Can Lộc

Can Lộc: Có dấu hiệu hình sự qua vụ “bảo vệ thi công” trên đất đã được cấp sổ đỏ

Dự án xây dựng đường vào Khu du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt với tổng đầu tư hơn 90,7 tỉ đồng, trong đó chi phí GPMB là 4 tỉ đồng, thế nhưng chủ đầu tư và UBND xã Mỹ Lộc không chỉ làm trái quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư  mà còn có dấu hiệu lập kế hiến đất, giả mạo chữ kí để “bảo vệ thi công” trên đất đã được cấp “sổ đỏ” khiến dư luận bất bình, người dân khiếu kiện…

Bồi thường theo cách của xã

Năm 1994 và 1996, gia đình ông Nguyễn Thứ ở xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc được giao 63.000m2 đất trồng cây lâu năm thuộc các lô 11BK, 12BK và 13BK tại khu vực Động Trăn, xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc. Phía Nam giáp đường mòn; phía Bắc giáp rừng dẻ tái sinh; phía Đông giáp lô đất 10BK của gia đình nhà ông Trần Đình Tục (tờ bản đồ thiết kế trồng rừng 4304 thuộc tiểu khu 132 – khoảnh 2; 3 xã Mỹ Lộc) và được UBND huyện Can Lộc cấp GCNQSDĐ số I 343821 ngày 30/12/1996. Năm 2010, thực hiện dự án mở đường vào Khu du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu, UBND xã Mỹ Lộc lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông 21.555.375 đồng. Ông Thứ không nhận tiền, không bàn giao mặt bằng vì ông cho rằng diện tích đất bị thu hồi chênh lệch quá lớn, số lượng cây cũng chênh lệch quá nhiều so với thực tế, đường kính cây cũng xác định sai, đơn giá bồi thường cũng không phù hợp…

Ông Thứ cho biết: “Lúc đầu, Ban Quản lí Dự án và xã tổ chức họp thông báo cho các hộ là không đền bù đất mà chỉ hỗ trợ tài sản trên đất. Đến khi kiểm đếm, ngày đầu có tôi cùng đi, sau đó họ tự làm mà không cho tôi biết, đất đai họ đo đạc bao nhiêu tôi cũng không hay, nhưng họ lại yêu cầu tôi kí xác nhận. Gia đình tôi bị mất khoảng 9.000m2 đất trồng cây lâu năm, hơn 1.300 cây bị chặt phá mà Ban A huyện Can Lộc và UBND xã Mỹ Lộc chỉ tính cho tôi 1.259,9m2 đất lâm nghiệp có giá trị 17.315.375 đồng; 325 cây bạch đàn có đường kính từ 4 đến 25cm với số tiền là 4.240.000 đồng, nên tôi yêu cầu kiểm đếm lại và phải có quyết định thu hồi đất nhưng họ không làm nên tôi không hiến đất và cũng không kí vào bản hiến đất”.

hatinh24h

Không chỉ gia đình ông Thứ, gia đình chị Lê Thị Vân, 36 tuổi cùng thôn có  9,6ha đất trồng keo, bạch đàn và thông. Khi mở đường vào Cửa Thờ – Trại Tiểu gia đình chị bị mất 1.247m2. Hội đồng Bồi thường GPMB lập phương án đền bù 17.500.000 đồng tiền cây trên đất mà không bồi thường đất với lí do là “chị Vân đã hiến đất”, thế nhưng chị Vân khẳng định: “Chúng tôi không hiến đất”.

Anh Trần Đình Hạnh làm trang trại có 1ha đất khai hoang sản xuất từ năm 1986. “Qua nhiều lần đề nghị xã và huyện cấp GCNQSDĐ nhưng chưa được, mặc dù UBND huyện Can Lộc đã có văn bản chỉ đạo xã xem xét giải quyết theo trình tự thủ tục cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai. Đợt GPMB mở đường vào Khu du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu lần này, gia đình anh cũng bị mất đất nhưng không được bồi thường” – anh Hạnh cho biết.

Mặc dù UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho “Chủ đầu tư tổ chức giải phóng mặt bằng trước khi triển khai lập kế hoạch đấu thầu công trình”, nhưng, ngày 15/2/2011, UBND huyện Can Lộc lại giao cho UBND xã Mỹ Lộc thực hiện công việc GPMB mà không có quyết định thu hồi đất. Trong khi Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư yêu cầu: “Sau khi phương án tổng thể được xét duyệt, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB có trách nhiệm thông báo cho người đang sử dụng đất biết lí do thu hồi đất; dự kiến về mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Ra quyết định thu hồi đất gửi đến người có đất bị thu hồi và được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi trong quá trình thực hiện”. Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc đã không tuân theo mà còn tổ chức cưỡng chế với “chiêu” bảo vệ thi công trên đất đã được cấp GCNQSD, gây bức xúc không chỉ cho gia đình ông Thứ.

 “Đánh úp” lấy đất của dân

Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 30/6/2014, ông Trần Đình Tiếp, cán bộ Bưu điện xã Mỹ Lộc chuyển đến gia đình ông Nguyễn Thứ một Thông báo không số TT-UBND ngày 30/6/2014 do Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Trần Trí Quang kí, với nội dung: “Tuyến đường Khe Thờ – Trại Tiểu đoạn đi qua xã Mỹ Lộc, từ Quốc lộ 15A đến giáp xã Đồng Lộc đã tiến hành thi công từ năm 2011 đến nay nhưng chưa hoàn thành do gia đình ông không thực hiện giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Chính quyền địa phương và các đoàn thể từ xã đến xóm đã trực tiếp tuyên truyền, vận động nhưng không thực hiện… UBND xã thống nhất cho đơn vị thi công tiếp tục làm đoạn qua đất lâm nghiệp của gia đình ông vào hồi 7giờ 30 phút ngày 30/6/2014”.

“Chưa đầy một giờ đồng hồ sau UBND xã Mỹ Lộc đã tổ chức lực lượng gồm các thành viên các tổ chức đoàn thể, công an, quân sự xã cùng với nhà thầu sử dụng nhân công, thiết bị máy móc dưới sự chỉ huy của ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND xã đào đất, chặt hạ cây, ngăn cản… rồi bắt tôi, cha tôi và em tôi, áp giải lên xe của nhà thầu, đưa về trụ sở UBND xã tạm giữ đến 11 giờ cùng ngày mới được thả. Chúng tôi không cản trở việc thi công nhưng gia đình chúng tôi yêu cầu phải kiểm đếm đúng số lượng, kích thước cây bị chặt đốn, đo đạc đúng diện tích đất bị thu hồi và phải có quyết định thu hồi đất” – anh Nguyễn Thế Chất, con trai ông Thứ nói.

Ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: “Ông Thứ đã kí vào biên bản kiểm kê và bản hiến đất rồi. Còn quyết định thu hồi đất thì các hộ dân ở đây có ai nhận được đâu mà ông Thứ đòi có? Huyện giao cho xã bảo vệ thi công thì xã làm, gia đình chống quyết liệt nên xã phải giữ lại… Tất nhiên trong quá trình làm thì không thể tránh khỏi sai sót được”.

Có dấu hiệu làm giả giấy tờ?

Qua nội dung đơn tố cáo của ông Nguyễn Thứ gửi Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi, phóng viên đã làm việc với ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc. Ông Quang đưa ra nhiều biên bản hiến đất đều đánh vi tính theo một mẫu, chỉ cần đề tên, kí vào phía dưới. Khi xem xét bản hiến đất có tên ông Nguyễn Thứ, ông Quang nói: “Hồi đó tôi chưa làm Chủ tịch nên không biết ai đã kí, nhưng tôi khẳng định đó là chữ kí của ông Nguyễn Thứ vì Chủ tịch UBND xã lúc đó còn là anh em trong họ Nguyễn với ông Thứ. Thế nhưng khi gọi điện mời ông Thứ ra “ba mặt một lời” trước ông Chủ tịch UBND xã và chúng tôi, ông Thứ khẳng định là ông không hiến đất. Chữ viết “Nguyễn Thứ” trong biên bản hiến đất và các văn bản khác liên quan đến GPMB cũng không phải là chữ của ông. Ông Thứ nói: “Nếu UBND xã và huyện không tin tôi thì cứ đưa mẫu chữ kí đi giám định, tôi khẳng định là không phải chữ kí của tôi, tôi đề nghị phải làm sáng tỏ ai đã giả mạo chữ kí và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Theo ông Nguyễn Phượng, Chuyên viên tư vấn luật Công ty Luật Minh Khuê: “Hành vi giả mạo chữ kí của người khác là trái quy định của pháp luật và tùy vào hậu quả xảy ra có thể bị xử lí vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào các yếu tố như động cơ, mục đích phạm tội. Chẳng hạn: Hành vi giả mạo chữ kí của người khác để chiếm đoạt tài sản, tước quyền thừa kế của người khác thì có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 17/7/2014, ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc kí văn bản thành lập tổ công tác xác minh đơn khiếu nại của ông Nguyễn Thứ. “Thế nhưng đến ngày 6/8/2014, tổ công tác vẫn chưa có cơ sở nào để xác định diện tích đất và tài sản trên diện tích đất đã bị giải tỏa, bởi “trong tay” của những cán bộ đến xác minh chưa có tài liệu nào thể hiện đất của ông Thứ, trong khi gia đình tôi vẫn nắm sổ đỏ và sơ đồ các thửa đất với đủ các chữ kí và con dấu của các cấp có thẩm quyền” – anh Nguyễn Thế Chất nói

 Bài và ảnh Chí Thúc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP