Cẩm Xuyên

Cẩm Xuyên: “Kỳ lạ” sổ đỏ ở một xã đều có diện tích… giống nhau

Hàng trăm giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) của người dân xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị làm theo biện pháp… “cào bằng” diện tích đất ở. Cách làm này đã khiến người dân địa phương ở đây  phải đi làm thủ tục cấp đổi lại trong sự phiền hà và bức xúc kéo dài trong những năm trở lại đây.

Cấp “cào bằng” 300m2 đất ở

Những ngày gần đây, loa phát thanh của thôn ở xã Cẩm Vịnh ra rả kêu gọi nhiều hộ gia đình lên UBND xã nạp tiền để cấp đổi lại. Điều đáng nói là, giấy CNQSDĐ của người dân trong xã chỉ vừa mới được đo đạc cấp lại từ năm 2011 trở lại đây. Nhiều bìa chỉ mới đến tay người dân trong năm 2014, 2015, thậm chí có nhiều sổ đã làm từ đó đến nay vẫn còn chưa đến tay người dân thì cũng phải cấp đổi lại.

Bìa đỏ của hầu hết người dân xã Cẩm Vịnh được cấp “cào bằng” 300 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1950, thôn Ngụ Phúc, xã Cẩm Vịnh) cho biết: cách đây mấy năm, xã và một đơn vị tư vấn về đo đạc để cấp giấy CNQSD đất cho người dân xã Cẩm Vịnh. Tuy nhiên, khi nhận về, người dân phát hiện, dù diện tích đất là khác nhau nhưng tất cả giấy CNQSDĐ được cấp đợt đó của các hộ dân trong toàn xã đều được cấp “cào bằng” 300 m2 đất ở, còn lại là đất vườn. Vì vậy, nhiều hộ dân của xã Cẩm Vịnh bức xúc, không chịu nhận giấy CNQSDĐ đợt đó. Nhiều hộ dân khi biết sai sót đã phải rất vất vả, “khổ sở” đi làm thủ tục xin cấp lại.

“Gia đình tôi có 1.500m2 đất. Vào khoảng năm 2013, gia đình tôi được cấp giấy CNQSDĐ nhưng lại chỉ được cấp 300 m2 đất ở. Vì đất cha ông để lại trước năm 1980, cấp như vậy là quá ít và sai nên cho đến nay gia đình tôi vẫn không nhận bìa. Lúc đó, gia đình tôi đã nộp 400 ngàn đồng để làm, nhưng hiện loa phát thanh của thôn đang gọi tôi lên nộp thêm số tiền 4.215.000 đồng để cấp đổi lại bìa đỏ mới. Đất của tôi họ tính 2 mặt tiền nên số tiền trên quá nhiều, chưa có nên tôi chưa đi nộp”, bà Thanh cho biết.

Ông T (thôn Ngụ Phúc, xã Cẩm Vịnh) cũng cho biết: “Gia đình tôi có tổng diện tích đất là 1.118 m2 đất. Vào năm 2013, gia đình tôi được cấp giấy CNQSDĐ với diện tích là 300 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Trước đây để được cấp giấy, tôi đã nộp 860.000 đồng để làm, nay xã lại đang gọi lên nộp thêm hơn 2,2 triệu đồng để cấp đổi lại sổ mới nhằm tăng diện tích đất ở lên. Hiện nay gia đình tôi chưa có tiền để nộp”.

Theo nhiều người dân xã Cẩm Vịnh, trước đây, dù diện tích đất là khác nhau nhưng giấy CNQSDĐ đất của cả xã đều được cấp 300 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Điều đáng nói là ngay sau khi được cấp giấy CNQSDĐ như vậy, nếu người dân nào có nguồn gốc đất trước năm 1980 có nhu cầu chuyển thêm đất trồng cây lâu năm sang đất ở thì nộp lại giấy cũ, đồng thời phải làm thủ tục, hồ sơ để cấp đổi lại giấy mới, thay thế cho giấy cũ vừa được cấp. Những nhà ở gần đường, có mặt tiền thì phải nộp lệ phí làm giấy mới nhiều hơn, nhà nào nằm ở tuyến 2 thì lệ phí thấp hơn, vì giá trị đất khi được đưa ra mua bán là khác nhau.

 Bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1950, thôn Ngụ Phúc, xã Cẩm Vịnh) phản ánh với PV.

Vì nhiều gia đình có đất nguồn gốc trước năm 1980 với diện tích lớn, mà giấy CNQSDĐ cũ chỉ được có 300 m2 đất ở là quá ít, không đúng thực chất, không đảm bảo được quyền lợi cũng như sẽ gây khó khăn nếu phát sinh như mua bán hay chuyển nhượng đất, chính vì vậy họ buộc phải đi làm thủ tục, hồ sơ để được cấp lại. Việc làm hồ sơ cấp lại, người dân phải chạy lên chạy xuống nhiều lần, rất mất thời gian và phiền hà.

 “Sao không cấp đúng diện tích cho dân ngay từ đầu? chính quyền thì làm sai mà cuối cùng người dân chúng tôi lại phải chịu”, một người dân bức xúc.

Cấp “cào bằng” cho kịp…tiến độ dự án

Trao đổi với PV về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết: Vào giai đoạn 2011-2012, tỉnh chỉ đạo thực hiện Dự án đo đạc bản đồ chính quy và cấp giấy CNQSDĐ đồng loạt cho nhân dân. Lúc đó, có một đơn vị tư vấn của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hà Tĩnh (thuộc Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh) về cùng với địa chính xã đo đạc để cấp bìa cho dân.

Theo ông Chiến, thời điểm đó, trong quá trình đo đạc, việc xác định nguồn gốc đất trước năm 1980 là khó khăn và cần nhiều thời gian. Ngoài ra, nhiều người dân khi đó cũng không quan tâm, không làm đủ giấy tờ, không có Đơn xin công nhận đất ở nên gây khó khăn cho việc thực hiện dự án. Chính vì vậy, để cho kịp tiến độ tỉnh giao, các bên liên quan đã nhất trí cấp “cào bằng” 300m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm cho hầu hết hộ dân xã Cẩm Vịnh, bao gồm cả những hộ có nguồn gốc đất sau năm 1980.

Ông Chiến thừa nhận việc cấp như vậy là không đúng, tuy nhiên ông cho rằng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người dân. Vì sau đó, những hộ nào có nguồn gốc đất trước năm 1980, nếu có nhu cầu được công nhận thêm đất ở thì làm Đơn xin cấp giấy CNQSDĐ và Đơn xin công nhận đất ở thì sẽ được cấp đổi lại bìa mới.

 Ông Nguyễn Văn Chiến, chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Khi PV đặt câu hỏi, ai là bên đề xuất việc cấp giấy CNQSDĐ theo cách “cào bằng” 300 m2 đất ở như vậy? lúc đầu ông Chiến trả lời là xã đề xuất. Tuy nhiên sau đó ông Chiến sửa lại và cho biết, các bên gồm xã, đơn vị tư vấn thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Tĩnh, và đơn vị thụ lý hồ sơ là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện Cẩm Xuyên đều bàn bạc, nhất trí để cấp đất như vậy. Theo ông Chiến, các bên đều nhất trí thì mới làm, chứ chỉ mỗi xã thì đâu dám làm như vậy. Ngoài ra, theo ông Chiến, một phần là do lỗi của người dân khi làm hồ sơ chỉ kê khai chứ không có đơn xin công nhận thêm đất ở.

PV hỏi, tại sao thời điểm đó nhiều người dân chưa hiểu hết và không làm đầy đủ đơn để xin công nhận đất ở mà xã không tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và thực hiện để đảm bảo quyền lợi? ông Chiến cho biết công tác tuyên truyền cho người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân cũng chưa quan tâm nên càng khó khăn hơn khi tuyên truyền (?!).

PV  hỏi, liệu có phải việc cấp “cào bằng” như vậy là do để nhanh chóng đạt kết quả, do bệnh thành tích hay không? Ông Chiến phủ nhận và cho rằng, không có thành tích gì ở đây mà là để cho kịp tiến độ dự án tỉnh đã giao, không chỉ Cẩm Vịnh mà một số xã khác của Cẩm Xuyên như Cẩm Mỹ, Cẩm Lạc… cũng cấp như vậy.

Khi PV hỏi trách nhiệm của các bên trong vụ việc này như thế nào? Ông Chiến cho rằng trách nhiệm của xã là đã làm công tác tuyên truyền không tốt. Còn trách nhiệm chính là do ở hai Văn phòng Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Tĩnh và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Cẩm Xuyên.

Biết sai…nhưng vẫn phải cấp đổi lại

Theo nhân viên phòng địa chính xã Cẩm Vịnh thì hiện nay vẫn còn khoảng 100 giấy CNQSDĐ đợt 1 còn nằm trên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện Cẩm Xuyên. Lý do là nhiều giấy sau khi xem xét lại chưa có tài sản trên đất, một số thì do quá trình làm hồ sơ chậm…nên chưa được đưa về cho dân. Tuy nhiên, ai có nhu cầu thì vẫn làm thủ tục cấp đổi lại số bìa này.

Theo ông Chiến, ai có nhu cầu cấp đổi lại giấy CNQSDĐ này thì xã sẽ thu hồi (đối với những giấy đã đưa về cho dân) và hướng dẫn người dân làm thủ tục, hồ sơ cấp đổi lại. Người dân chỉ cần làm Đơn xin cấp giấy CNQSDĐ và Đơn xin công nhận đất ở còn xã sẽ lo phần còn lại. Trong tập hồ sơ, xã sẽ có gửi kèm tờ trình “Tờ trình về việc đề nghị công nhận diện tích đất ở cho thửa đất có nguồn gốc đất sử dụng trước ngày 18/12/1980” gửi UBND huyện Cẩm Xuyên và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Cẩm Xuyên để xin cấp đổi lại bìa đỏ.

Và ông Chiến cũng cho biết, xã gửi tờ trình và hồ sơ đính kèm gửi lên xin cấp đổi cho dân như vậy, huyện đồng ý nhưng lại không dám ra văn bản hướng dẫn thực hiện. “Vì việc giấy CNQSDĐ đã được cấp nhưng thu hồi và cấp lại như vậy là không đúng luật đất đai. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang vẫn tiếp tục làm hồ sơ cấp đổi lại để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết.

Về số tiền người dân được thông báo nộp để cấp lại giấy CNQSDĐ trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho biết: ngoài số tiền Lệ phí trước bạ nhà, đất mà người dân đã nộp để được cấp 300m2 đất ở trong bìa cũ trước đây, thì hiện nay để được cấp sổ mới, người dân phải nộp thêm lệ phí cho số diện tích đất ở mới được cấp thêm. Tối đa diện tích đất ở được cấp cho mỗi người dân là 1.500 m2. Việc thực hiện thu tiền Lệ phí trước bạ nhà, đất này xã chỉ thu hộ theo thông báo của Cục thuế huyện Cẩm Xuyên.

Hiện trong số 275 hồ sơ xin công nhận thêm đất ở ở của người dân xã Cẩm Vịnh thì hiện nay còn 32 hộ dân chưa nạp tiền.

Mai Nguyễn / Tầm Nhìn

  Từ khóa: kỳ lạ , Sổ đỏ , diện tích

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP