Tin Hà Tĩnh

Can Lộc: Khó khăn khi nhân rộng các mô hình kinh tế

Mỗi năm, huyện Can Lộc đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng các mô hình điểm trong nông nghiệp. Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản và thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, khi nhân ra diện rộng, những mô hình này lại gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Đầu tư 300 triệu đồng cho trên 2.2 héc ta, để hình thành mô hình trồng cà gai leo khi đưa về với đồng đất Phú Lộc, huyện Can Lộc, thông qua dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo SRDP vào năm 2017.

Hơn 2ha sản xuất cà gai leo bị bỏ hoang

Thế nhưng chỉ hơn 1 năm đi vào hoạt động, mô hình này đang dần bị bỏ hoang. Được biết, cà gai leo là dược liệu khó trồng, khó thu hoạch nên chi phí thuê lao động đội lên cao. Một lý do khác là do đầu ra của loại sản phẩm này khá bấp bênh nên việc áp dụng trồng đại trà đang là việc bất khả thi.

Không chỉ mô hình cà gai leo, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp khác ở huyện Can Lộc cũng đang gặp khó khăn về đầu ra làm ảnh hưởng đến việc nhân rộng.

Trồng hành lá tại xã Thuần Thiện là mô hình kinh tế hiệu quả nhất tại thời điểm này. Với diện tích trên 10 héc ta cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng/sào/lứa. Mô hình này đã tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân ở địa phương này.

Tuy nhiên, khi bước vào nhân rộng, địa phương này cũng không ít băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm. Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm không được tiến hành bài bản, chặt chẽ khi cả người dân và doanh nghiệp đều tìm mọi cách để ôm lợi ích về phía mình.

Tại Can Lộc, mỗi năm có đến hàng chục mô hình trình diễn khuyến nông của các tổ chức, đơn vị triển khai trên địa bàn. Phần lớn các mô hình khi đưa ra đánh giá tổng kết đều đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, chỉ một số ít trong số những mô hình này được nhân rộng. Nguyên nhân xuất phát từ các vấn đề về khó khăn cho đầu ra sản phẩm cũng như hạ tầng mô hình không được đầu tư xứng tầm.

Một nguyên nhân khác đó là các mô hình ban đầu đều được hỗ trợ giá giống, giá vật tư phân bón các loại, nhưng khi triển khai nhân rộng thì không còn được hỗ trợ, dẫn đến lợi nhuận không bằng khi làm điểm. Đây cũng là lý do khiến cho các hộ dân có ý thức trông chờ nguồn hổ trợ không còn mặn mà nhân rộng. Thêm vào đó, các mô hình xây dựng còn dàn trải, chưa nghiên cứu kỹ về điều kiện canh tác, đặc điểm kinh tế vùng và thị trường đầu ra nên thất bại trong mở rộng mô hình cũng là điều được dự báo trước.

Tác giả: Tiến Long

Nguồn tin: Truyền hình Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP