Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Ảnh: B.Loan

Đánh giày để “chống chọi” với bạo bệnh

Em Nguyễn Như Tuấn Đức (SN 1993) đã ở trọ trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) gần 7 năm nay để tiện cho việc điều trị bệnh. Em chọn cho mình công việc đánh giày trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai để mưu sinh. Theo Đức, đánh giày trong khuôn viên bệnh viện cũng là tiện đôi đường, khi chẳng may bất ngờ phải nhập viện cấp cứu.

Sinh ra trong gia đình có 2 anh em ở xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, gia đình Đức cũng như bao gia đình khác trong khu vực, đều thuộc diện hộ nghèo. Bởi không có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống chỉ dựa vào cây lúa, hoa màu và chăn nuôi thêm cải thiện bữa ăn. Để có việc làm, người dân phải tìm ra thành phố hoặc xuống Thủ đô Hà Nội. Nhưng bố của em đã chọn cho mình công việc nung gạch tại địa phương, mức thu nhập tính theo thành phẩm, không quá 120.000 đồng/ngày với mong muốn vừa đảm đương công việc gia đình, vừa có tiền hỗ trợ Đức chống chọi với bệnh tật.

Đức dáng người nhỏ thó, với chiều cao chỉ 1m40 và nặng chưa đầy 32kg, em rơm rớm nước mắt chia sẻ về cuộc sống gia đình và những ngày khốn khổ chống chọi với bạo bệnh. Bản thân em cũng “suy cùng lực kiệt” vì căn bệnh. Bởi khi mới chỉ 4 tuổi – cái tuổi tập ăn tập nói, em đã bắt đầu bị viêm cầu thận nhiễm mỡ. Em cũng làm bạn với bệnh viện từ đó, hết điều trị nội trú, lại ngoại trú đến uống thuốc Nam, thuốc Bắc theo “rỉ tai”... Dù gia đình rất nhiều nỗ lực trong điều trị bệnh cho em nhưng thỉnh thoảng em lại bị phù người và phải uống thuốc lợi tiểu. Đức chia sẻ với giọng run run: “Em được đi học bình thường đến năm lớp 10 thì thấy đau 2 bên hông. Sự đau đớn tăng dần vượt quá sức chịu đựng, gia đình đưa lên bệnh viện tuyến huyện, rồi lên tuyến tỉnh. Kết quả em bị suy thận cấp độ 4 và bắt đầu phải lên bệnh viện Bạch Mai để chạy thận”.

Thời gian đầu, Đức phải chạy thận tuần/lần tại bệnh viện Bạch Mai, em được bố đi cùng khoảng 1 năm. Đức sụt sùi nhớ về những ngày phải ngủ ngoài hành lang bệnh viện, để chờ đến ngày hôm sau đón chuyến xe khách chạy về gần nhà. Nhận thấy quá vất vả và lao lực, em và gia đình đã xin bệnh viện cho chạy thận vào khung giờ trưa, từ 11h đến 14h30 chiều để tiện đón xe ca về trong ngày. Thế nhưng, với chút sức mọn còn có thể, em đã năn nỉ gia đình được ở lại Hà Nội để tiện cho việc “kéo dài sự sống”.

Cuộc sống ở vùng đất mới không hề đơn giản như những gì em nghĩ, khi nhiều khoản tiền phải chi trả như tiền nhà, tiền điện, nước, chi phí sinh hoạt ăn uống và mua thuốc hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ từ gia đình chỉ vỏn vẹn 500.000 đồng/tháng, trong khi em phải chạy thận 3 buổi/tuần. “Em chọn cho mình công việc đánh giày vì vừa nhẹ nhàng vừa được đi lại, nhưng công việc này cũng như đi câu cá, ngày nào may mắn thì được hơn 100.000 đồng, còn không, cũng chỉ đủ ăn trong ngày”, Đức buồn bã nói.

Vì khó khăn nên em được hưởng 100% bảo hiểm hộ nghèo cho chi phí chạy thận, thế nhưng, những khoản phí mua thuốc hỗ trợ như canxi, thuốc hỗ trợ hạ phốt pho, đạm thận Amomin để truyền... Đức phải chi trả hàng triệu đồng.

Đức chia sẻ: “Những ngày phải chạy thận, em chỉ tranh thủ kiếm thêm thu nhập vào buổi sáng, em phải nghỉ ngơi vì sau khi lọc thận, vết truyền sưng tấy, tay tê tái, em không thể cử động. Cơ thể suy yếu, hễ ăn uống không đầy đủ, em bắt đầu nôn mửa, vàng da, ăn ngủ kém. Những lúc như thế này, em chỉ mong mọi thứ đến với mình thuận lợi, từ công việc hàng ngày và những ca chạy thận”.

Chỉ thèm được... đón Tết ở nhà

Đức với công việc đánh giày để mưu sinh.

Cách đây một tuần, mẹ Đức là chị Nguyễn Thị Vân Anh (44 tuổi) phải tất tả vượt hàng trăm kilomet vào bệnh viện, khi nhận được tin con trai ho ra máu phải nhập viện. Chị Vân Anh nghẹn ngào: “Bệnh của Đức phải trường kỳ gắn mình với bệnh viện. Chạy thận lâu dài, giờ Đức đã chuyển biến suy tim cấp độ nhẹ. Rồi đôi mắt của Đức... nhìn được ngày nào hay ngày đó”...

Mới tranh thủ chăm sóc cậu con trai đầu lòng được ít ngày, chị Vân Anh “lòng nóng như lửa đốt” khi nhắc đến cậu con trai 5 tuổi đang theo học mẫu giáo ở nhà. Song với Đức, chị không khỏi giày vò bản thân, bởi “Gia đình bên nội không có ai bị căn bệnh này”. Và chị có niềm tin mãnh liệt rằng: “Đức bị như ngày hôm nay, không phải do di truyền”(?). Những câu hỏi tại sao con lâm vào cảnh trớ trêu cứ đày ải chị.

“Đã lâu, tôi không biết đến không khí gia đình đầm ấm, quây quần trong ngày Tết. Mấy năm nay, chỉ thắp hương 2 ngày Tết cho đủ lễ mọn, rồi vợ chồng tôi phải thay nhau xuống an ủi và chăm sóc con. Gia đình thèm lắm một mùa Tết đầy đủ thành viên trong nhà”. Còn Đức, nói đến Tết, em vội ngoảnh mặt ra xa, giọng nghẹn ứ: “Đã lâu lắm rồi em không được sum họp với gia đình, em thèm được đón Tết ở nhà với bố mẹ một lần thôi... Năm nay, lịch lọc thận của em vào đúng ngày Mồng 1 Tết, lại phải ở dưới này một mình... em buồn lắm”.

Có mặt ở phòng trọ của Đức cùng chúng tôi trong buổi chiều giữa Đông rét buốt còn có những tấm lòng nhân ái, đó là Nguyễn Khánh Huy (SN 1992, quê ở Hải Phòng) đã “tranh thủ” ngày nghỉ mang lên cho em vài cân gạo, với mong muốn động viên tinh thần em và gia đình. Huy chia sẻ: “Câu chuyện của Đức đã chạm đến trái tim tôi, khiến tôi không thể ngồi yên một chỗ. Mặc cho công việc cuối năm bận bịu, hôm nay đến với em, tôi muốn nói với em rằng: Sắp Tết rồi, trời lạnh nữa, cố lên em nhé...!”. Chia sẻ tâm tư với PV Báo Gia đình & Xã hội, Nguyễn Khánh Huy trải lòng rằng, Huy sẵn sàng đến với Đức bất cứ khi nào Đức cần. Bởi cuộc sống vốn không công bằng với em.

Đó còn là Nguyễn Đức Cường (SN 1994, quê ở Hà Tĩnh) đang theo học năm cuối Đại học Y Hà Nội, “Cường đến với Đức vì xưa kia, Cường đã vượt qua khó khăn bệnh tật từ những sẻ chia của cộng đồng. Là người theo học ngành Y nên tôi hiểu rõ về căn bệnh suy thận này. Tôi mong những điều tốt đẹp nhất đến với em và gia đình...”, Cường tâm niệm.

Mọi sự giúp đỡ, xin quý độc giả liên hệ trực tiếp qua số điện thoại của Nguyễn Như Tuấn Đức: 01673.464.986.

Tác giả: Bảo Loan

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP