Trong nước

Bộ Tư pháp phê duyệt quy hoạch lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng

Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc rà soát bổ sung quy hoạch lãnh đạo giai đoạn 2017-2021 và phê duyệt quy hoạch Lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng của 35/35 đơn vị.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm diễn ra chiều nay, văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong nửa năm qua, Bộ và các Sở Tư pháp đã quan tâm, tập trung hoàn thành việc rà soát bổ sung quy hoạch lãnh đạo giai đoạn 2017-2021 và xây dựng quy hoạch giai đoạn 2021-2026.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (giữa) chủ trì hội nghị

Ngoài ra, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã phê duyệt quy hoạch Lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng của 35/35 đơn vị thuộc Bộ. Công tác bổ nhiệm, tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đã hoàn thành tuyển dụng 26 công chức; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 22 lãnh đạo cấp Vụ, 26 lãnh đạo cấp Phòng của các đơn vị thuộc Bộ.

Đối với đội ngũ làm công tác pháp chế, số lượng cán bộ pháp chế chuyên trách ở các địa phương hiện có 613 người (tăng 20 người so với cùng kỳ năm 2018). Các cơ quan ở TƯ có 1.325 cán bộ pháp chế chuyên trách (giảm 130 người).

Sớm ban hành tiêu chuẩn Giám đốc Sở Tư pháp

Liên quan đến công tác cán bộ, Bộ Tư pháp cũng nhận được nhiều câu hỏi và kiến nghị của các bộ ngành, tỉnh thành.

Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ sớm bổ sung và phân bổ biên chế công chức cho ngành Tư pháp tỉnh; sớm có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ làm công tác Tư pháp.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Tư pháp cho biết theo quy định pháp luật, việc xây dựng, thẩm định và phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính của địa phương thuộc trách nhiệm của UBND và HĐND cấp tỉnh.

Do đó, Bộ đề nghị các Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND các tỉnh, thành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng số lượng, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn để xem xét, cân đối từ nguồn biên chế được giao. Trên cơ sở đó có kế hoạch, giải pháp cụ thể để bố trí, kiện toàn biên chế của các cơ quan Tư pháp địa phương theo quy định.

Về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị quyết số 27 của TƯ về cải cách chính sách tiền lương sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, cán bộ ngành này sẽ được hưởng chế độ, chính sách tiền lương mới theo quy định.

Hàng loạt tỉnh, thành: Hà Nội, An Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Trà Vinh, Sơn La đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành quyết định mới về việc ban hành tiêu chuẩn Giám đốc Sở Tư pháp để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Tư pháp cho biết, năm 2018 Bộ đã giao Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định về tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.

Đến nay, dự thảo Thông tư và các tài liệu có liên quan đã được xây dựng, gửi lấy ý kiến góp ý của các địa phương, các bộ, ngành có liên quan và đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.

Trong thời gian tới, trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ (hiện nay Bộ Nội vụ chưa có ý kiến) và thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp sẽ xem xét, sớm ban hành Thông tư này.

Thực hiện văn hóa công sở

Cũng tại hội nghị này, Bộ Tư pháp phát động và tổ chức triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025.

Theo đó, Bộ yêu cầu, các tập thể là đơn vị xây dựng, ban hành các chính sách, quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về văn hóa công sở; thực hiện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; xây dựng và giữ gìn cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp...

Bộ cũng yêu cầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp”.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP