Tin Hà Tĩnh

Bỗng dưng mất chế độ thương binh

Ông Trần Trung Thành phát hiện hồ sơ của mình sai lệch ngày tháng năm sinh và nghi ngờ ai đó đã sửa nhằm trục lợi...

Ông Thành bên những huân, huy chương Nhà nước trao tặng

Bất ngờ bị cắt chế độ thương binh, ông Trần Trung Thành (SN 1950, trú xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) phát hiện hồ sơ của mình sai lệch ngày tháng năm sinh. Đáng nói, ông Thành là người đang thờ phụng hai liệt sỹ.

Bất ngờ phát hiện hồ sơ sai lệch

Phản ánh tới Báo Giao thông, ông Trần Trung Thành cho biết, ông lên đường nhập ngũ ngày 19/5/1971. Sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế vào Trung đoàn 271B của Quân khu IV. Ngay ngày đầu của chiến dịch K18, mặt trận Khe Thai cuối năm 1974, đơn vị ông trúng pháo của địch. Hai đồng đội hi sinh, ông Thành bị thương nặng nên được chuyển ra Bệnh viện 186. Sau một thời gian điều trị, ông được chuyển thương ra Bắc tại Viện 110 ở Bắc Ninh. Khi các vết thương tạm ổn, ông được đưa về Đoàn An dưỡng 70 tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1975.

“Theo Quyết định số 78 về việc bổ sung chế độ đãi ngộ đối với bệnh binh của Hội đồng Chính phủ năm 1978 thì ông Trần Trung Thành đủ điều kiện để hưởng chế độ đãi ngộ đối với bệnh binh.

Đồng thời, theo Quyết định số 301/1980 của Hội đồng Chính phủ bổ sung về tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sĩ, thương binh và về chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ thì ông Thành hoàn toàn đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi vừa bệnh binh, vừa thương binh.

Chỉ khi Pháp lệnh số 36/1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng có hiệu lực ngày 1/1/1995 thì ông Thành mới bị cắt đối với chế độ bệnh binh.

Như vậy, ông Thành bị cắt chế độ bệnh binh trước ngày 1/1/1995 là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, đi trái với chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc quản lý xã hội về chế độ chính sách đối với người có công.

Luật sư Phạm Văn Lượng
Công ty Luật TNHH Tôi Yêu Luật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội)''

Cuối năm 1976, trước khi chuyển về Trại An dưỡng thương binh Hà Tĩnh, ông Thành được hội đồng giám định kết luận thương tật 55%, mất sức lao động 61%. Cũng thời gian này, đoàn cán bộ huyện Nghi Xuân vào thăm và vận động thương binh, bệnh binh về xây dựng quê hương nên ông đồng ý. Khi về nhà, ông Thành tiếp tục được Hội đồng giám định Y khoa đoàn 200 Nghệ An kết luận thương tật 55%, mất sức lao động 61% và được hưởng 2 chế độ tại Phòng LĐ, TB&XH huyện Nghi Xuân.

Được biết, ngoài là thương binh, hiện ông Thành còn đang thờ phụng 2 liệt sĩ trong nhà.

“Sau đó một thời gian, không hiểu vì sao, tôi chỉ được chi trả một chế độ mất sức (bệnh binh), còn chế độ thương binh bị cắt. Nhiều lần tôi xuống Phòng LĐ, TB&XH huyện hỏi nhưng họ nói do Nhà nước chứ huyện không biết… Sau đó, tôi xuống xin lại hồ sơ thương tật, họ bảo tôi không có hồ sơ thương binh. Đến năm 2015, tôi lên Sở LĐ, TB&XH Hà Tĩnh thì phát hiện hồ sơ của mình đã bị sửa năm sinh, từ 24/2/1950 thành 1/1/1952. Cán bộ Sở nói tôi làm hồ sơ theo ngày sinh 1/1/1950 không, nhưng tôi không đồng ý. Tôi đã bỏ một phần xương thịt cho Tổ quốc, việc thật thì làm, việc gian dối thì không. Tôi nghi ngờ hồ sơ gốc của mình đã bị sửa và bán cho các đối tượng làm hồ sơ thương binh giả”, ông Thành bức xúc.

Phản ánh của ông Thành càng có cơ sở khi trong 3 phiếu điều chỉnh trợ cấp thương binh, bệnh binh của ông lưu ở huyện Nghi Xuân, có 1 phiếu ghi ông sinh năm 1950 (cấp năm 1995), 2 phiếu còn lại ghi ông sinh năm 1952.

Trước sự bất nhất này, bà Đậu Thị Hồng, Phó phòng LĐ,TB&XH huyện Nghi Xuân cho biết: “Trước đây, ông Thành có xuống thắc mắc về việc hồ sơ thương binh bị sai lệch ngày tháng năm sinh và cho rằng cán bộ ngành lao động đã bán hồ sơ gốc của ông cho đối tượng làm thương binh giả. Phòng khẳng định không có chuyện đó và hướng dẫn về làm hồ sơ để đính chính nhưng ông ấy không làm. Còn PV muốn biết chính xác phải vào Sở LĐ, TB&XH xem hồ sơ”.

Cũng theo bà Hồng, chế độ thương binh của ông Thành đã bị cắt trước năm 1994. Bởi, năm 1995 khi chế độ này được chuyển từ BHXH sang cho Phòng LĐ, TB&XH huyện chi trả đã không thấy còn nữa.

Đùn đẩy trách nhiệm

Chứng minh nhân dân, thẻ hội viên hội Cựu chiến binh của ông Thành ghi rõ ông sinh năm 1950

Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã đặt lịch làm việc với Sở LĐ, TB&XH Hà Tĩnh. Sau khi tiếp nhận giấy giới thiệu và nội dung làm việc, ông Đặng Công Nam, Phó chánh văn phòng Sở cho biết: Văn phòng sẽ báo cáo nội dung làm việc để lãnh đạo Sở giao cho ai tiếp PV thì sẽ thông báo lại sau. Được một thời gian, ông Trần Trung Thành và PV nhận được văn bản trả lời về đơn kiến nghị của ông Thành do ông Võ Xuân Linh, Phó giám đốc Sở LĐ, TB&XH Hà Tĩnh ký.

Trong văn bản ông Linh ký cho biết: Theo hồ sơ thương binh và bệnh binh lưu tại Sở, ông Thành đều sinh năm 1952. Hồ sơ thương binh ông Thành có tỷ lệ thương tật 55%; hồ sơ bệnh binh ông Thành bị cưa cụt 1/3 trên đùi trái đã cấp chân giả đi lại khó khăn với tỷ lệ 61%, đã được hưởng chế độ bệnh binh.

Trong văn bản, ông Linh cũng lý giải: Căn cứ Điều 2 Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 11/12/2002 và Khoản 5, Điều 31 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, những bệnh binh đồng thời là thương binh được nhận cả 2 chế độ khi có thời gian phục vụ trong quân đội từ 15 năm trở lên. Nếu dưới 15 năm thì sau khi trừ đi tỷ lệ thương tật, có tỷ lệ mất sức lao động do ốm đau, bệnh tật từ 41% trở lên. Hoặc, đã giám định tách riêng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật.

“Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp hồ sơ của ông Thành chưa đủ điều kiện được hưởng đồng thời 2 chế độ ưu đãi hàng tháng vừa bệnh binh vừa thương binh với lý do: Thời gian công tác của ông chưa đủ 15 năm liên tục trong quân đội; đã giám định gộp thương tật và bệnh tật (tỷ lệ mất sức 61% trong biên bản giám định hưởng chế độ bệnh binh đã có giám định thương tật)… Ông phản ánh sai lệch năm sinh do sửa chữa là không có căn cứ pháp lý; nay được hưởng trợ cấp ưu đãi 1 chế độ (bệnh binh) là đúng quy định”, văn bản nêu.

Tuy nhiên, ông Thành cho biết, văn bản trả lời như thế là chưa xác đáng. CMND, thẻ hội viên Hội Cựu chiến binh, các hồ sơ của ông trước nay đều ghi sinh ngày 24/2/1950. “Chưa kể, Nghị định 102 có năm 2002, Nghị định 31 có năm 2013, nhưng tôi bị cắt chế độ thương binh từ trước năm 1994. Khoảng thời gian đó là như thế nào?”, ông Thành thắc mắc.

Đem những thắc mắc của ông Thành phản ánh tới ông Đặng Công Nam, PV được ông Nam cho biết: “Giám đốc Sở đã chuyển nội dung cho Phòng Người có công, PV liên hệ qua anh Phạm Văn Công, Trưởng phòng để làm việc”. Tuy nhiên, khi PV liên lạc với ông Công, ông này lại nói “xuống gặp anh Nam và lên gặp lãnh đạo Sở”. PV liên lạc với ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Hà Tĩnh, ông này cáo bận và cho biết “văn bản trả lời của Sở là phát ngôn cuối cùng”.

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP