Nông thôn mới

Cẩm Xuyên: “Đua nhau” xây dựng điểm tập kết rác để hoàn thành tiêu chí NTM

Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí nan giải, khó thực hiện nhất trong việc thực hiện xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới (NTM). Tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), rất nhiều xã đang “đua nhau” xây dựng các điểm tập kết rác trung chuyển cho mỗi thôn để “giải” bài toán khó nhằn này. Tuy nhiên, việc cho xây dựng ồ ạt các điểm tập kết rác nhỏ đang có không ít bật cập ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường chung cho địa phương này.

Từ chuyện dân phản đối xây điểm tập kết rác cạnh nhà…

Cách đây chưa lâu, PV nhận được phản ánh của nhiều hộ dân ở thôn 3 (Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) về việc phản đối cán bộ thôn cũng như xã Cẩm Duệ đang cho xây một điểm tập kết rác ngay cạnh con đường trung tâm xã, ở ngay cạnh khu vực dân cư của thôn.

ht24h
: Điểm tập kết rác tại thôn Tân Vĩnh Cần (Cẩm Thành) nằm ngay ngã tư giao thông. Hằng ngày học sinh và người dân qua lại phải chịu đựng cảnh hôi thối từ đây.

Bà Hoàng Thị Luyện (52 tuổi, thôn 3) cho biết: “Thôn chúng tôi đang xây một điểm tập kết rác chung. Ban đầu, thôn tính xây phía ngoài cánh đồng khá xa khu dân cư. Tuy nhiên, vì địa điểm đó hơi xa đường, sẽ khó để xe tới vận chuyển rác. Vì vậy, sáng nay họ cho đổ 2 xe đất ngay bên cạnh con đường trung tâm này, bãi rác chỉ cách các gia đình chúng tôi mấy mét bên kia đường, người dân đã ra phản đối mạnh mẽ”.

“Nếu như xây điểm tập kết rác ở đây, ít nhất khoảng 20 hộ dân ở khu vực này sẽ bị ảnh hưởng, nhất là mùi hôi thối mỗi khi gió thổi. Nếu sống ngay cạnh một điểm tập kết rác như vậy, ai chịu cho nổi. Chúng tôi đang viết đơn phản ánh và kiến nghị về việc này, phải chuyển điểm tập kết rác đi chỗ khác chứ không xây như vậy”, bà Hoàng Thị Nhi (66 tuổi), vừa chỉ cho chúng tôi thấy đống đất đang đổ dở vừa bức xúc.

Theo quan sát của PV, điểm tập kết rác mà thôn 3 dự tính xây nằm sát ngay cạnh con đường liên xã đi qua trung tâm xã này. Đối diện với vị trí này ngay bên kia đường là khu dân cư ở. Một đống đất mới được đổ để làm nền thì bị người dân phản đối yêu cầu phải chuyển sang địa điểm khác.

PV quay lại điểm tập kết rác Hưng Mỹ vào một thời điểm khác, rác còn chất đống nhiều hơn.

“Về điểm tập kết rác của thôn 3, xã sẽ xem xét lại và đối thoại với người dân, sẽ tính toàn làm sao điểm tập kết rác vừa thuận lợi cho người dân, cho xe vận chuyển rác lại vừa đảm bảo không ảnh hưởng tới người dân”, Ông Hà Huy Kim, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Duệ trao đổi về vấn đề này.

Đây là một trong những điểm tập kết rác của một thôn tại xã Cẩm Duệ. Ông Kim cho biết,  hiện xã có tất cả 13 thôn, lúc đầu tính xây 16 điểm tập kết rác, nhưng hiện nay xã cho xây 14 điểm,  đến hiện tại nhiều thôn đã hoàn thiện việc xây dựng. Trung bình mỗi thôn sẽ có một điểm tập kết rác, một thôn do có địa bàn rộng nên xây đến 2 điểm. Tất cả điểm này đều nằm gần đường giao thông.

…Đến việc vừa tới tới đầu làng đã ngửi thấy mùi…rác 

Xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) là một trong những địa phương về đích Nông thôn mới sớm nhất của huyện Cẩm Xuyên khi hoàn thành tất cả các tiêu chí và “cán” đích trong năm 2013. Đây là một nỗ lực to lớn của chính quyền và nhân dân xã trong việc xây dựng và nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.

Để về đích 2013, thì tiêu chí môi trường cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu trong quá trình xây dựng. Từ thời điểm đó đến nay, Cẩm Thành là một trong những xã được đánh giá cao trong việc thực hiện tiêu chí này.

Ông Nguyễn Đình Long, phó chủ tịch xã Cẩm Thành cho biết: “Để hoàn thiện tiêu chí này, xã Cẩm Thành đã đầu tư xây dựng 8 điểm tập kết rác trên 9 đơn vị thôn. Hiện nhiều xã đang học theo mô hình của địa phương”.

Vậy sau khi về đích Nông thôn mới, sau 2 năm, tình trạng môi trường và “hoạt động” của các điểm tập kết rác ở mỗi thôn hiện nay của xã như thế nào?

Một điểm tập kết rác ở một thôn của xã Cẩm Quang. Điểm nay nằm ngay cạnh quốc lộ 1A đi qua xã này, cũng sát ngay hội trường của thôn.

Người dân cho biết, 8 điểm tập kết rác của xã luôn trong tình trạng ngập rác đang gây tình trạng ô nhiễm trên những con đường bê tông đẹp, nhiều đường  còn là tuyến giao thông chính của thôn.

Để ghi nhận tình trạng mà người dân phản ánh, PV đã tới mục sở thị tận mắt những bãi tập kết rác của xã này.

Ở thôn Hưng Mỹ, hố tập kết rác của thôn này nằm ở giữa đồng, cách khá xa khu dân cư nhưng lại nằm ngay bên cạnh con đường bê tông đẹp nhất làng. Thời điểm PV có mặt vào giữa tuần nhưng điểm tập kết này ngập rác, chất cao quá thành hố. Rác còn tràn ra cả bên ngoài, ngoài ra những bì rác bị vứt lung tung ra cả khu vực xung quanh, cả chiếc ao cách đó mấy mét. Bên cạnh đó, mảnh thủy tinh vỡ vương vãi cả ra đường, rác cũng được đốt ngay bên ngoài hố, tro còn thấy rõ. Bất kỳ ai đi trên đường, qua điểm tập kết rác này đều phải “chịu đựng” mùi hôi thối bốc ra từ đây.

Tại thôn Tân Vĩnh Cần, điểm tập kết rác của thôn này nằm ở ngã tư giao nhau của hai con đường  bê tông đẹp. Hàng ngày có nhiều học sinh và người dân qua lại ở đây. Lúc PV có mặt, từng tốp học sinh đi học về đều lấy tay bịt mũi khi đi qua điểm tập kết rác này. Hố rác cũng luôn trong tình trạng tràn ngập, rác “trào trong trào ngoài”, chất đống cao, mùi thối nồng nặc.

Hầu hết 6 điểm tập kết rác còn lại của xã Cẩm Thành đều trong tình trạng tương tự. Việc này dẫn đến tình cảnh, người dân trong và ngoài xã, tới thôn nào cũng gặp cảnh các hố rác ô nhiễm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan thôn xóm.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay không chỉ có Cẩm Thành, Cẩm Duệ mà còn một số xã hiện nay đã xây dựng được mỗi thôn một điểm tập kết rác (Cẩm Yên 7 điểm/7 thôn…), hay nhiều xã khác như Cẩm Dương (xây 10 điểm/10 thôn, hiện nay đã xây được 3 điểm), và không ít xã khác đã và đang làm theo phương án như trên.

Thử tính xem, trung bình mỗi xã khoảng 9 đến 10 thôn, mỗi thôn có một điểm tập kết rác trung chuyển, nếu như nhiều xã thực hiện phương án trên thì sẽ có một lượng rất lớn các điểm tập kết rác được xây dựng trong huyện. Trong thực tế đã có những bất cập trong quá trình sử dụng(điển hình là tại Cẩm Thành đã về đích), liệu xây mỗi thôn một điểm tập kết rác như trên có hợp lý, đã là cách làm hay nhất để thực hiện việc xử lý rác thải ở nông thôn hay không?

Mai Nguyễn – Hà Vy – Quốc Cường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP