Giáo dục - Đào tạo

Buộc học sinh vi phạm giao thông nghỉ học là trái luật

Đại diện Bộ Tư pháp và một số luật sư cho rằng Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản về xử lý học sinh vi phạm giao thông với hình thức buộc nghỉ học một tuần là trái luật.

Trao đổi với Chúng tôi chiều 11/3, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản về việc xử lý học sinh vi phạm giao thông là không đúng thẩm quyền.

Theo ông Ba, văn bản ngày 7/3 của Sở GD&ĐT Hà Nội có nội dung: Học sinh khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nếu vi phạm lần hai sẽ trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ buộc thôi học một tuần.

“Đây là văn bản hành chính. Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản này về thẩm quyền là không có căn cứ. Về nội dung, chúng tôi cũng thấy không có tính pháp lý”, ông Ba khẳng định.

Vị Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật cũng cho biết đang kiểm tra xem xét, báo cáo, đề xuất đề “tuýt còi” văn bản trên. Đầu tuần sau, Cục này mới có kết luận cuối cùng.

Buộc học sinh vi phạm giao thông nghỉ học là trái luật
Học sinh ngang nhiên vi phạm luật giao thông. Ảnh: N.G.

Cũng liên quan vấn đề đang gây tranh cãi, luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Theo quy định của Luật ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật, Sở GD&ĐT Hà Nội không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng không phải văn bản quy phạm pháp luật nên sẽ không chứa đựng các quy phạm pháp luật có tính chất bắt buộc đối với những chủ thể tham gia quan hệ pháp luật.

“Việc áp dụng, xây dựng chế tài xử phạt (cho nghỉ học) là không phù hợp. Vì học sinh, sinh viên nhận thức có tính chu kỳ, nếu cho nghỉ học 7 ngày do vi phạm giao thông sẽ vô tình đẩy các em vào môi trường khác. Trong khi đó, về tính pháp lý, quyền học hành của trẻ em phải luôn được đảm bảo”, luật sư Hòe nêu quan điểm.

Cũng theo ông Hòe, quyết định này khó đi vào thực tiễn. Ai là người đưa biên bản xử phạt học sinh, sinh viên khi vi phạm giao thông? Cảnh sát giao thông, người vi phạm hay phải thêm một cơ quan chức năng như “đội cờ đỏ” giám sát, theo dõi?

Cùng quan điểm trên, luật sư Trần Việt Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định quyết định của Sở GD&ĐT Hà Nội không phù hợp thực tiễn cuộc sống.

“Người vi phạm giao thông đã chịu một hình thức xử phạt rồi. Về nguyên tắc, hành vi lỗi không thể xử phạt 2 lần. Sau đó, Sở giáo dục lại đưa về, tiếp tục xử phạt bằng một hình thức nữa là không hợp lý”, luật sư Hùng nói.

Vị luật sư này đưa thêm ý kiến: Nhận thức của học sinh, sinh viên còn hạn chế, việc xử phạt như thế là không tốt. Lỗi ấy có thể nhắc nhở chứ không thể áp dụng phạt các cháu nghỉ học. Sở GD&ĐT Hà Nội nên xem xét, kiểm tra lại.

Nên bỏ hình phạt buộc nghỉ học

Ngoài những ý kiến đồng tình việc nên bỏ hình thức phạt nghỉ học, một số người khác lại cho rằng phải nghiêm học sinh mới sợ.

“Nếu các em tuân thủ tốt luật giao thông thì sao bị đuổi. Đừng lấy lý do ngụy biện cho hành vi vi phạm giao thông. Áp dụng hình thức này góp phần nâng cao ý thức của học sinh và phụ huynh”,  bạn đọc Thiên Xuân An chia sẻ quan điểm.

Để học sinh, sinh viên nâng cao ý thức khi tham gia giao thông – theo luật sư Lê Thị Diệp, Trưởng văn phòng Luật sư Gia An – nên để các em tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Chỉ khi nào trong tâm thức học sinh dám nhận lỗi, tự chịu trách nhiệm và suy nghĩ chín chắn hơn, mới mong ý thức của các em nâng cao và không tiếp tục vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

“Theo tôi, nên bỏ hình thức xử lý buộc nghỉ học một tuần, trả về gia đình 3 ngày và hình thức thông báo về chính quyền địa phương nơi cư trú; thay vào đó có thể áp dụng một số biện pháp xử lý khác”, nữ luật sư đề xuất.

“Nên xem xét lại phạt nghỉ học” cũng là ý kiến của nhiều bạn đọc Zing.vnvà cư dân mạng.

Bạn đọc Nguyễn Nam góp ý thẳng thắn: “Con người hình thành nhân cách tốt phần lớn nhờ giáo dục. Các em vi phạm cần tăng cường giáo dục thêm nữa, chứ bắt nghỉ học e rằng sẽ phản giáo dục”.

Bạn Nguyễn Kim Thành viết trên fanpage Zing.vn rằng dạy đạo đức sẽ làm các em cảm thấy xấu hổ, biết tôn trọng, luật nào ra cũng nghiêm túc chấp hành, chứ giờ không dạy đạo đức, kiến thức khác chỉ bằng thừa.

Nhiều người cũng băn khoăn, trẻ em thường nhìn người lớn để học theo, trong khi không ít phụ huynh còn ngang nhiên vi phạm luật. “Nhiều bố mẹ đưa xe máy cho con đi, đèo con không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…”, tài khoản Facebook Minh Thắng nêu thực tế.

Những đề xuất khác

Luật sư Lê Thị Diệp đề xuất buộc học sinh tham gia một số buổi học về an toàn giao thông do trường tổ chức. Những tiết học này phải thực sự sâu sắc, không hời hợt. Các em phải nhận thức được sự quý giá của tính mạng, sức khỏe con người, những hệ lụy tai hại gây ra cho gia đình, xã hội khi có người bị tai nạn giao thông, từ đó cẩn trọng hơn khi ra đường, biết đảm bảo an toàn cho mình và người khác.

“Cũng phải để học sinh tham gia những buổi lao động công ích, phục vụ lợi ích chung của lớp, trường và xã hội. Ví dụ, các em tham gia lau dọn lớp, trường học, nhặt rác trên đường phố… Việc làm này vừa tạo điều kiện cho học sinh làm việc tốt, vừa giúp khiêm tốn hơn, từ đó các em mới dễ dàng đón nhận sự khuyên bảo của thầy cô, bố mẹ….”, nữ luật sư đề xuất biện pháp.

Trong khi đó, tài khoản Facebook Nguyễn Phước cho rằng nên phạt nặng phụ huynh vì đã tiếp tay con con mình: “Mới học cấp hai, ba mà nhiều em đi xe máy đắt tiền, xài điện thoại xịn, laptop, tiền trong ví cả triệu… sao không hư”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP