Mời gọi đầu tư

Cảng Vũng Áng “oằn mình” phục vụ các dự án tỉ đô

Gần 17 tỉ USD đổ vào Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã cho thấy sức hút của khu kinh tế (KKT) này, nhưng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển lại không theo kịp tốc độ thu hút đầu tư.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa ở một khu vực của Vũng Áng: Ảnh: L.Bằng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, KKT Vũng Áng là một trong 5 KKT ven biển trọng điểm quốc gia. Đến thời điểm tháng 3-2014, đã có trên 220 doanh nghiệp được cấp giấy đăng kí kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng kí đầu tư gần 17 tỉ USD.

Thực tế, các dự án đầu tư vào Vũng Áng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Hình hài của một trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với các sản phẩm chủ lực là thép, điện và cụm cảng nước sâu cũng đang hình thành.

Đó là Khu liên hợp luyện thép 22 triệu tấn/năm; Trung tâm điện lực với công suất 6.900 MW, trong đó Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 1,7 tỉ USD do Tập đoàn Dầu khí đầu tư (đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12-2013); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1.200MW vốn đầu tư 2,4 tỉ USD (do Tập đoàn Mitsubisi Nhật Bản làm cổ đông chính sẽ khởi công quý I-2014); cụm 10 tổ máy của Tập đoàn Formosa đang tổ chức thi công. Cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương với 59 cầu cảng.

Đặc biệt dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10 tỉ USD đang là dự án FDI lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện nay. Hiện có hàng vạn chuyên gia, công nhân của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm việc tại KKT Vũng Áng.

Thế nhưng, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong 2 năm vừa qua, sản lượng hàng hóa qua 2 bến cảng Vũng Áng gia tăng đột biến, đặc biệt là hàng quá cảnh của Lào, hàng clinker của Quảng Bình và hàng thiết bị của dự án Formosa.

“Cảng Vũng Áng có 2 bến với tổng công suất thiết kế là 1,32 triệu tấn/năm. Năm 2012, sản lượng hàng thông qua cảng là 1,45 triệu tấn, vượt 9,8% so với công suất thiết kế. Nhưng đến 2013, sản lượng hàng thông qua cảng gần 2,7 triệu tấn, vượt hơn 2 lần công suất thiết kế” – theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Trong khi lượng hàng thông qua cảng tăng thì thiết bị làm hàng tại cảng lại thiếu về số lượng, yếu về công suất, cũ kĩ lạc hậu. Diện tích kho bãi chứa hàng chỉ đáp ứng được khoảng 1/3. Thực tế đó dẫn đến thực trạng là quá trình khai thác cảng thường xuyên bị quá tải, các tàu thường xuyên phải chờ đợi, kho bãi cảng không đủ tiếp nhận hàng.

Theo thống kê của Hà Tĩnh, lượt tàu đến cảng phải chờ đợi ngoài vùng neo để chờ vào cập cầu làm hàng chiếm hơn 80% (những tàu nào có thời gian chờ dưới 6 giờ được tính là không phải chờ). Cá biệt có những tàu phải chờ đến hơn 340 và 450 giờ.

Tổng thời gian các tàu phải chờ đợi vào cầu làm hàng lên đến 24.000 giờ, tương đương 1000 ngày. Do tình trạng quá tải nên nhiều chủ hàng và cả cảng liên tục bị phạt vì lí do tàu phải chờ tại vũng neo dài ngày, dẫn đến thời gian giải phóng hàng chậm…

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Theo kết quả khảo sát và dự báo, sản lượng hàng qua cảng Vũng Áng năm 2014 sẽ vượt trên 2 lần công suất thiết kế của cảng và đạt mức khoảng 3 lần vào năm 2015.

Trong cuộc làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam hồi cuối tháng 3-2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Cục này sớm cho đầu tư xây dựng và hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với các thông tin kế hoạch, đối tác… để đầu tư xây dựng Bến số 3 cảng Vũng Áng và các cầu cảng tiếp theo của Vũng Áng.

Ám ảnh lao động ngoại làm việc “chui”

Hiện nay có hàng vạn chuyên gia, công nhân của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm việc tại KKT Vũng Áng. Báo cáo của Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay người lao động nước ngoài sang làm việc tại Hà Tĩnh cho các Nhà thầu nhiều, việc quản lý và cấp giấy phép lao động còn bất cập. Lao động nhập cảnh vào Khu kinh tế Vũng Áng đang sử dụng hộ chiếu du lịch còn nhiều (Theo Quy định, lao động nhập cảnh vào Việt Nam dưới 3 tháng không phải cấp phép lao động, do vậy lao động nước ngoài lợi dụng, sử dụng hộ chiếu du lịch để không phải cấp phép).

Tháng 2-2014, Bộ Quốc phòng đã quyết định nâng cấp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng thành Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương. Đây là một trong 5 Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu trong cả nước. Việc thành lập Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng – Sơn Dương nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới biển đảo, công tác xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; đảm bảo ANTT… tại KKT Vũng Áng.

Ngày 10-3, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh ở Khu kinh tế Vũng Áng. Đoàn đã trực tiếp kiểm tra Khu nhiệt điện Vũng Áng 1, Tổng quan Nhà máy Gang thép Formosa, khu vực Đèo Con.

Lương Bằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP