Thông tin từ cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về thống kê, chi trả tiền bồi thường thiệt hại và các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 5536/BTNMT-TCMT hướng dẫn các tỉnh thực hiện quy trình tiêu hủy hải sản nhiễm độc đảm bảo theo quy định về bảo vệ môi trường.

Ca chet mien Trung: Bo TN&MT huong dan tieu huy hai san nhiem doc - Anh 1

Bộ Tài Nguyên và Môi trường có công văn hướng dẫn tiêu hủy cá miền Trung. Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai hỗ trợ, đền bù cho người dân, đồng thời niêm phong số lượng hải sản nhiễm độc để phục vụ công tác tiêu hủy; tổ chức triển khai tiêu hủy hải sản nhiễm độc theo đúng quy trình và tiêu chí xử lý hải sản nhiễm độc bằng phương pháp chôn lấp an toàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn và báo cáo kết quả việc tiêu hủy về Bộ trước ngày 05/12/2016.

Quy trình hướng dẫn quy định rõ các yêu cầu về hố chôn lấp; bảo đảm hải sản nhiễm độc phải được cho vào thùng kim loại hoặc thùng nhựa đậy kín, có nắp chống được va đập, không bị rò rỉ khi vận chuyển; thu gom, vận chuyển hải sản nhiễm độc bằng phương tiện vận chuyển bảo đảm không rơi vãi, rò rỉ trong quá trình vận chuyển về địa điểm chôn lấp; việc tiêu hủy phải bảo đảm vệ sinh môi trường và có cắm biển báo để người dân biết không đến gần khu chôn lấp. Kinh phí tiêu hủy hải sản nhiễm độc được sử dụng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở miền Trung bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4/2016, bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên – Huế ngày 15/4, Quảng Trị ngày 16/4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4/5.

Sau khi ăn cá chết và báo chí đưa tin về một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa (của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng.

Vào sáng 20/9, đại diện 3 Bộ là Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sau sự cố Formosa xả thải trực tiếp ra môi trường. Tại buổi báo cáo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã công bố kết luận của Bộ Y tế về chất lượng hải sản 4 tỉnh miền Trung.

Theo kết luận của Bộ Y tế, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, các nục, các chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đuối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản nuôi ở vùng đầm nuôi của 4 tỉnh miền trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Tuy nhiên, các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, cá đục, bạch tuộc, cua đá… và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13.5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Bên cạnh đó, hai độc tố phenol, xyanua- hai độc tố gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt cũng được phân tích. Theo đó, kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có Xyanua- chất được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt. Các chỉ số: thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh trên đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định.

An Dương