Tăng học phí là nỗi lo của không ít gia đình có sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ. Ảnh: T.L
Tăng học phí là nỗi lo của không ít gia đình có sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ. Ảnh: T.L

Các trường đồng loạt tăng học phí

Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí ở các trường công lập, mức học phí ở khối trường này sẽ tăng dần hằng năm, từ năm học 2015-2016 – 2020-2021. Ở bậc ĐH, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 sẽ tăng trong khoảng 610.000đ/tháng đến 880.000đ/tháng. Đối với các trường ĐH tự chủ tài chính, mức thu học phí sẽ từ 1.750.000đ/tháng đến 4.400.000đ/tháng.

Sau khi nghị định chính thức có hiệu lực, nhiều trường ĐH đã ngay lập tức thực hiện mức thu học phí mới đối với các hệ đào tạo. Ngô Trang (sinh viên năm 3, ĐH Khoa học, Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Ngay sau khi nghị định tăng học phí có hiệu lực, nhà trường đã thông báo tăng học phí đối với tất cả các ngành đào tạo trong trường. Đối với ngành xã hội, học phí tăng từ 150.000đ/tín chỉ (TC) lên 174.000đ/TC, tăng 24.000đ/TC. Ngành học tự nhiên tăng từ mức 180.000đ/TC lên 200.000đ/TC, tức tăng 20.000đ/TC. Mỗi sinh viên học 25 TC thì số tiền học phí phải nộp đến 5 triệu đồng/kỳ, con số quả thật không nhỏ với học sinh khu vực miền núi như chúng em”.

Nỗi lo gánh nặng gia đình

Mức tăng học phí theo Nghị định 86 đang gây lo lắng cho nhiều gia đình thu nhập thấp, nhất là những gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mối lo lắng càng tăng khi lộ trình học phí sẽ còn tăng theo từng năm.

Tâm sự với Lao Động, Phan Anh than thở, mức tăng học phí mới khiến cho em vô cùng khó khăn. Nếu như năm học trước đóng hơn 5 triệu đồng/năm thì theo biểu mới sẽ phải đóng hơn 7 triệu đồng/năm học, chưa kể các năm sau nữa, mỗi năm một tăng, chưa kể tiền sinh hoạt, học thêm tiếng Anh, tin học… Vừa tranh thủ làm thêm, Phan Anh vừa chia sẻ: “Bố mẹ ở quê làm nông nghiệp, mỗi tháng chỉ có thể chu cấp cho em 1,5 triệu nên em phải tự kiếm việc làm thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng nữa mới có thể học được. Em chỉ lo vừa học, vừa phải đi làm sẽ không thể đảm bảo kết quả tốt được. Không những thế, chi phí sinh hoạt cũng ngày một tăng cao, lịch học cũng ngày càng nhiều hơn em có thời gian đi làm thêm không nữa. Nếu không kiếm thêm được thu nhập, em khó có thể theo học được, bố mẹ ở quê cũng không thể chu cấp thêm được”.

Có con theo học tại ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên, chị Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi, công nhân tại Cty may Minh Thọ, Thái Bình) lo lắng khi được con thông báo mức tăng học phí. Chị cho biết, vào đầu năm học nhà trường có thông báo mức thu học phí là 168.000đ/TC, nhưng thời gian sau gia đình lại nhận thông báo trường sẽ thu tăng lên mức 218.600đ/TC, như vậy, với mức tăng lên hơn 50.000đ/TC, con chị học 22 TC/kỳ bị đội chi phí hơn 1 triệu đồng. “Lương công nhân được gần 3 triệu đồng, lại lo biết bao nhiêu khoản, bây giờ học phí lại tăng khiến kinh tế đã khó khăn lại càng khó khăn hơn” – chị Hồng tâm sự.

Chia sẻ về mức thu học phí mới, PGS-TS Lưu Văn An – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cho biết, Học viện đã có chủ trương mức thu học phí mới và áp dụng luôn trong năm học này. Mức thu mới đảm bảo theo đúng quy định của Chính phủ và đảm bảo đúng theo lộ trình. Lãnh đạo nhà trường cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều, hơn nữa, học phí tăng nhưng so với mặt bằng chung nhiều trường thì vẫn thấp, với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc đối tượng chính sách vẫn được hưởng các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước.

theo Lao Động