Cang ca lau o tuyen phong thu Hon La: Chinh quyen 'that thu' truoc the luc giang ho? - Anh 1

Cảng lậu của Thịnh.

Cảng lậu trong khu vực phòng thủ

Khu kinh tế Hòn La (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) có vịnh Hòn La, là tuyến khu vực phòng thủ quan trọng. Đồn biên phòng Roòn đảm bảo an toàn tuyến biên phòng biển. Một đơn vị quân sự tỉnh đội Quảng Bình đóng chốt trên một trong những hòn đảo quanh vịnh.

Thế nhưng, cảng cá của Tưởng Văn Thịnh (SN 1984, trú thôn Thọ Sơn, Xã Quảng Đông) mọc lên một cách ngang nhiên, công khai khiến dư luận bức xúc. Một cán bộ của Ban quản lý Khu kinh tế Hòn La cho biết: “Tưởng Văn Thịnh cho xây cảng này chủ yếu vào ban đêm, lấy đất đá từ công trình làm đường gần đó rồi đổ lấn biển. Ban quản lý Khu kinh tế đã nhiều lần lập biên bản, mỗi lần như thế đều bị Tưởng nhắn tin dọa giết”. Người dân ở địa phương báo cáo công trình trái phép, gây ảnh hưởng đi lại trên mặt biển lại bị giang hồ bảo kê cảng lậu dọa sức ép lên vợ con, người thân.

Cách Thịnh xây cảng lậu là lì mặt, không chấp hành pháp luật, dùng xã hội đen xăm trổ dọa nạt bất cứ ai cản trở. Để chặn đứng cảng lậu trái phép này, Ban quản lý các khu kinh tế Quảng Bình đã chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Hòn La xây bức tường bịt lối ra cảng của Thịnh, công ty thi công nhiều lần thực thi đã bị xã hội đen vậy đánh, dùng dao kiếm rượt đuổi gây náo loạn khiến công ty này bỏ không thi công, từ đó Thịnh công nhiên chiếm một khu vực trong tuyến phòng thủ biển của Khu kinh tế Hòn La làm chốn riêng.

Cang ca lau o tuyen phong thu Hon La: Chinh quyen 'that thu' truoc the luc giang ho? - Anh 2

Ngang nhiên đấu nối cảng lậu với đường Khu kinh tế Hòn La.

Để vận hành cảng lậu Thịnh thuê những ngư dân gần bờ có thuyền máy loại nhỏ đi chèo kéo các tàu cá lớn đang đánh bắt trong vùng vào cảng lậu này nhập cá, sau đó cung cấp hậu cần nghề cá với giá mắc hơn thị trường. Nếu không theo lời, sẽ bị gây gỗ. Cá vào bán ở cảng Thịnh thường bị ép giá, mỗi tàu còn chịu 100.000 cái gọi là phí do Thịnh áp đặt. Cao điểm mỗi ngày có 500 tàu cá của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An cập cảng lậu của Tưởng Văn Thịnh. Nói là cảng, nhưng hệ thống đảm bảo môi trường không được xây dựng, mọi sinh hoạt, nước thải, dầu cặn của tàu, cá chết… đều xả thẳng xuống biển gây mùi hôi khó chịu vào mùa hè.

Cấp tập xử phạt vẫn ngang nhiên

Từ ngày phát hiện Thịnh xây lậu cảng biển, các cơ quan chức năng từ UBND xã, UBND huyện Quảng Trạch, Ban quản lý khu kinh tế Hòn La, phòng kinh tế hạ tầng huyện, cảng vụ Quảng Bình đã ra hơn 20 văn bản gồm biên bản vi phạm, văn bản xử phạt hành chính, có biển bản Thịnh ký, có biên bản Thịnh không thèm ký. Trong số các cơ quan liên quan ra văn bản xử lý cảng lậu, Ban quản lý Khu kinh tế Hòn La ra nhiều nhất với 10 văn bản, vậy nhưng Thịnh vẫn xem thường. Một cán bộ của Ban này cho biết: “Thịnh xây cảng vào ban đêm để tránh các cơ quan chức năng, mua cọc nhồi thải loại của Formosa Hà Tĩnh về đóng xuống biển. Thịnh cũng mua bê tông thải loại của Formosa Hà Tĩnh về đổ đầy các thùng Container rồi đánh chìm xuống biển làm cảng.

Một trong các công văn mà Thịnh xem thường, ngày 3-3-2016, phòng kinh tế hạ tầng huyện Quảng Trạch ra quyết định số 25, yêu cầu: “Trưởng công an xã Quảng Đông chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu và người lao động vào thi công xây dựng công trình vi phạm; phối hợp với chính quyền địa phương, đôn đốc các cơ quan liên quan đảm bảo hiệu lực thi hành quyết định ngay sau khi ký. Quá thời hạn 3 ngày, kể cả ngày nghỉ, nếu chủ đầu tư (ông Thịnh) không tự phá dỡ bộ phận công trình, công trình vi phạm thì cưỡng chế công trình”. Từ đó đến nay, Thịnh không chấp hành tháo dỡ, ông Trần Quốc Tuấn người ký văn bản 25 vẫn không ra lệnh cưỡng chế.

Chủ tịch UBND huyện, ông Phan Ngọc Duy, ngày 7-3-2016 ra quyết định số 597 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với Tưởng Văn Thịnh. Văn bản nêu: “Đã đổ đất lấn biển khối lượng 2.400m3 và đã cơ bản xây dựng hoàn thành cầu cảng với chiều dài 60m, chiều rộng 15m, được kè chắn bởi các khối bê tông và cọc nhồi bê tông phía ngoài, đồng thới đấu nối vào tuyến đường đang thi công”. Ông Duy ra quyết định xử phạt 45 triệu đồng, yêu cầu Tưởng Văn Thịnh tự phá dỡ công trình cảng lậu và ra tối hậu thư: “Nếu ông Tưởng Văn Thịnh cố tình không thi hành sẽ bị cưỡng chế thi hành”. Hiện Thịnh mới chỉ nộp phạt 45 triệu đồng, còn không thực thi đúng như quý định, ông Duy cũng không hề chỉ đạo cưỡng chế tháo dỡ cảng lậu như văn bản ông ký.

Cang ca lau o tuyen phong thu Hon La: Chinh quyen 'that thu' truoc the luc giang ho? - Anh 3

Cang ca lau o tuyen phong thu Hon La: Chinh quyen 'that thu' truoc the luc giang ho? - Anh 4

Văn bản xử phạt hành chính của Chủ tịch huyện bị “xịt khói” không cưỡng chế cảng lậu.

Ngày 27-2-2017, ông Nguyễn Đức Tùng, giám đốc cảng vụ Quảng Bình có công văn số 10 gửi UBND huyện Quảng Trạch về việc xử lý cảng cá lậu này với nội dung rach ròi: “Việc tiếp nhận tàu thuyền hoạt động, thu mua thủy hải sản, kinh doanh tiếp nhận nhiên liệu trái phép trong khu vực cảng biển Hòn La, ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác điều động tàu thuyền tại khu vực cảng Hòn La và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các cảng cá trái phép nằm trong vùng nước cảng biển Hòn La khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định tại nghị định 21/2012NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, nằm ngoài quy hoạch phát triển của cảng Hòn La, ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh trật tự và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng biển Hòn La. Cảng vụ hàng hải Quảng Bình đề nghị UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, phối hợp kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cảng cá xây dựng, hoạt động trái phép tại vùng nước cảng Hòn La nêu trên”. Tuy nhiên, huyện Quảng Trạch vẫn chưa có động thái kiên quyết.

Tuy nhiên, hiện mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian tới sẽ cưỡng chế, thời gian qua do sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh gây ra nên dồn toàn sức, toàn lực ổn định dân sinh trên địa bàn nên chưa cưỡng chế”. Khi hỏi thời gian đến ấn định ngày nào, ông Duy không cho biết lịch biểu cưỡng chế ngày nào mà bảo: “Đang xem xét”.

Nguyễn Sơn Anh