Trong nước

Bộ Y tế: Dương tính với ấu trùng sán lợn chưa cần điều trị

Chiều nay 19.3, tại Bắc Ninh, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã chủ trì họp báo xung quanh sự việc hàng trăm học sinh tỉnh này dương tính với sán lợn.

Đại diện Bộ Y tế cho rằng kể cả dương tính với ấu trùng sán lợn cũng chưa có nghĩa trong người có sán
ẢNH PHAN HẬU


Chia sẻ với các phụ huynh ở huyện Thuận Thành vừa đồng loạt đưa con đi Hà Nội xét nghiệm sán lợn, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nói: "Tôi có con mà không có chuyên môn và trong điều kiện như vậy thì tôi cũng rất lo và làm như vậy”, ông Phong nói.

Không lưu mẫu thực phẩm là vi phạm pháp luật

Từ góc độ chuyên môn, ông Phong cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định vi phạm an toàn thực phẩm ở trường mầm non Thanh Khương liệu có liên quan tới việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm và một số có kết quả dương tính với sán hay không.

Theo ông Phong, thứ nhất vì các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có. Thứ hai, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh...

"Phải khẳng định rõ ràng rằng không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều con đường dẫn đến nhiễm sán. Do vậy, cần tuyên truyền hướng dẫn cho người dân thói quen ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn”…, ông Phong nói.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, kết quả xét nghiệm dương tính trong huyết thanh, trong máu cũng không thể khẳng định trong người có sán. Điều này đều ghi trong tài liệu cả trong và ngoài nước. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần chẩn đoán. Dương tính với sán dây lợn, theo phác đồ điều trị Bộ Y tế ban hành 2004 thì chưa có chỉ định điều trị. Chỉ sau này, khi sán trưởng thành có biểu hiện đi ngoài có đốt sán, đối với ấu trùng có nổi mụn hạch, khi đó mới điều trị.

Chỉ khi có biểu hiện nhiễm sán mới cần xét nghiệm

Ông Phong cũng khẳng định trong trường hợp ông vừa nêu thì điều trị không khó khăn, thuốc không đắt. "Một liều thuốc tẩy giun sán duy nhất có thể diệt được, ấu trùng thì có thể kéo dài hơn, nhưng khẳng định là có thuốc", ông Phong nói, và cho biết sẽ kiến nghị với lãnh đạo Bộ Y tế, trong thời gian tới, đối với kết quả xét nghiệm dương tính, thay vì đề nghị sau 2 tuần khám lại thì Bộ sẽ đề nghị cán bộ của Viện trong giai đoạn chờ tái khám thì xuống trực tiếp các địa phương, nhà trường cùng y tế địa phương để kiểm tra theo dõi.

"Kết quả dương tính chưa khẳng định chắc chắn trong người có sán, cũng chưa chỉ định điều trị, nên khi kiểm tra giám sát tại cộng đồng, các cháu dương tính có biểu hiện bệnh thì mới điều trị", ông Phong lý giải.

Ông Phong đề nghị trong vụ việc này, tỉnh Bắc Ninh cần thông tin kịp thời, khách quan, không bao biện, sự việc đúng như thế thì phải đương đầu xử ý nhưng nếu không đúng thì phải giải thích, cung cấp thông tin để người dân hiểu và tránh hoang mang không cần thiết

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc không còn lưu mẫu thì làm sao điều tra được nghi vấn thịt lợn nhiễm sán, ông Phong khẳng định quy định là lưu mẫu, việc không lưu mẫu "đương nhiên là vi phạm pháp luật". Các cơ sở nào vi phạm về quy định lấy mẫu, về người chế biến thực phẩm, về nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị... đều là vi phạm.

Hoang mang về bữa ăn học đường: Phụ huynh phải được quyền giám sát bữa ăn của trẻ
Tuy nhiên, theo ông Phong, nếu có lưu mẫu và thịt lợn đó bị nhiễm sán nhưng đã được nấu chín thì khả năng nhiễm sán sang người cũng không còn.

Ông Phong khuyến cáo: Xét nghiệm chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ để chẩn đoán, nên chỉ khi người có biểu hiện mới đi xét nghiệm nhiễm ấu trùng sán lợn hay không và kết hợp nhiều biện pháp khác để khẳng định có bệnh hay không.

Tác giả: Tuệ Nguyễn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP