Thế giới với Biển Đông

Campuchia lại bênh Trung Quốc, thêm đối tượng vì bạc quên tình

The Cambodia Daily ngày 4/6 đưa tin, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter có chuyến công du châu Á tuần này trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông (vì Trung Quốc leo thang bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – PV), Campuchia lại một lần nữa lên tiếng bảo vệ lập trường của Bắc Kinh và cáo buộc phát biểu của ông Ash Carter là “khiêu khích, đe dọa hòa bình”.

Biểu hiện tôn kính của Campuchia đối với Trung Quốc là không thay đổi. Nếu thay đổi có thể dẫn đến “nguy hiểm” cho mối quan hệ rất có lợi nhuận này.
Ông Phay Siphan, người phát ngôn Chính phủ Campuchia.

Ông Phay Siphan, người phát ngôn Chính phủ Campuchia nói rằng, sự leo thang hiện nay trên Biển Đông phần lớn là kết quả mối đe dọa của ông Ash Carter tuyên bố điều tàu chiến, máy bay tiến vào 12 hải lý xung quanh các bãi đá, rặng san hô giờ đã trở thành các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) mà Trung Quốc bồi lấp. “Đó là khiêu khích. Tôi nghĩ đó là một tuyên bố đầy khiêu khích, đi ngược với mục tiêu của chúng tôi là duy trì hòa bình trong khu vực”, Phay Siphan phát biểu trong một phiên họp của Chính phủ.

Báo cáo của Lầu Năm Góc trong tháng Năm vừa qua cho thấy các đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi lấp, xây dựng với tốc độ chóng mặt khiến các nước Đông Nam Á đặc biệt lo lắng. Hoa Kỳ thì quan ngại rằng tuyến hàng hải sầm uất hàng đầu thế giới qua Biển Đông có thể bị hủy diệt bởi hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Trường Sa.

Campuchia không có yêu sách ở Biển Đông, nhưng tiếng nói của nước này về Biển Đông tại các diễn đàn của ASEAN luôn được chú ý. Khu vực đã lên án Phnom Penh đặt lợi ích cá nhân trong quan hệ với Trung Quốc lên trên lợi ích tập thể của khối trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012, Campuchia đã gạt Biển Đông khỏi Tuyên bố chung (mặc dù Trung Quốc leo thang chiếm quyền kiểm soát bãi can Scarborough từ Philippines và tấn công tàu cá Việt Nam – PV).

Tuy nhiên ông Phay Siphan phủ nhận mối liên hệ của quan điểm Phnom Penh về Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc. “Tất cả các nước bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ cần dừng sự hiện diện quân sự. Quan điểm của Chính phủ Campuchia là mong muốn hòa bình, ổn định, Biển Đông không thuộc về bất cứ quốc gia nào. Chính phủ Campuchia không muốn nhìn thấy tàu chiến hoặc bất kỳ hành động gây hấn nào tại Biển Đông. Bất kỳ nước nào có hành vi khiêu khích phải chịu trách nhiệm nếu gây ra xung đột”.

Phay Siphan thừa nhận rằng Campuchia được hưởng lợi từ hoạt động viện trợ, cho vay tài chính hào phóng từ Trung Quốc, nhưng lại nói nó không liên quan đến quan điểm của nước này (bênh vực Trung Quốc) ở Biển Đông: “Biển Đông không liên quan đến viện trợ của Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào cho Campuchia. Trên phương diện này, Campuchia là bạn với tất cả mọi người”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng Jakarta cần xem lại việc tham gia vào vấn đề Biển Đông “có lợi” gì hay không, ảnh: globalriskinsights.com.

Trong tháng Tư, Bộ Ngoại giao Campuchia nói rằng ASEAN nên đứng ngoài vấn đề tranh chấp Biển Đông và để các thành viên tự giải quyết vấn đề này với Trung Quốc, đúng theo quan điểm của Bắc Kinh và điều này đã được chứng minh là trở ngại cho các cuộc đàm phán.

Giáo sư Carl Thayer từ Úc được The Cambodia Daily dẫn lời bình luận, biểu hiện tôn kính của Campuchia đối với Trung Quốc là không thay đổi. Nếu thay đổi có thể dẫn đến “nguy hiểm” cho mối quan hệ rất có lợi nhuận này.

“Campuchia chủ yếu là để lấy lòng Trung Quốc và đã từng thận trọng trong việc làm mất lòng nước Mỹ. Campuchia sẽ không phá vỡ sợi dây liên kết này hoặc thực hiện các bước có thể gây nguy hiểm đến món hời béo bở nước này nhận được từ Trung Quốc”, giáo sư Carl Thayer cho biết.

Nếu căng thẳng Biển Đông tiếp tục gia tăng vượt ngoài phạm vi lời nói, Campuchia sẽ lên tiếng phản đối trong hội nghị ASEAN. Phnom Penh có thể cáo buộc (vu cáo) Mỹ gây mất ổn định Biển Đông và ASEAN không nên đóng vai trò trực tiếp trong giải quyết tranh chấp.

Thêm đối tượng “vì bạc quên tình”

Đàng chú ý, hiện nay Campuchia không phải nước duy nhất hưởng lợi từ sự ủng hộ Trung Quốc. Lưu Diên Đông, Phó Thủ tướng Trung Quốc đã nói chuyện với các đại biểu Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 14 về các lợi ích ASEAN nhận được khi duy trì quan hệ “tốt đẹp” với Trung Quốc.

Trong những năm tới, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu hàng hóa trị giá 1 ngàn tỉ USD từ các nước ASEAN và đầu tư 500 tỉ USD vào khu vực (?!), Lưu Diên Đông tuyên bố. Cuối tuần qua Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bày tỏ ý định cân nhắc bất kỳ sự tham gia nào vào tranh chấp Biển Đông với các lợi ích của quốc gia này.

“Nếu chúng ta đóng một vai trò (trong vấn đề Biển Đông), đó cũng là điều tốt. Nhưng nếu chúng ta không có những giải pháp đúng, những nỗ lực ngoại giao của chúng ta không mang tới bất cứ điều gì thì tại sao chúng ta phải làm điều đó?”, ông Widodo nói với tờ The Jakarta Post.

Hồng Thủy/ GDVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP