Cẩm Xuyên

Cẩm Xuyên: Người dân phải thuê hồ nuôi tôm trên đất của mình

Được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng vùng đất hoang hoá bãi bồi vùng Cồn Vạn thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và sẽ đem lại thu nhập, công ăn việc làm cho một bộ phận dân nghèo nơi đây, tuy nhiên dự án Nuôi trồng thuỷ sản 224 lại rơi vào tay một doanh nghiệp và những "chủ nhân" thực sự của dự án này lại phải thuê lại hồ nuôi tôm trên đất của mình.

Khi dự án nuôi trồng thuỷ sản 224 được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, hàng chục hộ dân ở xã Cẩm Lĩnh háo hức rủ nhau đi học tập kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bởi đây là dự án đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, cống thoát nước để cải tạo 25 ha vùng bãi bồi vốn dĩ bỏ hoang từ trước đến nay thành vùng nuôi tôm thương phẩm.

Vậy nhưng, trong khi người dân đang chuẩn bị vốn để đầu tư con giống cho vụ sản xuất đầu tiên thì hay tin toàn bộ diện tích dự án 224 đã có “chủ” là Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh Hoàng Thạch ở thị trấn Cẩm Xuyên(?!).


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Ngày 1/11/2001, Xí nghiệp Hoàng Thạch có đơn xin thuê đất thì ngay chính ngày hôm đó hợp đồng thuê đất được UBND xã và doanh nghiệp ký kết. Đến ngày 31/12/2001, UBND tỉnh Hà Tĩnh chính thức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Xí nghiệp Hoàng Thạch trong thời hạn 20 năm với hầu hết diện tích “chồng” lên phần diện tích dự án 224.


Như vậy, với sự giúp sức của một số cán bộ cấp xã và cấp huyện, Xí nghiệp Hoàng Thạch nghiễm nhiên “hưởng lợi” toàn bộ hệ thống hạ tầng đầu tư từ nguồn vốn 850 triệu đồng của tỉnh. Trong khi đó những người dân nghèo ở khu vực Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh, đối tượng hưởng lợi từ dự án bỗng chốc bị gạt ra ngoài cuộc. Với lý do dự án do chính mình đầu tư xây dựng, Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh Hoàng Thạch đã cho những hộ dân có nhu cầu nuôi tôm với hợp đồng thuê diện tích mặt hồ với giá từ 20 đến 25 triệu đồng/ha/một vụ nuôi.


Anh Thái Phi Dũng – một hộ nuôi tôm tỏ ra bức xúc: “Là những người dân nghèo, khi hay tin mình là đối tượng hưởng lợi từ dự án 224, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên chúng tôi lại quá thất vọng khi biết dự án này huyện lại cho doanh nghiệp thuê. Đau lòng hơn là số tiền được Nhà nước đầu tư xây dựng dự án cũng được các lãnh đạo huyện “biếu” cho doanh nghiệp này, trong khi đó người dân chúng tôi lại phải thuê lại dự án với giá cắt cổ. Chỉ mong rằng các cấp chính quyền sớm tìm cách trả lại dự án cho người dân nghèo chúng tôi”.


Giải thích về vấn đề cấp đất cho Xí nghiệp Hoàng Thạch, ông Trần Đắc Đại – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho rằng: Lỗi thuộc về chính quyền xã vì “xã đã báo cáo không chính xác phần đất dự án và phần đất cấp cho doanh nghiệp”.


Tuy nhiên ông Phạm Văn Tưu – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh lại tuyên bố thẳng thừng: Việc làm sai trái của chính quyền địa phương là do chịu “sức ép” từ những người có trách nhiệm trong Ban quản lý dự án.


Làm việc với chúng tôi, ông Trần Đình Tiến – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Việc đầu tư dự án 224 vào Cẩm Lĩnh là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên do một số cán bộ trong Ban quản lý dự án, cũng như chính quyền xã lỏng lẻo trong khâu khảo sát nên đã cho Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh Hoàng Thạch “thuê” diện tích nuôi trồng thuỷ sản chồng chéo lên diện tích của dự án. Chúng tôi sẽ có biện pháp thích hợp để sớm trả lại dự án cho dân…”.


Không biết chính quyền huyện Cẩm Xuyên sẽ xử lý vấn đề trên như thế nào, bao giờ thì dự án được trả lại cho đúng chủ nhân của nó, chỉ biết rằng người dân nghèo ở Cẩm Lĩnh đang kêu trời trước việc phải thuê lại dự án mà lẽ ra đã thuộc về mình với cái giá “trên trời” để nuôi tôm theo thời vụ?


Nhóm PV

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP