Thế giới

Canada điều tàu chiến tập trận “nắn gân” Trung Quốc trên biển

Canada đã triển khai tàu chiến tham gia tập trận cùng hải quân các nước ở khu vực Thái Bình Dương nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc.

Tàu HMCS Calgary (Ảnh: Wikipedia)

Ban đầu được khởi đóng để chuyên đi “săn” các tàu ngầm Nga, song rốt cuộc tàu hộ vệ HMCS Calgary đã tham gia cùng các tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương. Động thái này được cho là cách để Canada cùng các quốc gia khác kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

“Dự kiến trung bình một năm (chúng tôi) sẽ đưa một, hoặc có thể hai tàu, tới tham gia các hoạt động cùng các đối tác trong khu vực”, Reuters ngày 8/11 dẫn lời Tư lệnh Blair Saltel, chỉ huy trưởng tàu HMCS Calgary, phát biểu tại Yokosuka, Nhật Bản.

Từng neo đậu tại căn cứ hải quân gần Tokyo cùng tàu tiếp viện hải quân Asterix của Canada, tàu HMCS Calgary đã rời Canada hồi tháng 7 để thực hiện sứ mệnh đi qua biển Hoa Đông, qua Australia và qua Biển Đông - nơi tàu Canada chạm trán với các tàu chiến của Trung Quốc.

Tuần trước, tàu chiến Canada đã cùng các tàu chiến của Nhật Bản và Mỹ, bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tham gia cuộc tập trận chống ngầm ở tây Thái Bình Dương. Đây là một phần trong cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến và là cuộc tập trận lớn nhất ở khu vực trong và xung quanh lãnh hải Nhật Bản.

“Đây là cơ hội để Canada thể hiện rằng chúng tôi đã có kinh nghiệm hợp tác với các đồng minh trong khuôn khổ liên kết”, chỉ huy trưởng Saltel cho biết.

Quyết định điều tàu tới tham gia các cuộc tập trận hải quân ở châu Á của Canada được đưa ra sau khi các quốc gia khác, trong đó có Anh và Pháp cũng tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Theo Reuters, động thái này xuất phát từ việc các nước lo ngại rằng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh tìm cách kiểm soát các tuyến hàng hải thương mại.

Trước khi trở về Canada, tàu Calgary trong tháng này sẽ tới Sasebo ở phía tây Nhật Bản, nơi đặt một căn cứ quan trọng đối với hải quân Mỹ và Nhật Bản, để tham gia thêm các cuộc tập trận chống ngầm.

“Đây là bước tiến vững chắc thể hiện cam kết chung nhằm đảm bảo rằng chúng ta có thể chia sẻ thông tin, chia sẻ hậu cần và có thể hợp tác bất kể khi nào lực lượng hải quân của chúng ta yêu cầu”, chỉ huy Saltel nhấn mạnh.

Anh từ đầu năm tới nay đã đưa 3 tàu chiến tới Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có tàu tấn công đổ bộ lớn nhất của Anh HMS Albion. Trên đường trở về sau chuyến thăm Nhật Bản, con tàu 22.000 tấn này đã di chuyển gần các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Bắc Kinh gọi hành động này của tàu Anh là “khiêu khích”.

Nhật Bản, quốc gia hiện có lực lượng hải quân lớn thứ 2 trong khu vực, năm nay cũng đã điều tàu sân bay trực thăng đi qua Biển Đông và tiến vào Ấn Độ Dương. Tại đây, tàu sân bay Nhật Bản đã đi cùng HMS Argyll - tàu chiến lớn nhất được Hải quân Anh triển khai tới khu vực.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP