Trong nước

“Buôn chổi đót, làm xe ôm liệu có vài trăm tỉ đồng không?”

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã đặt ra câu hỏi như vậy khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, chiều 9/11.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Đánh giá về phạm vi đối tượng kê khai tài sản được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ra ví dụ vừa qua có chuyện tài sản của nhiều quan chức lớn lại đứng tên cha mẹ. “Họ là cán bộ hưu trí nhưng đứng tên tài sản rất lớn. Nếu như chúng ta quy định như dự thảo luật thì theo tôi là chưa có giải pháp xử lý vấn đề cán bộ tuồn tài sản cho người thân”- ông Nghĩa nhận định.

Về vấn đề xác minh tài sản, vị đại biểu đoàn TPHCM cho rằng những kẻ tham nhũng lớn, có nhóm lợi ích thường đưa tài sản ra nước ngoài. Nếu luật này không giúp cho cơ quan chức năng điều tra tài sản ở nước ngoài thì vẫn là bế tắc.

“Chúng ta có các bước rất căn bản là kê khai, xác minh xong nếu không giải trình được thì có nên thu hồi tài sản?. Vào công chức làm trong vòng vài chục năm, anh buôn chổi đót, làm xe ôm liệu có vài trăm tỉ đồng không?. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cử tri đề nghị là nếu xác minh, không giải trình được tài sản thì thu hồi. Nếu chúng ta có bỏ tù, tử hình tội phạm tham nhũng mà vẫn không thu hồi được tài sản tham nhũng thì cũng là không hiệu quả”- ông Nghĩa nêu quan điểm.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), Luật Phòng chống tham nhũng chỉ có 3 vấn hết sức quan trọng. Thứ nhất, ai có khả năng, nguy cơ tham nhũng thì đưa vào đối tượng kiểm soát; nếu đưa quá nhiều, đưa tràn lan nhưng khả năng quản lý không có thì sẽ không kiểm soát được.

Thứ hai, khi xác định được đối tượng rồi thì công khai bản kê khai tài sản đến đâu?. “Công khai ở cơ quan nơi làm việc và công khai nơi cư trú thì dân rất yên tâm, nhưng nếu nói công khai chi bộ thì quá bằng giấu kín đi. Trong chi bộ đâu có kiểm soát nhau, không ai chê ai, nhưng ra đằng sau thì lại thì thào những điều không hay, vậy công khai ở chi bộ làm gì?. Công khai ở nơi cư trú và nơi làm việc, càng giấu càng chết, như “bồ nhí” càng giấu càng tìm”- ông Lợi nói.

Thứ ba, theo ông Lợi, là biện pháp kiểm soát. Tại sao dự thảo luật quy định cán bộ công chức chi tiêu 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán chuyển khoản, còn lại không kiểm soát?.

“Nhiều lần 20 triệu thành bạc tỷ rồi. Tôi cho rằng chỉ cần quan tâm 3 vấn đề quan trọng đó thôi. Cái này nên tính toán kỹ thêm, rà soát thêm, có thể lấy ý kiến nhân dân”- ông Lợi đề nghị.

"Để xảy ra tham nhũng rồi xử lý đều rất đau lòng"

Đại biểu Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an bình luận, dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng dự thảo luật vẫn có nhiều nội dung rườm rà, quá dài, khó thực hiện.

“Ví dụ chương 2 về phòng ngừa là chương hết sức quan trọng, có mục mới là kiểm soát xung đột lợi ích mà tôi đọc mãi không hiểu, nó phục vụ gì cho phòng chống tham nhũng?. Đây là luật hết sức quan trọng, cần làm nhưng phải làm cho thấu đáo, cho đạt”- ông Vương nói.

Ông Vương nhấn mạnh, muốn chống được tham nhũng thì minh bạch, công khai là yêu cầu số 1 nhưng hình như dự thảo lại không đề cập.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương (trái) đánh giá dự thảo luật vẫn có nhiều nội dung rườm rà, quá dài, khó thực hiện.

“Các hợp đồng kinh tế, chương trình, dự án phải công khai minh bạch chứ, như một số tuyến đường cao tốc, đường BOT thì phải công khai thế nào, có nhiều tổ chức kinh tế rất cần công khai minh bạch. Quy định đấu thầu nhưng trong quá trình đó vẫn hình thành các nhóm để đấu thầu hợp lệ, mà bên trong có bắt tay ngầm với nhau”- ông Vương dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Công an đề nghị tất cả công chức, nhân viên nhà nước đều phải được trả lương qua tài khoản và các giao dịch phải thông qua tài khoản để “phát sinh cái lớn” là biết hết. “Như ở Trung Quốc kiểm tra phát hiện quan chức có rất nhiều tiền trong nhà vì luật của họ kiểm soát chặt chẽ, đem tiền đi gửi là bị lộ ngay”- ông nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thông tin, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này phải tập trung vào “phòng là chính” nên phải thiết kế làm sao để người có ý đồ tham nhũng không tham nhũng được.

“Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các công cụ để phòng ngừa tham nhũng. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì tổ chức thực hiện hiệu quả mới cao, sẽ bịt được các kẽ hở để hạn chế tham nhũng. Từ đó sẽ ít phải xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng hơn”- ông Khái nói.

Còn khi đã xảy ra tham nhũng rồi thì phải tập trung phát hiện, không để lọt. Phát hiện được rồi thì phải xử lý cương quyết để không dám tham nhũng nữa. Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này phải làm sao thiết lập được khuôn khổ pháp lý thật chặt, không có kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để tham nhũng. “Để xảy ra tham nhũng rồi xử lý đều rất đau lòng, xử tù tội, tử hình một con người sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc… Rất đau xót”- ông Khái nói.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP