Người đương thời

Can Lộc: Người giáo viên “nghiện” sưu tầm tài liệu về Bác Hồ

Giá sách tư liệu về bác Hồ của gia đình ông Trâm

“Gõ đầu trẻ” là cái nghề đã gắn bó với ông giáo Trần Mỹ Trâm, khối phố 5, Nam Sơn, thị trấn Nghèn hơn 35 năm, còn cái “nghiệp” mà người giáo viên này theo đuổi suốt từ những năm đầu dạy học đến khi nghỉ hưu là sưu tầm ảnh, tài liệu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Và dường như hành trình tìm kiếm ấy vẫn sẽ tiếp tục theo ông đến hết cuộc đời bởi ông đã “nghiện” mất rồi.

Hàng ngày ông Trâm không quên xem lại 4.000 hình ảnh, tài liệu về BácHàng ngày ông Trâm không quên xem lại 4.000 hình ảnh, tài liệu về Bác

           Từ “bộ đồ nghề”…

Nghề giáo đã được 4 thế hệ trong gia đình ông Trần Mỹ Trâm nối nghiệp, cái nghề cao quý này đã thúc dục ông Trâm tìm đến những bức ảnh, tài tiệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, và sự việc bắt đầu từ “bộ đồ nghề” dạy học…
Trần Mỹ Trâm sinh năm 1936, từ 1960-1962, ông học trường Sư phạm Trung cấp Hà Tĩnh hệ Khoa học xã hội. Sau khi ra trường, ông được phân công về giảng dạy tại trường cấp II thị xã Hà Tĩnh. Đến năm 1965, do chiến tranh tàn phá nên trường giải tán, ông được phân công về quê tiếp tục dạy học. Gần 10 năm ông là hiệu trưởng tại các trường cấp II Thanh Lộc, Kim Lộc và Thuận Lộc.
Từ những thành công trong việc dạy học, ông Trâm dần dần được chuyển lên làm cán bộ chuyên môn Phòng GD-ĐT Can Lộc, sau đó được đề bạt làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Can Lộc rồi về nghỉ hưu sau 35 năm cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Với cương vị là giáo viên, ông được công nhận là giáo viên giỏi, còn làm quán lý thì là cán bộ quản lý giỏi và nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua.

Gắn bó với sự nghiệp giáo dục, ông đã chắp cánh cho nhiều thế hệ học trò bay cao, vươn xa, đóng góp một phần dựng xây quê hương, đất nước. Điều khiến lớp lớp học trò nhớ nhất về người giáo viên hiền hậu, tài giỏi này chính là những tiết dạy sinh động khi có hình ảnh, tài liệu ngoài minh họa cho những kiến thức trong sách giáo khoa, đặc biệt là những tiết dạy về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ban đầu chỉ là những hình ảnh minh họa đơn thuần, dễ tìm nhưng dần dần ông nhận thấy chúng có tác dụng hết sức tích cực cho học sinh nên ông đã sắm thành một “bộ đồ nghề” khá phong phú. “Thấy trong chương trình sách giáo khoa hình ảnh về Bác rất ít nên tui nảy ra ý định đi tìm hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác để giới thiệu cho các học trò. Lúc đó tui chỉ có ý định sưu tập hình ảnh tài liệu về Bác để phục vụ cho công tác giảng dạy, lâu dần thành một niềm đam mê và bây giờ thì “nghiện” mất rồi. Chính từ “bộ đồ nghề” đó mà bây giờ tui đã tích góp được một “bộ sưu tập” độc đáo về Bác”, ông Trâm chia sẻ.
Đến hơn 4.000 ảnh, tài liệu
Khi đã rời xa bục giảng thì 5 năm lại đây ông Trâm lại càng có thêm điều kiện để làm giàu cho “bộ sưu tập”, thỏa niềm đam mê của mình. Ông bảo: “Trước đây dù rất muốn nhưng tui không có điều kiện và thời gian để đi tìm. Sau khi nghỉ hưu tui đi khắp nơi từ Bắc đến Nam, hễ nơi nào có thông tin về hình ảnh của Bác là tui lại lên đường hoặc liên hệ xin, mua cho bằng được. Đi đâu, gặp ai tui cũng dặn dò hễ thấy bức ảnh nào về Bác thì cất giữ rồi gửi cho tui. Cũng nhờ thế mà kho tàng của tui ngày một đồ sộ hơn”.
Mỗi bức ảnh mà ông sưu tầm được là một câu chuyện thú vị về Bác. Có thể chỉ là những hình ảnh được cắt ra từ báo, tạp chí hay những câu thơ, bài viết về Bác nhưng tất cả đều là tài sản vô giá đối với ông. Chính nhờ những tư liệu nhỏ này mà ông đã dần ghép được gần như hoàn chỉnh về cuộc đời, sự nghiệp vì nước vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1911 khi Bác rời Bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước đến lúc Bác mất, năm 1969.
Ông Trâm cho biết: “Tui mới sưu tầm một số hình ảnh, tài liệu rất quý, đó là bức ảnh Bác ngồi thiền trong núi, đây là bức lần đầu tiên được công bố, cái ảnh lúc Bác ở Thái Lan năm 28 tuổi hay lúc Bác múa với nữ văn công rất quý hiếm, rồi mới đây tui cũng sưu tầm được tài liệu “Nghi án của Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản”. Giờ tui đang “sèm” 100 bức ảnh do nhiếp ảnh gia người Pháp chụp đến nay vẫn chưa được công bố. Nghe nói là sẽ được công bố trong quyển Hồ Chí Minh tiểu sử tập 2. Tui đang bảo con cháu chú ý để khi nào ra quyển đó thì mua về cho tui”, và ông không quên dặn dò “nếu các cô thấy thì mua giúp tui với nhé”, đó cũng là việc mà mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ ai ông cũng nhắn nhủ để mong tìm được tài liệu về Bác.
Đến nay, hơn 4.000 bức ảnh, tài liệu có giá trị về Bác đang được ông cất giữ cẩn thận như báu vật trong nhà. Đối với ông bức ảnh nào cũng quý, cũng đang trân trọng giữ gìn. Bây giờ nhiều người đến nhà ông chỉ để xem những bức ảnh về Bác. Nhiều giáo viên, cán bộ, học sinh, người dân xung quanh cũng tìm đến ông để mượn tài liệu về Bác để phục vụ cho công việc, học tập của họ. Ông cho biết: “Những lúc đó tui cảm thấy rất vui vì việc làm của mình đã đóng góp một chút ý nghĩa cho xã hội và đó cũng chính là động lực để tui tiếp tục niềm đam mê của mình”.
Việc sưu tầm tài liệu về Bác của ông không chỉ không bị người thân trong gia đình phản đối mà còn được ủng hộ nhiệt tình. Chính vợ, con, cháu…của ông là những trợ thủ đắc lực cho ông khi thực hiện niềm đam mê này. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (vợ ông) cho hay: “Dù bây giờ sức khỏe đã yếu đi rất nhiều rồi nhưng hễ nghe ai có hình ảnh về Bác là ông lại lên đường. Ông đi trong nhà ai cũng lo lắng, có hôm ông đi vào Nam hơn nửa tháng mới về nhưng biết làm răng được, đó dường như đã trở thành một phần cuộc sống của ông rồi. Mỗi lần có thêm bức ảnh mới là ông vui lắm”.
Không chỉ đơn thuần là sưu tầm ảnh Bác mà ông còn tìm hiểu về những câu chuyện liên quan đến bức ảnh đó. Qua những câu chuyện đó ông lại thêm cảm phục đức hy sinh của vị cha già dân tộc – Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, điều khiến ông lo lắng ngày đêm là làm sao để bảo quản được “kho tài sản vô giá” này. Hằng ngày ông bật đèn lên chiếu sáng cho ấm, hay nghe người ta nói dùng thuốc hút ẩm ông cũng làm, rồi đến các thư viện sách để học cách bảo quản… Ông mong muốn những tấm ảnh ông kỳ công tìm kiếm sẽ được lưu giữ mãi mãi về sau.
Sở dĩ ông đam mê công việc này là vì ông ngưỡng mộ đức, tài, sự hy sinh của Bác, vì không có Người thì làm sao chúng ta có được ngày hôm nay…và vì “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” (thơ Tố Hữu).
Có một tâm nguyện mà ông Trâm đã ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được là mở một cuộc triển lãm để những hình ảnh, tài liệu ấy đến được với tất cả mọi người. Nhưng đó dường như là điều khó khăn nhất với ông bởi tuổi đã cao mà lương giáo viên hưu không đủ để ông thực hiện được mong muốn ấy. Hiện nay chúng ta đang tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thiết nghĩ việc hiện thực hóa ước mơ nhỏ của người giáo viên già Trần Mỹ Trâm là điều thiết thực, hữu ích, nên rất cần những bàn tay trợ giúp.

HẠNH NGUYÊN
(Theo Canloc.gov.vn)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP