Nhà đẹp

Căn bếp Sài Gòn vừa làm đã phải phá để sửa lại

Chủ nhà mua thêm máy rửa bát làm quà sinh nhật cho vợ mà không tính chỗ đặt thiết bị trong bếp.

Trước khi xây sửa nhà, các kiến trúc sư thường tìm hiểu kỹ nhu cầu, thói quen của gia chủ. Đặc biệt với khu bếp, người thiết kế sẽ phải hỏi cặn kẽ về người nội trợ chính trong gia đình, các yêu cầu về thiết bị gia dụng... để từ đó có cách bố trí phù hợp.

Mỗi gia đình có nhiều thiết bị khác nhau nên cần tính toán kỹ khi thiết kế bếp. Ảnh minh họa: SKB.

Tuy nhiên, một số chủ nhà có thể thay đổi nhu cầu bất ngờ hoặc do thi công không chuẩn nên các căn bếp dù mới vẫn phải sửa lại để phù hợp hơn. KTS Phạm Thanh Truyền chia sẻ một số trường hợp mà anh đã gặp phải:

Năm 2015, tôi nhận thiết kế nội thất căn hộ cao cấp cho gia đình ở Sài Gòn. Tôi dặn anh chị chủ nhà có nhu cầu gì thì liệt kê ra hết, nhất là các thiết bị sẽ dùng sau này. Người chồng rất yêu vợ con nên anh âm thầm mua máy rửa bát để tặng nhân dịp sinh nhật chị. Anh im lặng và không hề cung cấp thông tin cho ai, kể cả kiến trúc sư. Bởi anh nghĩ việc bổ sung thêm một thiết bị cũng không quá phức tạp.

Khi gian bếp đã được thi công hoàn chỉnh cũng đến ngày sinh nhật người vợ, chị hạnh phúc và bất ngờ khi nhận được món quà của chồng. Hôm sau, hai vợ chồng mới báo cho kiến trúc sư: "Nhà anh chị có thêm máy rửa bát nhé!".

Để lắp chiếc máy này phải có đủ không gian chiều ngang 60 cm, dọc 60 cm, cao 80 cm. Ngoài ra còn cần nguồn cung cấp điện, nước, kết nối thu hồi nước thải. Bởi vậy, đội thi công buộc phải phá một phần tủ bếp dưới ra để làm lại, gây tốn kém và lộn xộn.

Kính cường lực dán tường bếp dễ vệ sinh nhưng không thể khoan, đục treo thêm kệ. Ảnh minh họa: LWK.

Năm 2016, một khu bếp do tôi thiết kế gặp vấn đề do trình độ tay nghề của người thợ. Cặp vợ chồng ở Đà Lạt rất tâm huyết và chăm chút cho khu nấu nướng của gia đình. Tuy nhiên, khi thi công xong, kiến trúc sư lên nghiệm thu thì phát hiện một số lỗi ảnh hưởng đến sử dụng.

Tủ bếp có bề mặt đổ bê tông, lắp cánh cửa gỗ vào để bền chắc và tiết kiệm. Người thợ đổ bê tông cho mặt bếp quá dày, sau đó lại đôn nền phía bên trong tủ quá cao. Bởi vậy, khoảng không gian còn lại trong tủ không đủ để lọt bình ga. Do đó, gia chủ phải tiến hành đục bớt bê tông.

Thêm vào đó, theo thiết kế ban đầu, xung quanh bếp sẽ ốp gạch nhưng đội thợ tư vấn dán kính cường lực cho dễ lau chùi. Đến khi lắp kính xong, gia chủ mới thông báo họ thích làm kệ để các lọ gia vị gắn trên tường bếp. Nhưng vì không thể khoan kính cường lực được, nên lớp kính mới toanh bị bóc ra để sửa lại cho đúng sở thích.

Ngoài các trường hợp trên, tôi còn gặp một số lỗi thiết kế phổ biến như:

- Không đủ ổ cắm điện cho khu vực bếp, phải kéo dây nối khi có nhiều nhu cầu cùng lúc.

- Không thiết kế ống thoát khí thải cho máy hút mùi.

- Không thiết kế nguồn sáng cho đáy tủ treo, gây bất tiện cho việc làm bếp vào ban đêm.

- Không liệt kê và dự trù đủ chỗ cho các vật dụng sẽ sử dụng. Khi muốn lắp thêm thì phải sửa bếp, nhất là khi ngày càng có thêm nhiều thiết bị tiện lợi như lò nướng, máy rửa bát...

- Bố trí 3 thiết bị chính sai nguyên lý nên người làm bếp phải di chuyển nhiều hơn. Cách bố trí đúng là: tủ lạnh - chậu rửa - bếp.

- Để lò vi sóng trên tủ lạnh có thể gây rơi vỡ, nguy hiểm hơn cho trẻ nhỏ.

Tác giả: Phạm Thanh Truyền

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP