Địa Chí Hà Tĩnh

Các đội tự vệ công nông trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, trực tiếp là của các Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và các đảng bộ địa phương, các chi bộ ở các xí nghiệp, đồn điền, làng xã, các đội tự vệ công nông (Tự vệ đỏ) đã lần lượt ra đời, trở thành lực lượng nòng cốt hỗ trợ tích cực và bảo vệ quần chúng đấu tranh mạnh mẽ diễn ra trên khắp ba miền bắc-trung-nam trong những năm 30-31, đỉnh cao là ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tại đây, các đội tự vệ công nông lần lượt ra đời trong các cuộc đấu tranh cách mạng của hai tỉnh, trở thành những tổ chức bán quân sự điển hình trong phong trào cách mạng 1930-1931.
Những tháng đầu năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ địa phương, hàng loạt cuộc đấu tranh đã nổ ra ở Nghệ – Tĩnh. Mở đầu là cuộc đình công của công nhân Nhà máy cưa Thái Hợp và Lao Xiêng (13-3); các cuộc bãi côngcủa công nhân Nhà máy rượu (16-3), Nhà máy diêm (22-4). Ðiển hình là cuộc biểu tình của 1.200 nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc kéo vào TP Vinh, phối hợp với công nhân các nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, nhà máy cưa, nhà máy diêm, nhà máy cá hộp, nhà máy điện, công nhân cảng Bến Thủy (1-5); cuộc đấu tranh của 3.000 nông dân Thanh Chương (từ ngày 1 đến 5-5); các cuộc biểu tình của ba nghìn nông dân Thanh Chương (1-6), hai nghìn nông dân Anh Sơn và 500 nông dân Nghi Lộc (2-6), 1.500 nông dân Can Lộc (1-8)… Những cuộc bãi công, đình công, biểu tình của công nhân, nông dân ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh diễn ra sôi nổi đã gây cho thực dân Pháp và tay sai khó khăn, lúng túng, chịu nhiều thiệt hại.
Ðể đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương Nghệ – Tĩnh, thực dân Pháp một mặt hứa thực hiện những yêu sách của công nhân, nông dân đề ra; mặt khác huy động một lực lượng lớn binh sĩ và cảnh sát tập trung đàn áp phong trào cách mạng.
Trước tình hình đó, các Ðảng bộ ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhanh chóng tổ chức các đội tự vệ công nông (Tự vệ đỏ) làm lực lượng nòng cốt hỗ trợ, bảo vệ quần chúng nhân dân đấu tranh. Tại Hà Tĩnh, cuối tháng 6-1930, đội tự vệ Ba Xã (nay là Hậu Lộc, huyện Can Lộc) được thành lập. Lúc đầu, mỗi thôn chỉ có vài người, sau đó phát triển lên gấp hai, ba lần, có thôn lên đến 30 người, cứ 10 người lập thành một tiểu đội, những đội viên trung kiên gan dạ được chọn vào đội cảm tử. Ở những địa phương khác, các chi bộ Ðảng chọn những thanh niên trung kiên, khỏe mạnh, từ các tổ chức công hội, nông hội, Ðoàn Thanh niên cộng sản vào các đội tự vệ. Vũ khí các đội viên tự vệ chủ yếu là gậy gộc, giáo, mác, liềm hái, búa, kìm, do nhân dân quyên góp ủng hộ và các đội viên tự trang bị.
Mở đầu đợt đấu tranh mới, ngày 30-8-1930, Huyện ủy Nam Ðàn huy động ba nghìn nông dân kéo vào huyện lỵ biểu tình thị uy. Các đội Tự vệ đỏ cùng nông dân mang giáo, mác và gậy gộc tuần hành hỗ trợ quần chúng đấu tranh giành thắng lợi. Ở huyện Thanh Chương, đêm 31-8-1930, Huyện ủy phân công các đội Tự vệ đỏ vào các làng bắt giữ bọn hào lý, mật thám phản động; tiếp đó phá phà Rộ, phà Rào Gang và một số cầu quan trọng trên đường số 4 đi Ðô Lương. Trên các ngả đường vào huyện lỵ đều có các đội Tự vệ đỏ canh gác. Rạng sáng ngày 1-9-1930, hơn hai vạn nông dân có các đội Tự vệ đỏ và quần chúng vũ trang hỗ trợ rầm rộ kéo đến phá huyện lỵ Thanh Chương, sau đó trở về làng xã trừng trị bọn tổng lý phản động, làm chủ địa phương. Tiếp đó, các đội tự vệ công nông đã giữ vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ, hỗ trợ quần chúng nhân dân bãi công, biểu tình lan tràn khắp nơi, biến hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành “Nghệ – Tĩnh đỏ”. Sau cuộc biểu tình của tám nghìn nông dân huyện Hưng Nguyên có các đội Tự vệ đỏ bảo vệ khi đến ngã ba Thái Lào, bị máy bay Pháp ném bom hai lần, giết hại 217 người, làm bị thương 125 người khác, phong trào đấu tranh cách mạng ở Nghệ Tĩnh diễn ra càng mạnh mẽ, quyết liệt.
Trong các cuộc bãi công, biểu tình của nhân dân ở Nghệ – Tĩnh, các đội Tự vệ đỏ đã trở thành một lực lượng quan trọng, góp phần làm chuyển biến sâu sắc phong trào đấu tranh của quần chúng vượt ngoài dự kiến ban đầu của lãnh đạo các cấp ủy Ðảng ở địa phương, làm rung động toàn bộ bộ máy cai trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Chính quyền thống trị của thực dân Pháp ở nhiều làng xã trên địa bàn Nghệ – Tĩnh hoàn toàn tan rã, tê liệt.
Trước tình hình thuận lợi, các chi bộ Ðảng và Ban Chấp hành Nông hội đỏ ở các làng xã đã đứng ra đảm nhận chức năng của một chính quyền cách mạng theo kiểu chính quyền Xô-viết ở nước Nga. Chính quyền Xô-viết lần lượt được thành lập ở nhiều vùng nông thôn Nghệ – Tĩnh. Phong trào cách mạng do Ðảng bộ địa phương lãnh đạo có các đội Tự vệ đỏ hỗ trợ phát triển ngày càng mạnh mẽ, trở thành đỉnh cao phong trào cả nước.
Nhằm đối phó với cao trào cách mạng ở Nghệ – Tĩnh, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, mở chiến dịch “khủng bố trắng”. Chúng tập trung truy lùng, bắt bớ, bắn giết những cán bộ, đảng viên tổ chức lãnh đạo phong trào, phá vỡ hệ thống tổ chức Ðảng và các tổ chức quần chúng cách mạng của Ðảng, gây cho phong trào Nghệ – Tĩnh gặp nhiều khó khăn.
Được Trung ương Ðảng chỉ đạo, Xứ ủy Trung Kỳ và các đảng bộ tỉnh, huyện, các chi bộ xã ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ đạo các chính quyền Xô-viết xây dựng, phát triển các đội Tự vệ đỏ theo hình thức của “Hồng quân công nông”. Riêng ở Nghệ An, trong số 631 làng thuộc bảy huyện (Thanh Chương, Nam Ðàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Anh Sơn, Can Lộc, Thạch Hà) đã có tới 9.050 đội viên Tự vệ đỏ, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử ở huyện Can Lộc và hàng trăm đội viên tự vệ nữ. Tuỳ theo điều kiện từng làng xã, lực lượng Tự vệ đỏ được tổ chức biên chế thành các tiểu đội, trung đội, đại đội; những người khỏe mạnh, trung kiên nhất được xếp vào các đội cảm tử. Ðể đáp ứng sự phát triển nhanh của Tự vệ đỏ, các chi bộ Ðảng cử các đồng chí chi ủy viên ra chỉ huy các đội tự vệ. Ðội tự vệ xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên do đồng chí Trần Vượng làm đội trưởng, đồng chí Chu Văn Ðiều (tức Chu Huy Mân) làm đội phó. Ðồng chí Lê Cảnh Nhượng chỉ huy đội tự vệ thôn Phong Nậm, tổng Xuân Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An)…
Trang bị vũ khí của các đội tự vệ chủ yếu là gậy gộc, giáo, mác, liềm hái và một số súng thô sơ, do đội viên tự vệ tự sắm, một phần do nhân dân đóng góp hoặc các chính quyền Xô-viết mua từ các nguồn khác. Ở các huyện Can Lộc, Thanh Chương, các Xô-viết huy động nhân dân quyên góp tiền mua sắm vũ khí trang bị cho Tự vệ đỏ.
Sang năm 1931, tình hình tại Nghệ – Tĩnh diễn ra hết sức phức tạp. Cùng với việc cử những tên đại thần gian ác, Phủ toàn quyền Ðông Dương điều thêm 150 lính khố xanh từ ngoài bắc vào Nghệ – Tĩnh. Chúng đặt sở mật thám ở hai tỉnh lỵ Nghệ An, Hà Tĩnh; lập bốn đồn đại lý Thanh Quả, Phủ Diễn, Linh Cảm, Chu Lễ và tổ chức các đồn lính khố xanh, lính lê dương, bang tá, trạm gác của phu đoàn ở các địa phương; đồng thời tập trung lực lượng tiến hành khủng bố dã man làm cho tổ chức Ðảng và các đoàn thể quần chúng ở nhiều thôn, xã gặp khó khăn bị tan vỡ.
Tình thế cách mạng ở Nghệ – Tĩnh thay đổi. Mặc dù lực lượng quần chúng cách mạng vẫn đông đảo, khí thế đấu tranh vẫn sôi sục, nhưng về mặt quân sự đã nghiêng hẳn về phía kẻ thù. Trước tình hình đó, Trung ương Ðảng đã kịp thời vạch rõ âm mưu thâm độc của địch và đề ra những chủ trương mới, trong đó xác định phải duy trì các đội tự vệ công nông làm lực lượng nòng cốt chống địch khủng bố. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức lực lượng tự vệ ở Nghệ – Tĩnh. Người nêu rõ: “Tổ chức tự vệ của nông dân rất quan trọng trong các cuộc đấu tranh ở thôn xã. Nông hội phải tuyên truyền giải thích trong quần chúng ý nghĩa việc thành lập một đội tự vệ để bảo vệ và kêu gọi quần chúng tham gia”(1).
Tháng 4-1931, Xứ ủy Trung Kỳ ban hành Ðiều lệ về tổ chức đội Tự vệ đỏ. Thực hiện chủ trương đó, Tỉnh ủy hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chỉ đạo các địa phương xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang tự vệ. Ðến tháng 6-1931, cả Nghệ An và Hà Tĩnh đã có tới 411 đội tự vệ với 9.148 đội viên, trong đó có hàng trăm đội viên cảm tử và tự vệ nữ. Ban ngày, các đội viên đội Tự vệ đỏ tham gia sản xuất, ban đêm huấn luyện quân sự. Ðông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức quần chúng cùng với Tự vệ đỏ hăng say tập luyện quân sự.
Phong trào cách mạng ở Nghệ – Tĩnh, có các đội tự vệ làm nòng cốt tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Ðảng và Xứ ủy Trung Kỳ, các cấp ủy Ðảng ở Nghệ – Tĩnh tập trung các đội Tự vệ đỏ làm nòng cốt cho nhân dân đấu tranh chống địch càn quét, bảo vệ chính quyền Xô-viết.
Trong khi đó, địch tăng cường lực lượng đàn áp mạnh mẽ từng cuộc đấu tranh ở các địa phương. Trước các cuộc khủng bố gắt gao của địch, để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị cho đấu tranh lâu dài, từ tháng 6-1931, các tổ chức Ðảng ở nhiều nơi rút vào hoạt động bí mật. Tháng 9-1931, cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An rút vào rừng Trường Sơn thuộc huyện Anh Sơn hoạt động. Tiếp đó, các đội tự vệ công nông cũng giải tán. Phần lớn đội viên tự vệ phân tán sống lẫn trong quần chúng nhân dân, một bộ phận rút vào hoạt động bí mật theo các tổ chức Ðảng. Còn một số đội viên tự vệ được bí mật bố trí gài vào các tổ chức của địch, nhất là tổ chức phu đoàn. Một số địa phương nơi không áp dụng hình thức này, các chi bộ Ðảng tổ chức đội tự vệ bí mật đi trừng trị những tên hào lý làm tay sai đắc lực cho Pháp. Ở làng Khánh Duệ (huyện Nghi Lộc), trong một tuần, Tự vệ đỏ đã diệt trừ hai tên chánh đoàn phu, góp phần hạn chế bọn tay sai bóc lột, phá hoại cơ sở cách mạng.
Các đội tự vệ công nông (Tự vệ đỏ), lực lượng vũ trang ban đầu của chính quyền cách mạng non trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ trong phong trào cách mạng Xô-viết Nghệ Tĩnh. Trước sự khủng bố tàn bạo của quân thù, các chiến sĩ Tự vệ đỏ, danh hiệu của các đội tự vệ công nông trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh về hình thức không tồn tại, nhưng thực chất nó đã hòa vào quần chúng, hoặc rút vào hoạt động bí mật để sau này tiếp tục gia nhập, đứng trong hàng ngũ các tổ chức vũ trang cách mạng của Ðảng, cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.
Các đội tự vệ công nông trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, cũng như phong trào cách mạng cả nước trong những năm 1930-1931 là lực lượng vũ trang ban đầu, trở thành mầm mống đầu tiên để Ðảng tiếp tục kế thừa, vận dụng sáng tạo trong xây dựng các đội du kích, tự vệ chiến đấu, cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi.
Ngày nay, dân quân tự vệ có bước phát triển về chức năng, nhiệm vụ, nhưng những kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động của đội tự vệ công nông trong phong trào cách mạng 1930 – 1931, đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh, cũng như kinh nghiệm xây dựng, chiến đấu của dân quân du kích, tự vệ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, là tài sản quý giá cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển sáng tạo, cùng toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
————–(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 565.
Ðại tá, TS DƯƠNG ÐÌNH LẬP (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Nhan Dan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP