Kinh tế

Các "ông lớn" ngành dầu khí bị thổi bay hàng nghìn tỷ đồng ngày hôm qua

Dòng tiền đổ vào thị trường bắt đáy kiếm lời rất mạnh, lên tới 7.000 tỷ đồng song các chỉ số vẫn giảm sâu, riêng VN-Index mất hơn 28 điểm cho thấy áp lực bán “xả hàng” cực lớn.

Cổ phiếu Petrolimex là một trong những mã bị giảm sàn phiên 21/4

Cổ phiếu dầu khí bị bán tháo

Nhóm cổ phiếu dầu khí thiệt hại rất nặng nề: GAS giảm 4.300 đồng còn 64.500 đồng, PLX giảm sàn 3.050 đồng còn 40.850 đồng; BSR giảm 700 đồng còn 5.800 đồng; PVS giảm 1.200 đồng còn 11.700 đồng, PVI, PVD, PVT, PLC, PGS, PVC, PXS đều mất giá.

Theo đó, chỉ trong một phiên, GAS thiệt hại gần 8.230 tỷ đồng giá trị vốn hoá; PLX bị “bốc hơi” 3.632 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu dầu khí nói riêng bị tác động mạnh sau khi chứng kiến phiên giảm kỷ lục của giá dầu trên thị trường thế giới.

Trước đó, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex đã “bốc hơi” 55,90 USD (tương đương 306%) còn -37,63 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/4.

Theo BVSC, do Việt Nam không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ mà nhập dầu thành phẩm tham chiếu giá từ thị trường Singapore nên không chịu tác động nhiều từ diễn biến tại Mỹ.

Tuy nhiên, với xu hướng chung giảm giá của mặt hàng dầu trên thế giới thì rất có thể trong thời gian tới giá dầu thành phẩm từ Singapore có thể sẽ còn tiếp tục giảm.

Việt Nam hiện đang nhập siêu xăng dầu năm 2019 là 5,6 tỷ USD, năm 2018 là 6,1 tỷ USD. Việc giá dầu thấp sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.

Ngoài ra, giá xăng dầu thấp sẽ giúp tiết kiệm chi phí hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải, sản xuất. Từ đó giúp giảm áp lực lạm phát và giúp vĩ mô Việt Nam ổn định hơn trong bối cảnh các gói hỗ trợ kinh tế đang được chính phủ tung ra.

Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh lại khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng mà cụ thể là các doanh nghiệp khai thác dầu khí sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Hơn 7.000 tỷ đồng đổ vào thị trường bắt đáy kiếm lời

Đóng cửa phiên giao dịch 21/4, VN-Index đánh mất tới 28,13 điểm tương ứng 3,54% còn 766,84 điểm; HNX-Index mất 4,99 điểm tương ứng 4,55% còn 104,7 điểm và UPCoM-Index mất 1,46 điểm tương ứng 2,78% còn 51,18 điểm.

Dòng tiền bắt đáy đổ rất mạnh vào thị trường. Theo đó, trên HSX, thanh khoản đạt tới 397,39 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 6.123,68 tỷ đồng. HNX có 73,16 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 661,82 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 24,69 triệu cổ phiếu tương ứng 246,81 tỷ đồng.

Tổng cộng, có 7.032,31 tỷ đồng đã “đổ” vào thị trường trong phiên hôm qua. Việc dòng tiền vào bắt đáy mạnh mẽ song chỉ số vẫn giảm sâu càng cho thấy áp lực bán ra đối với các mã cổ phiếu trên thị trường rất lớn.

Có tới 568 mã giảm giá và tới 100 mã giảm sàn trên toàn thị trường phiên hôm qua, áp đảo hoàn toàn so với 176 mã tăng, 44 mã tăng trần.

Trở lại với thị trường, hôm qua, cổ phiếu vốn hoá lớn đồng loạt rớt giá và bị bán mạnh, tạo áp lực cực lớn lên VN-Index. VNM giảm 3.200 đồng, VIC giảm 3.200 đồng; MSN giảm 2.800 đồng, BID giảm 2.400 đồng, VJC giảm 2.200 đồng...

BHN đảo chiều từ trạng thái tăng của phiên sáng sang trạng thái giảm sàn, mất 4.000 đồng còn 53.700 đồng trong phiên chiều. SAB cũng đánh mất 6.900 đồng còn 170.000 đồng.

Không một mã nào trong rổ VN30 trụ lại được mức giá tham chiếu, tất cả đều giảm, và trong đó có 6 mã giảm sàn là CTD, PLX, ROS, SBT, VPB và VRE.

Riêng mức giảm tại VIC đã “cướp” đi của chỉ số 3,08 điểm; thiệt hại tại BID là 2,75 điểm và tại GAS là 2,35 điểm.

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường ở mức cao thì hôm qua, khối ngoại lại duy trì trạng thái bán ròng trên cả 3 sàn, tổng khối lượng bán ròng khoảng 19,5 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị bán ròng hơn 225 tỷ đồng (bên bán ra khoảng 41,8 triệu cổ phiếu, giá trị bán 1.130 tỷ đồng).

Riêng tại sàn HSX, khối này bán ròng hơn 190 tỷ đồng, tập trung tại BID với 36,3 tỷ đồng, kế đến là STB và VIC với lần lượt 33 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Ngược lại, HPG được mua ròng mạnh nhất với giá trị mua ròng 60,5 tỷ đồng; sau đó là VHM, HDB.

Theo dự báo của BVSC, VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm và có thể lùi về vùng hỗ trợ 700-730 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật đan xen trong quá trình giảm điểm.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý 1 và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng, qua đó khiến cho áp lực chốt lời có thể gia tăng mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu đã trải qua một nhịp hồi phục mạnh và giá hiện đang tiếp cận các vùng kháng cự.

Do vậy, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Sau khi đã thực hiện bán chốt lời tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát. Đối với các nhà đầu tư vẫn còn các vị thế ngắn hạn, có thể tận dụng các nhịp bulltrap của thị trường trong một vài phiên kế tiếp để canh bán.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP