Kinh tế

Bóc trần Vũ Nhôm: Thâu tóm đất giá rẻ, nhúng tay vào ngân hàng

Phan Văn Anh Vũ, tức “Vũ Nhôm”, cái tên được nhắc đến trong nhiều thương vụ mua bán nhà đất công tại Đà Nẵng và giờ đây là trong các vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Từ một đại gia ngầm thâu tóm đất giá rẻ, Vũ Nhôm luồn sâu vào ngân hàng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình (nguyên TGĐ, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Ông Bình còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng trong vụ án này, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm

Trước đó, Phan Văn Anh Vũ đã bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố và bị truy nã quốc tế. Khi bỏ trốn, ông Vũ vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất. Đến ngày 4/1, nghi can này đã bị đưa về Hà Nội. Vũ Nhôm bị truy tố với nhiều tội danh như: “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo những thông tin ban đầu, Vũ Nhôm là một doanh nhân đã tham gia hoặc có liên quan tới những vụ mua bán, thâu tóm đất vàng tại TP. Đà Nẵng.

Trong nhiều vụ mua bán nhà đất công ở Đà Nẵng thời kỳ ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch, Phan Văn Anh Vũ không ra mặt nhưng cuối cùng đất vàng vẫn về tay Vũ Nhôm hoặc người thân trong gia đình như: một loạt nhà đất công sản tại nhiều địa chỉ nằm trên con phố Bạch Đằng; nhà đất công sản ở vị trí số 34 Hoàng Văn Thụ; căn nhà số 45-47-49 Nguyễn Thái Học; số 2 Hải Phòng; 319 Lê Duẩn,...

Ngoài nhà, đất công sản, nhiều dự án được bán cho các công ty của Vũ Nhôm hoặc có dính đến Vũ Nhôm, như Dự án khu đô thị Harbour Ville của Công ty Mega; Dự án Phú Gia Compound, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê; Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông hay Công viên An Đồn.

Ông Trần Phương Bình và vợ con

Sau những vụ mua bán đất công giá rẻ, Vũ Nhôm được cho là đã luồn sâu vào lĩnh vực ngân hàng, muốn sở hữu cổ phần lớn tại ngân hàng, cụ thể là tại DongABank. Sau khi ông Trần Phương Bình bị bắt, Vũ Nhôm vẫn là cổ đông lớn tại DongABank.

Đầu năm 2015, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (doanh nghiệp của ông Vũ) sở hữu 50 triệu cổ phần, tương ứng 10% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đã giới thiệu ông Phan Văn Anh Vũ là ứng viên làm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020.

Do từ 2015, DongABank rơi vào kiểm soát đặc biệt cho nên nếu xét theo quy định thì mọi giao dịch cổ phiếu của cổ đông đều phải ngừng lại. Điều đó có nghĩa là, doanh nghiệp của Vũ Nhôm vẫn nắm giữ 10%, tương đương 50 triệu cổ phần DAF (trị giá 500 tỷ đồng theo mệnh giá). Bên cạnh đó còn hơn 100 tỷ đồng của cá nhân ông Vũ.

Trên thực tế, các số liệu này không được phản ánh trong báo cáo quản trị của DongABank trong các năm và bán niên gần đây. Lý do là bởi, CTCP Xây Dựng Bắc Nam 79 và cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ không tham gia HĐQT, BKS,... tại DongABank.

Theo Thanh Niên, kết luận điều tra bổ sung vụ án Cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại DongABank (DAB) cho thấy, ông Trần Phương Bình bị cáo buộc xuất quỹ sai nguyên tắc chi 200 tỷ đồng cho ông Phan Văn Anh Vũ để Vũ mua cổ phần của DAB.

Cụ thể, năm 2013 Đông Á làm ăn thua lỗ trong khi muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng. Ông Trần Phương Bình đạt được thỏa thuận để Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 mua 60 triệu cổ phần của Đông Á với giá 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Vũ không có tiền mặt nên thế chấp lô đất 220ha ở Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của DongABank. 200 tỷ đồng còn lại, ông Bình chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa bằng chứng từ thu khống.

Khi tăng vốn bất thành, ông Bình bị cáo buộc có quyết định bất ngờ là chỉ đạo cấp dưới chuyển trả 600 tỷ đồng cho Công ty Bắc Nam 79 và tính thêm cả lãi. Ông Vũ sau đó dùng chính tiền này mua 50 triệu cổ phần của Đông Á, giữ lại 100 tỷ đồng.

Trước đó, trong vụ xử bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank - sau này đổi thành Ngân hàng Xây dựng VNCB) hồi giữa tháng 5/2018, Vũ Nhôm cũng đã được gọi tên. Theo kết quả điều tra, một công ty đã chuyển cho tài khoản ông Phan Văn Anh Vũ hơn 30 tỷ đồng tiền mua đất ở Đà Nẵng.

Tác giả: H. Tú(tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP