Danh Nhân

Can Lộc: Sơ lược cuộc đời và sự nghiệp của Tướng quân Hà Mại

Khu lăng mộ Tướng quân Hà Mại, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2010 tại quyết định số 2777/QĐ-UBND tỉnh của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tỉnh.

Khu Lăng mộ
Khu Lăng mộ

Hà Mại, tự Tông Hiểu, con út của một vị hào trưởng phía Bắc. Sinh ngày mồng 8 tháng 04 năm Giáp Tuất (1334), triều Trần Hiến Tông, niên hiệu Khai Hựu năm thứ 6. Từ nhỏ được cha luyện tập cung kiếm, võ nghệ nên có thân thể cường tráng, tinh thông quyền kiếm, chí khí dũng mãnh, trí tuệ thông minh. Năm Tân Mão (1351), niên hiệu Thiệu Phong năm thứ 11 triều vua Trần Dụ Tông mở khoa thi quan võ, ông ghi tên dự thi và trúng hàng ưu. Sau khi trúng tuyển ông được bổ nhiệm làm nhiệm vụ huấn luyện, chỉ huy đội quân cơ động bảo vệ triều đình, lúc này ông tròn 18 tuổi.

Mùa xuân năm Bính Thân (1356), ông được lệnh chỉ huy đơn vị bảo vệ Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông và vua Trần Dụ Tông đi tuần tra biên giới phía Nam, đến trấn Nghệ An trú lại lỵ sở để thị sát tình hình (lỵ sở trấn Nghệ An thời Trần đóng tại vùng thị trấn Kỳ Anh – Hà Tĩnh ngày nay). Trong chuyến đi này ông Hà Mại được vua Trần Dụ Tông giao trọng trách ở lại để củng cố lực lượng, xây dựng phòng tuyến phía Nam Đại Việt để ngăn chặn sự xâm lấn của quân Chiêm Thành. Một thời gian sau, ông bén duyên với con gái thứ của cụ Lê Quý Thọ, một xã trưởng trong vùng và được cụ đồng ý cho nên duyên vợ chồng, từ đó ông coi trấn Nghệ An là quê hương thứ hai của mình.

Cuối năm Bính Thìn (1376) đầu năm Đinh Tỵ (1377), niên hiệu Long Khánh năm thứ tư, vua Trần Duệ Tông đích thân cầm quân đi đánh quân Chiêm Thành bị trúng kế của Chế Bồng Nga (vua Chiêm Thành), toàn quân tan vỡ. Trần Duệ Tông cùng các Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa và Hành khiển Phạm Huyền Linh đều tử trận.

Trong cuộc tấn công quân Chiêm Thành lần này, đội quân của ông Hà Mại được lệnh chốt giữ bảo vệ phòng tuyến hậu phương trực tiếp của mặt trận. Nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng với lòng quả cảm, sự tinh nhuệ của đội quân nên ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau sự kiện vua Trần Duệ Tông mất, quân Chiêm Thành nhiều lần tổ chức đánh phá Đại Việt, Tướng quân Hà Mại đã chỉ huy lực lượng chặn đánh, chốt chặt cửa ải và lần lượt đập tan các cuộc xâm chiếm của quân Chiêm Thành. Bảo vệ được biên giới phía Nam Đại Việt một cách an toàn. Sau chiến thắng này, Tướng quân Hà Mại được triều đình nhà Trần phong là: Phụ quốc, Thượng Tướng quân, Thượng Vị hầu và bổ làm Trấn thủ xứ Nghệ An.

Trong thời gian làm trấn thủ xứ Nghệ An, tướng quân Hà Mại đã đoàn kết, động viên quân và dân cả xứ Nghệ An làm tròn sứ mạng vẻ vang, bảo vệ vững chắc vùng đất rộng lớn từ Nam Thanh Hóa đến tận Đèo Ngang. Với tài trí, sự tận tâm, tận lực, hết lòng phụng sự đất nước nên tướng quân Hà Mại luôn được quân sỹ và người dân địa phương ngưỡng mộ, kính trọng. Những năm cuối thế kỷ XIV, triều Trần bước vào giai đoạn suy yếu, nhà Hồ đang dần hướng tới giành ngôi, tướng quân Hà Mại lúc này đã 65 tuổi, với lòng trung quân không thờ hai vua, ông xin về hưu và chuyển cả gia đình về ở ẩn tại vùng Chùa Yên Lược – một vùng đất nằm sát dưới chân núi Hồng lĩnh, thuộc huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Nơi đây đã trở thành căn cứ địa của tướng quân Hà Mại và con trai là Đại tướng Hà Dư (Hà Tông Chính) cùng nhà hậu Trần chiến đấu anh dũng chống giặc Minh xâm lược (1407-1423). Lịch sử ghi nhận rằng, cuối cùng toàn bộ vua tôi nhà hậu Trần đều tử tiết oanh liệt chứ quyết không đầu hàng gịặc Minh.

Ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần (1410), tướng quân Hà Mại qua đời. Với những công lao và đóng góp to lớn của ông trong việc bảo vệ, xây dựng đất nước, tướng quân Hà Mại được vua Trần phong tặng “Dực bảo trung hưng thần”, triều Nguyễn đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) sắc phong cho tướng quân Hà Mại là ” Đồng Giang linh ứng dực bảo trung hưng thần”.

Ngọc Bé

PHÒNG VH&TT HUYỆN CAN LỘC

Tài liệu tham khảo từ hồ sơ di tích Hà Mại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP